Tự hào truyền lửa cách mạng cho thế hệ mai sau

04:08, 17/08/2022
Để tạo một mái ấm sinh hoạt, gặp gỡ, giúp đỡ, san sẻ yêu thương lẫn nhau - Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (HCSCMBĐBTĐ) được ra đời và đi vào hoạt động rất ý nghĩa. Nhìn lại nhiệm kỳ II (2017-2022), Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh Lâm Đồng đã gặt hái nhiều thành quả quan trọng, trong đó lớn nhất vẫn là niềm tự hào khi Hội luôn là nơi “tiếp lửa”, “giữ lửa” và “truyền lửa” cách mạng, bồi đắp tình yêu đất nước cho thế hệ trẻ mai sau. Họ luôn là những tấm gương sáng trong cộng đồng, vượt khó khăn, gương mẫu trong gia đình, dòng họ, khu dân cư, là niềm tự hào để con cháu noi theo. 
 
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội 
 
Hội CSCMBĐBTĐ được Đảng, Nhà nước xác nhận là một trong 9 đối tượng có công với nước. Trên tinh thần chung ấy, Hội CSCMBĐBTĐ tỉnh đã tiếp tục phát huy truyền thống “Kiên trung, bất khuất, trung thành, đoàn kết, nghĩa tình, thủy chung” nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu chung mà đại hội nhiệm kỳ II xác định là “Xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, tập hợp và chăm lo đời sống, giáo dục hội viên gương mẫu, giữ vững phẩm chất cách mạng, truyền lửa yêu nước cho thế hệ trẻ, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên”.
 
5 năm qua (2017-2022), Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ngành, đơn vị, địa phương; các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quan tâm giúp đỡ. Đội ngũ cán bộ, hội viên của Hội tiếp tục phát huy truyền thống đã được thử thách trong lao tù, vượt qua khó khăn, nêu cao lòng nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực trong mọi mặt đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. 
 
Nhiệm kỳ qua, Hội đã tổ chức được 20 cuộc gặp gỡ ân tình với 1.500 hội viên Hội CSCMBĐBTĐ ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh về hội tụ. Các cuộc gặp mặt đều có sự tham dự của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, tổ chức...; qua đó đã góp phần động viên tinh thần của các chiến sĩ CMBĐBTĐ. Đồng thời, qua buổi gặp gỡ đã kịp thời lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của hội viên và chia sẻ, tháo gỡ phần nào khó khăn của hội viên. 
 
Hội đã tổ chức được nhiều chuyến thăm lại “chiến trường xưa”, “Chiến khu xưa” - những di tích lịch sử hào hùng như Nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Tài, Phú Lợi, Tân Hiệp, Chí Hòa, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt... cho hàng trăm lượt hội viên. Tham dự gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các Hội tỉnh bạn nhân dịp đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân hay nhân dịp tổ chức các sự kiện trọng đại, ý nghĩa như: Kỷ niệm 60 năm “Ngày Phú Lợi căm thù”, “60 năm Ngày phá ngục ở nhà tù Tân Hiệp - Biên Hòa, Đồng Nai”, lễ giỗ các Anh hùng liệt sĩ đã bị sát hại tại nhà tù Côn Đảo...
 
Đặc biệt, hoạt động truyền lửa giàu ý nghĩa được Hội duy trì trong nhiều năm qua đó là Hội đã phối hợp với Tỉnh Đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Đức Trọng, Cát Tiên và thành phố Bảo Lộc, Trường Đại học Đà Lạt, Trường THPT Chuyên Thăng Long , Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt... tổ chức giới thiệu những tấm gương kiên trung, bất khuất, đấu tranh dũng cảm hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ cách mạng trong các nhà tù, trại giam của Mỹ - Ngụy cho hàng ngàn lượt các em học sinh, sinh viên, bộ đội biên phòng tham dự. Tại các buổi giao lưu, gặp gỡ, kể chuyện lịch sử thông qua lời kể sinh động của chính các nhân chứng lịch sử là hội viên Hội CSCMBĐBTĐ về câu chuyện, ký ức của các cựu tù cách mạng đã hiểu thêm về hình ảnh của những người chiến sĩ cách mạng gan dạ, những cựu tù cách mạng dám xả thân vì sự nghiệp cách mạng cao cả của Đảng, Nhà nước. Qua đó đã góp phần truyền lửa cách mạng, tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ trẻ. Khơi dậy lối sống đẹp trong giai đoạn hiện nay, làm việc, học tập có trách nhiệm, vì cộng đồng, vì đất nước.
 
