Khơi dậy tinh thần yêu thích nghiên cứu khoa học của học sinh

06:03, 30/03/2022
Nhờ khơi dậy tinh thần nỗ lực học tập, nghiên cứu ở học sinh, một cô giáo trung học cơ sở ở Đà Lạt đã giúp không ít học sinh mang về những thành tích nghiên cứu khoa học đáng kể ngay trên ghế nhà trường.
 
Cô giáo Võ Hà Tuyết Hạnh
Cô giáo Võ Hà Tuyết Hạnh
 
Đó là cô giáo Võ Hà Tuyết Hạnh, sinh năm 1983, Thạc sĩ chuyên ngành Sinh học Thực nghiệm, Tổ trưởng Tổ Sinh - Công nghệ lớp 6 và lớp 7 Trường Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du, thành phố Đà Lạt.
 
Dạy học nhiều năm trong bậc THCS, cô cho biết, bản thân luôn trăn trở và đặt ra câu hỏi mình cần làm gì để giúp các em học sinh có một hành trang tốt nhất vào đời ngay khi còn trên ghế nhà trường phổ thông. 
 
Theo cô Hạnh, việc khơi dậy tinh thần nỗ lực học tập và tăng cường kỹ năng trong nghiên cứu ở học sinh là một công việc quan trọng trong đi dạy. Bởi lẽ “Chỉ có khơi dậy tinh thần nỗ lực tự học, tự bồi đắp tri thức, tự tìm tòi nghiên cứu đặc biệt là nghiên cứu khoa học mới giúp bản thân học sinh nắm được vấn đề một cách chắc chắn và bền vững, là dịp tốt để rèn luyện phát triển năng lực hoạt động độc lập sáng tạo ở học sinh trên con đường dẫn đến thành công sau này” - cô suy nghĩ. 
 
Dạy bộ môn Sinh học - môn học được lựa chọn trong giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, nên theo cô, để học được tốt môn học này, học sinh và cả giáo viên cũng cần nắm vững cả kiến thức về các bộ môn khác trong khối khoa học tự nhiên và tính ứng dụng của nó trong nghiên cứu khoa học. Việc khơi dậy tinh thần học tập và nghiên cứu khoa học ở học sinh hết sức cần thiết để tạo nguồn nhân lực trẻ chủ động, tích cực, thích ứng, nhạy bén với tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của thời đại. 
 
Trong dạy học, cô Hạnh cho biết đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy của mình và học của học sinh; kết hợp linh hoạt, hợp lý nhiều phương pháp và hình thức tổ chức nhằm tăng hứng thú cho các em, tích cực hoá hoạt động của học sinh trên cơ sở tự giác, tự khám phá dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. 
 
Để giúp học sinh nắm kiến thức lý thuyết và thực tiễn của môn học tốt hơn, cô chú ý phát huy tính tự học của học sinh thông qua các hình thức như thảo luận, thuyết trình những vấn đề trong bài học và trong thực tế cuộc sống; tăng cường cho học sinh viết bài nghiên cứu, làm các bài tập lớn. “Vì điều này sẽ giúp học sinh hiểu sâu hơn những vấn đề cơ bản của môn học, bước đầu biết gắn lý luận với thực tiễn, gắn với việc định hướng nghề nghiệp cho mình ngay từ cấp THCS” - cô cho biết. Đây cũng là bước đi đầu tiên giúp học sinh định hình năng lực trên sở thích, sở trường, sức khỏe và khả năng của mình, có được phương pháp học tập tốt nhất để phát huy được lợi thế, tập trung phát triển theo đúng định hướng nghề nghiệp phù hợp. 
 
Trong dạy học cô luôn khuyến khích học sinh tự nghiên cứu, sáng tạo. Với ngành Sinh học, có thể bắt đầu đơn giản bằng việc giao cho học sinh những bài tập, thí nghiệm, giải quyết một vấn đề cấp thiết, dự án đặc biệt là từ những vấn đề mang tính thời sự, gắn với thực tiễn đời sống và giáo dục ở nhà trường. Theo cô Hạnh, việc làm này sẽ giúp học sinh có cái nhìn rõ hơn về các hoạt động nghiên cứu, thấy được tính thực tế và hiệu quả của một công trình nghiên cứu khoa học.
 
Cùng đó, bản thân cô Hạnh cũng luôn chú ý tìm hiểu, học hỏi thêm từ những giáo viên có kinh nghiệm, những người đi trước, từ các nhà nghiên cứu khoa học để công tác hướng dẫn của mình trong trường học có hiệu quả hơn. 
 
Và một điều quan trọng nữa, theo cô Hạnh, đó chính là sự quan tâm, đồng hành của nhà trường cùng các cấp quản lý với công tác nghiên cứu khoa học của học sinh. Cụ thể, như trường nơi cô đang dạy học, trong bồi dưỡng học sinh mũi nhọn đã đầu tư cơ sở vật chất, động viên giáo viên và khuyến khích các em học sinh nỗ lực học tập để giành được nhiều thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt những năm gần đây đã mời các nhà khoa học có chuyên môn cao tham gia các buổi hội thảo, tập huấn cho học sinh các trường học về phương pháp, kỹ năng cần thiết trong nghiên cứu khoa học; các giáo viên cốt cán trong Ban tổ chức nghiên cứu khoa học của nhà trường cũng thường xuyên tự học hỏi, cập nhật kiến thức để có thể tập huấn, tư vấn, giúp đỡ học sinh trong quá trình hướng dẫn học sinh thực hiện đề tài. 
 
Nhờ khơi dậy được tinh thần tự học và nghiên cứu ở học sinh nên trong những năm gần đây, Trường THCS Nguyễn Du, Đà Lạt cũng như cô giáo Tuyết Hạnh đã gặt hái được những thành tích rất đáng kể trong giảng dạy cũng như trong nghiên cứu khoa học. 
 
Cụ thể, trong năm học 2020-2021, toàn bộ 10 học sinh do cô Hạnh bồi dưỡng đều đạt kết quả cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh. Các học sinh được cô bồi dưỡng khi tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng lần thứ 16 của tỉnh đã đoạt giải Đặc biệt cấp tỉnh. Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học trong 2 năm liền do cô hướng dẫn đã đoạt giải Nhất cấp tỉnh, được vinh dự là 1 trong 2 đề tài tham dự cấp quốc gia và đoạt giải Tư quốc gia. 
 
Rất nhiều học sinh do cô hướng dẫn sau đó khi lên bậc trung học phổ thông đã tiếp tục gắn bó với môn Sinh, khoảng 25% số học sinh của lớp chuyên môn Sinh học tại Trường THPT Chuyên Thăng Long Đà Lạt hằng năm là học sinh từ trường cô dạy. Không ít học sinh này sau đó đã tiếp tục gắn bó với môn Sinh học, theo học chuyên ngành Sinh học, Công nghệ Sinh học, Nông nghiệp trong các trường đại học trong nước, trong tỉnh, ra trường về tỉnh công tác, có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển cho nền nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng.
 
Bản thân cô Hạnh cùng với các đồng nghiệp trong và ngoài trường cũng đã tham gia vào nhiều đề tài nghiên cứu khoa học; như trong 2 năm 2020-2021, đã có hai công bố khoa học thuộc lĩnh vực Khoa học thực vật và Khoa học vật liệu trên Tạp chí Công nghệ Sinh học và Tạp chí Khoa học Công nghệ.
 
VIẾT TRỌNG