Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở Đạ Tông

04:08, 15/08/2022
Việc phục hồi, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được cấp ủy, chính quyền xã Đạ Tông (Đam Rông) triển khai đồng bộ, hiệu quả, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Các giá trị văn hóa truyền thống về trang phục, dân ca, sử dụng nhạc cụ, nghề thủ công, ẩm thực được phục dựng, bảo tồn và phát huy. 
 
Tuổi trẻ Đạ Tông bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
Tuổi trẻ Đạ Tông bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống
 
Nói đến vùng đất Đạ Tông là nói đến cái nôi hình thành nhiều giá trị truyền thống văn hóa của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên như: Lễ hội cầu mưa, Mừng lúa mới, chế tác các nhạc cụ kèn môi, đàn tre, lưu giữ cồng chiêng và các nghề truyền thống như đan gùi, làm rượu cần, dệt thổ cẩm, ẩm thực truyền thống... Thế nhưng, do tác động của quá trình phát triển kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là thanh, thiếu niên tiếp cận nhiều với văn hóa hiện đại, ít coi trọng đến việc lưu giữ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc nên các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số ở địa phương có nguy cơ bị mai một.
 
Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền xã Đạ Tông đã có nhiều cách làm hay để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, Nghị quyết số 45 ngày 8 tháng 6 năm 2022 về phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cảnh quan thôn, xóm, đón đầu phát triển du lịch từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 như một luồng gió mới để Đạ Tông khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống. Mục tiêu của nghị quyết phấn đấu đến năm 2025, mỗi thôn có ít nhất 2 bộ chiêng và 2 đội biết chơi cồng chiêng, 1 đội văn nghệ dân ca; xây dựng được một bộ sưu tập hiện vật và sưu tầm hình ảnh, tư liệu văn hóa nơi đồng bào Cil, M’nông cư trú thành cộng đồng; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng 1 nhà rông truyền thống để trưng bày, giới thiệu văn hóa và dụng cụ, lưu giữ các sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào Cil. M’nông; xây dựng ít nhất 3 cơ sở, hộ kinh doanh đăng ký giấy phép, thương hiệu các sản phẩm nông sản, ẩm thực đặc trưng của vùng đồng bào dân tộc như: gạo nếp đen, rượu cần, măng, cơm lam, heo địa phương, cá suối... nhằm góp phần tạo tiền đề đón đầu cho việc phát triển du lịch khi thông tuyến đường 722 kết nối với huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt được đưa vào khai thác; quy hoạch các khu, điểm du lịch, đặc biệt là khu du lịch sinh thái lòng hồ, sông gắn với trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu đến năm 2030 trên địa bàn xã có ít nhất 4 điểm du lịch. 
 
Ông Hoàng Mạnh Huỳnh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đạ Tông, cho biết, hiện nay, giới trẻ trên địa bàn tập trung hướng tới các loại nhạc hiện đại nhiều hơn là nhạc truyền thống, cho nên văn hóa bản địa, đặc biệt là văn hóa đặc trưng như là cồng chiêng, mừng lúa mới đang mai một dần. Trước tình hình đó, Thường trực Đảng ủy xã đã tổ chức một cuộc họp với các ngành, các cơ quan trên địa bàn; rồi Mặt trận, đoàn thể tổ chức buổi họp các già làng, các cụ cao niên, các nghệ nhân bàn giải pháp. Trên tinh thần đó, Đảng ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề để phục dựng văn hóa và vừa qua, đã tổ chức ra mắt câu lạc bộ cồng chiêng và các lễ hội dân gian của địa phương tại Thôn Đạ Nhinh 1 và Đạ Nhinh 2. Đồng thời lấy 2 thôn này làm điểm, sau đó cuối năm phát triển và phục dựng trên địa bàn toàn xã.
 
Thực hiện Nghị quyết số 45 của Đảng ủy xã về phục hồi, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng cảnh quan thôn, xóm, đón đầu phát triển du lịch từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND xã đã chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể phối hợp với Ban Nhân dân thôn tổ chức tuyên truyền sâu rộng nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân biết và thực hiện; rà soát các loại hình văn hóa truyền thống bị mai một hoặc có nguy cơ mai một để thực hiện phục hồi, bảo tồn ngay chính trong đời sống cộng đồng như: lễ hội cầu mưa, mừng lúa mới, trò chơi dân gian, các nhạc cụ đàn tre, kèn môi, cồng chiêng. Khuyến khích các hộ gia đình làm nghề truyền thống đan gùi, làm rượu cần, dệt thổ cẩm, ẩm thực truyền thống; quy hoạch, lựa chọn, phục dựng không gian văn hóa vùng dân tộc tại các khu vực như sông Đạ Nhinh, suối Đạ Tông, suối nước nóng, thác Tình Tang...
 
Mặt khác, xã Đạ Tông còn phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín, các chức sắc tôn giáo trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng các mô hình câu lạc bộ cồng chiêng, câu lạc bộ dân ca truyền thống ở các thôn để truyền dạy cho con cháu, đoàn viên, thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Đa Cát Ha Tư, người có uy tín xã Đạ Tông, cho biết: “Mục đích thành lập câu lạc bộ cồng chiêng để các con, cháu sau này lưu giữ và phát huy các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, nhất là các bài hát dân gian cũng như nhạc cụ, cồng chiêng của dân tộc khỏi bị mai một”.
 
Cùng với đó, xã Đạ Tông còn tổ chức các đợt liên hoan, hội diễn văn hóa, văn nghệ nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương như: Dịp mừng Đảng, mừng xuân; kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2; Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4; Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5; Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9... Đây là dịp để bà con Nhân dân các dân tộc trên địa bàn giao lưu văn hóa, văn nghệ, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết cộng đồng và giao lưu các nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
 
VĂN TÂM