Du khách đến Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng. Ảnh: Q.U
Du khách đến Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt tìm hiểu lịch sử đấu tranh cách mạng. Ảnh: Q.U
 
Từ nhiệm kỳ II, đến nay, Hội có tổng số 760 hội viên. Trong đó có 21 đồng chí trong Ban Chấp hành Hội; 7 đồng chí trong Ban Thường vụ Hội, một số đồng chí do sức khỏe không đảm đương tiếp nhiệm vụ, một số đồng chí chuyển nơi khác và một số đồng chí đã mất. Trong đó, có 30 cựu tù Phú Quốc, 31 cựu tù Côn Đảo; 20 cựu tù Tân Hiệp và 14 cựu tù Phú Tài. Đa số các hội viên đều lớn tuổi, cao tuổi nhất là hội viên 103 tuổi và nhỏ tuổi nhất là 60 tuổi.
 
5 năm qua, 100% gia đình hội viên đều đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu 3 năm liền. Tham gia phát triển tại địa phương, có nhiều hội viên tích cực tham gia đóng góp làm đường bê tông giao thông nông thôn từ 2-6 triệu đồng/hộ. Hội viên tích cực tham gia đóng góp các khoản Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Vì nạn nhân chất độc da cam, Quỹ Phòng, chống lụt bão miền Trung, hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh COVID-19, và tham gia bảo vệ an ninh trật tự địa phương... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
 
Hoạt động chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên là một trong những nhiệm vụ được Hội thực hiện khá tốt. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã thường xuyên quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, phân bổ phần quà cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó, Hội đã phối hợp với Hội huyện và Ban Liên lạc kịp thời thăm hỏi, động viên, tặng hàng trăm suất quà vào các dịp lễ, tết, mỗi suất từ 300 - 500 ngàn đồng, nhằm động viên, khích lệ tinh thần các hội viên vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. 
 
Các cấp Hội và Ban Liên lạc huyện, thành phố còn tích cực tham gia giám sát ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các chế độ trợ cấp hàng tháng theo Nghị định 31/CP, thực hiện cho đối tượng nghỉ dưỡng 2 năm 1 lần trong và ngoài tỉnh theo quy định nhằm động viên tinh thần cho các đối tượng chính sách. Đặc biệt, trong tháng 3/2022 vừa rồi, Tỉnh Hội đã tổ chức chuyến đi ý nghĩa về thăm lại Nhà tù Phú Quốc cho 12 hội viên là cựu tù Trại giam Phú Quốc bằng phương tiện máy bay. Qua đó, tạo sự phấn khởi, tự hào cho các cựu tù khi được trở lại thăm nơi một thời họ đã từng đấu tranh và cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Tổ quốc. 
 
Có thể nói, khắc ghi lời Bác dạy “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và cần thiết”, những năm qua, bằng tình cảm và trách nhiệm, Hội đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho cho các em học sinh, sinh viên, bộ đội vào dịp khai giảng năm học mới, Ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), Quốc khánh (2/9), Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4). Các câu chuyện lịch sử được những người lính từng “vào sinh ra tử” kể lại chân thực, xúc động và tự hào về những ngày tháng gian lao tại nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc - nơi được ví như “Địa ngục trần gian”. Đó là tấm gương hy sinh anh dũng của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Tất cả những dòng lịch sử quý giá và hào hùng đó sẽ luôn nhắc nhở chúng ta trân trọng quá khứ oanh liệt để phấn đấu nhiều hơn cho nền hòa bình, cuộc sống ấm no của hiện tại và tương lai... Tiếp nối tinh thần tự hào đó là tình nghĩa thủy chung, sắt son với Đảng, cách mạng, với đồng chí, đồng đội, là sự đoàn kết, gắn kết san sẻ, chăm sóc, thương yêu lẫn nhau giữa các chiến sĩ cách mạng, các cựu tù trong thời chiến và được phát huy tiếp đến tận bây giờ trong cuộc sống đời thường. Các cô chú cựu tù luôn là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. 
 
NGUYỆT THU