Đặt chỗ để … ngủ

11:11, 10/11/2022
(LĐ online) - “Con đến, tự check in rồi nhoài người ra ngủ cô ạ - Lâu lắm mới được một giấc đã đời đến thế!” – Nhung trả lời khi tôi hỏi có gặp trở ngại gì lúc đến homestay. Cô gái chừng 26, nhỏ hơn tuổi con gái tôi nhưng phong thái trông rất tự tin và “bụi phủi” với chiếc khuyên trên mũi, tòn ten kim băng hai bên tai. Nhung đi một mình và những khi được trông thấy, cô thường bận rộn với chiếc macbook. 
 
Nhung làm thiết kế cho một công ty thời trang tại Hà Nội. Cô bảo yêu nghề mà mình chọn, nhưng lắm lúc cũng áp lực khi dead line dày đặc. Và đương nhiên là thiếu ngủ. Chuyến đi tới Huế là lần thứ 2, cô tạm gác công việc lại để book (đặt phòng) một phòng và ưu tiên cho giấc ngủ. “Con thoải mái, và tất cả đã ổn cô ạ!”  - Nhung nói khi hai cô cháu ngồi lại một lúc bên hàng hiên đầy gió.
 
Nhung không phải là trường hợp cá biệt. Ở homestay, thi thoảng tôi vẫn gặp những người trẻ. Họ đến, nghỉ ngơi và làm việc bên máy tính. Đó là một khung cảnh khá thú vị khi các bàn ở phòng khách, hiên nhà hay ban công các phòng đều có dáng người cặm cụi bên laptop. Có người giảng bài, nhưng có người đang trao đổi điều gì đó, người lại đang tham gia một buổi họp và hào sảng trình bày ý tưởng của mình. Riêng Hà, đến từ một tỉnh ở Tây Nguyên thì đã trở thành khách quen của chúng tôi sau ngày cô ra Huế, yêu cầu đặt cục wifi trong phòng vào buổi sáng, kèm theo một chiếc bàn xếp để tham gia một cuộc thi online. Sau đấy thì không chỉ Hà mà các đồng nghiệp khác của cô cũng thường trở lại. Nhà tôi cũng đã quen với những vị khách dễ thương này và không hề cảm thấy lăn tăn gì với việc, họ book phòng đến hơn hai ngày mà không ra khỏi homestay. Trạng thái thường thấy là đóng phòng để ngủ, hoặc lách cách bên máy tính. Thấy dễ thương kèm theo một chút áy náy khi hai bạn đến từ TP Hồ Chí Minh nhỏ nhẹ nhắn tin phàn nàn về việc hàng xóm hát karaoke suốt ngày, mà họ thì cần yên tĩnh để làm cho xong phần việc được giao.
 
Tôi nhận ra có một xu thế mới trong cách mà người trẻ (thường là vậy) di chuyển từ nơi này sang nơi kia. Họ không chỉ đơn thuần là đi du lịch mà còn là cách chọn một điểm đến để ngủ và làm việc. Như một cách giảm bớt áp lực và strees ở những thành phố đông đúc. Hoặc đơn giản là làm mới trạng thái làm việc của mình ở một nơi chốn khác.
 
Nhưng những người mà tôi gặp, họ mới chỉ là một phần, hay một nửa của một xu hướng mới trong đi du lịch. Họ vẫn mang theo việc để làm. Thông tin thu nhận được cho thấy, nhiều khách sạn trên thế giới, như Park Hyatt New York, như Zedwell (Anh), Hästens Sleep Spa (tại Bồ Đào Nha) đã tập trung vào phân khúc phục vụ những người bị thiếu ngủ bằng hệ thống buồng phòng “dỗ dành” giấc ngủ. Rosewood Hotels & Resorts – một tập đoàn nghỉ dưỡng còn có hẳn một chương trình có tên là Alchemy of Sleep tại nhiều cơ sở của chuỗi này trên toàn cầu để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của du khách; bên cạnh đó là những cái tên khác như Sleep Concierge hay Brown's Hotel ở London, hay Six Senses với việc cung cấp dịch vụ nhu cầu ngủ và thư giãn trong chuỗi thương hiệu của mình, ngoài việc là một địa chỉ lưu trú đẳng cấp lâu nay.
 
Có nhiều thứ trong thế giới này đã và đang được thay đổi, kể từ sau đại dịch COVID-19. Làm thế nào để có thể làm việc một cách hiệu quả hơn, làm thế nào ra khỏi tình trạng mất ngủ là điều được không ít người loay hoay tìm cách, tùy vào hoàn cảnh và túi tiền của mình. Tôi tin trong rất, rất nhiều những bước chân di chuyển từ không gian này sang không gian khác, có không ít người đang tìm kiếm một nơi chốn để “F5” chính bản thân mình, công việc của mình để ngủ hay làm việc trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là một thay đổi của xã hội mà ngành du lịch cần nắm bắt và phục vụ.
 
YÊN MINH