Tổ chức các lớp học xóa mù chữ và hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân

01:05, 12/05/2022
(LĐ online) - Đây là kế hoạch phối hợp giữa Trại giam Đại Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Lâm Đồng ký kết sáng 12/5/2022 tại Sở GDĐT. Tham dự có Thượng tá Bùi Ngọc Dũng - Giám thị Trại giam Đại Bình, ông Huỳnh Quang Long - Phó giám đốc Sở GDĐT và ông Bùi Quang Sơn - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và các bộ phận liên quan của ba bên.  
 
Đại diện lãnh đạo ba bên cùng ký Kế hoạch phối hợpt tổ chức thực hiện
Đại diện lãnh đạo ba bên cùng ký Kế hoạch phối hợp tổ chức thực hiện
 
Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ; hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, giai đoạn 2021 - 2030 nhằm triển khai thực hiện tốt Đề án của Chính phủ với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác dạy văn hóa xóa mù chữ và công tác hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, giúp phạm nhân học tập nâng cao nhận thức, kiến thức, giáo dục nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp, có kỹ năng nghề nghiệp cơ bản để vận dụng hiệu quả trong thực tiễn. Từ đó, giúp họ có thêm niềm tin, nghị lực, ý chí phấn đấu học tập, lao động cải tạo tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội.
 
Ba bên đã thống nhất, mục tiêu đến năm 2025, tất cả phạm nhân mù chữ, tái mù chữ có đủ điều kiện về khả năng, thời gian chấp hành án phạt tù được tham gia học văn hóa xóa mù chữ. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1, phạm nhân được cấp Giấy chứng nhận biết chữ. Phấn đấu đến năm 2030, 100% phạm nhân mù chữ, tái mù chữ có đủ điều kiện về khả năng, thời gian chấp hành án phạt tù được tham gia học văn hóa xóa mù chữ và được cấp Giấy chứng nhận biết chữ. Việc phân phối chương trình, tài liệu giảng dạy được thực hiện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo... 
 
Về tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, mỗi phạm nhân được học 01 nghề, ưu tiên phạm nhân trong độ tuổi thanh niên chưa có nghề nghiệp, phạm nhân có mức án dưới 05 năm và số phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù được bố trí học nghề, nâng cao tay nghề. Tổ chức dạy nghề, truyền nghề cho phạm nhân; giúp họ có định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng...Chương trình đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho phạm nhân với mục tiêu giúp phạm nhân có năng lực, kỹ năng thực hiện các phần việc, công đoạn của một số ngành nghề; đào tạo nghề tối thiểu là 300 giờ với 03 đơn vị học tập (gồm kiến thức nghề, kỹ năng thực hành, thái độ đối với nghề được học); thời gian đào tạo nghề từ 03 tháng đến dưới 01 năm. Ngoài ra, còn tổ chức cho phạm nhân học nghề theo hình thức truyền nghề, tập nghề, có thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ, thời gian truyền nghề dưới 03 tháng. Sau khi học xong chương trình đào tạo nghề, Trại giam phối hợp với trung tâm dạy nghề tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghề cho phạm nhân...
 
Kế hoạch cũng đã thống nhất phân công trách nhiệm cho mỗi bên triển khai thực hiện hàng năm, từ năm 2021 đến năm 2030. 
 
M.ĐẠO