Giữ hồn cốt cho làng quê Việt Nam (Kỳ II)

06:11, 10/11/2022
[links()]
Kỳ II: Văn hóa làng đang dần phai nhạt
 
Chúng ta đều hiểu rằng, làng cổ truyền là không gian sống, không gian kinh tế, không gian xã hội và không gian văn hóa của cư dân người Việt ngàn đời. Làng là nơi người dân cư trú, sản xuất, tổ chức các loại hình sinh hoạt. Và như thế, làng là một cộng đồng văn hóa, một cộng đồng sáng tạo, thụ hưởng và chung sức bảo tồn những giá trị vật chất và tinh thần trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Thời hiện đại với những biến động, văn hóa làng đứng trước nguy cơ mai một, phai nhạt. Trong từng ngôi làng, từng mái nhà đang mất dần cốt cách truyền thống mà tiền nhân từng dày công sáng tạo, vun đắp. 
 
Sinh hoạt đời thường của người Mạ bên nhà dài truyền thống
Sinh hoạt đời thường của người Mạ bên nhà dài truyền thống
 
Về văn hóa làng xã cổ truyền Việt Nam, các học giả đã khảo cứu khá toàn diện, sâu sắc từ đầu thế kỷ trước. Tiêu biểu như công trình “Việt Nam văn hóa sử cương” của Đào Duy Anh (năm 1938) hay “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” Pierre Gourou (năm 1936), rồi tác phẩm “Làng xóm Việt Nam” của nhà khảo cứu phong tục Toan Ánh (năm 1968). Từ trước đến nay, văn hóa làng xã luôn là một lĩnh vực đề tài được đặc biệt quan tâm. Xuất phát từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau nhưng các nhà nghiên cứu đều chung một luận đề khái quát, văn hóa làng là kiểu hình văn hóa đặc trưng, văn hóa “gốc” của nền văn hóa cổ truyền Việt Nam; trong đó có hệ thống thiết chế, những mối liên kết xã hội, những tập quán, tín ngưỡng, lối sống, sinh hoạt sản xuất, đời sống và thực hành văn hóa đặc biệt độc đáo. Những bản sắc ấy đã làm nên hồn cốt, nơi khởi nguồn nền văn hóa Việt Nam. Văn hóa làng là không gian để giữ những nét riêng, đa sắc, tạo nên tấm “căn cước” của người Việt khi tiếp xúc, hội nhập với thế giới bên ngoài. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng khái quát: “Trong quá khứ và thậm chí đến gần đây văn minh - văn hiến Việt Nam vẫn thuộc phạm trù văn minh lúa nước. Văn hóa Việt Nam là văn hóa xóm làng…”. 
 
* * *
 
Ở một đất nước mà đa phần cư dân có nơi xuất thân từ làng xóm nông thôn thì có lẽ chúng ta không cần phải liệt kê hay mô tả nhiều những nét đẹp dung dị mà sâu thẳm của văn hóa làng. Những giá trị mang tính bản sắc của mỗi xóm làng - buôn - bản, những nét đẹp truyền thống của mỗi vùng, miền từ duyên hải, đồng bằng đến trung du, miền núi đều đã được tiếp nhận, trao truyền và tồn lưu trong tâm thức của cư dân Việt Nam. Làng là hệ thống những giá trị vật thể và phi vật thể đã được định vị, lưu sâu trong lòng mỗi người con sinh ra và lớn lên từ làng. Làng là mùa sắc màu lễ hội, là canh hát thâu đêm, là tiếng sáo vi vu triền đê mát rượi, là giọt đàn bầu, đàn kìm thánh thót trong khuya. Làng là những lời giáo huấn gia phong trao truyền đạo lý trong những nếp nhà giao hòa cùng thiên nhiên phóng khoáng; là bát canh đưa qua, đĩa cà mang lại thắm thiết nghĩa tình họ hàng, chòm xóm. Trong không gian cảnh quan trữ tình, văn hóa làng xã được sinh thành, nuôi dưỡng, trao truyền. Với vai trò chủ thể sáng tạo và thụ hưởng, sau lũy tre làng, bên gốc đa, mái đình, bến nước, người dân quê Việt Nam bao đời đã kiến tạo nên một hệ thống giá trị văn hóa phi vật thể quý báu. Đó là cả một kho tàng phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, văn hóa - nghệ thuật dân gian… Những giá trị ấy chính là “dòng máu” của mỗi ngôi làng, là trầm tích thẳm sâu, là những lớp phù sa màu mỡ dày theo thời gian, đắp bồi hồn cốt cho làng và nuôi dưỡng cảm xúc đẹp đẽ cho mỗi người làng. 
 
Nhớ về làng, những người con sinh ra từ mỗi miền đất nước luôn khắc sâu trong lòng niềm tự hào về những giá trị mà bao thế hệ người dân của quê hương mình đã sáng tạo và dâng hiến cho nền văn hóa Việt Nam và thế giới. Đó là cả một hệ thống giá trị vật thể và phi vật thể vô giá, là những bảo vật “gốc” tạo nên hồn cốt, tập tính dân tộc. Chỉ nói riêng nghệ thuật dân gian, đã là cả một kho tàng vô cùng phong phú và hấp dẫn. Những làng cổ Kinh Bắc bên dòng sông Cầu góp cho nhân loại một Không gian văn hóa Quan họ đặc sắc. Trong cát bỏng gió Lào, người xứ Nghệ từ ngàn xưa đã cất lên câu Ví, câu Giặm. Những làng quê giữa cánh đồng lúa Thái Bình mượt mà với làn điệu Chèo mát rượi sân đình. Những làng mạc bên dòng sông Hương da diết điệu Nam ai, Nam bình. Người Đất Tổ sáng tạo hát Xoan. Những làng cổ suốt miền Trung Bộ đã tạo nên lối hô Bài chòi độc đáo. Đờn ca tài tử và điệu Lý, câu Hò lại vang vọng từ chín nhánh Cửu Long. Còn vùng đất Tây Nguyên, nơi có 47 dân tộc anh em cùng cư trú là một vùng văn hóa cổ truyền đa sắc, trong đó di sản nghệ thuật dân gian vô cùng phong phú và độc đáo…
 
Người dân quê không chú tâm làm nghệ thuật, mà từ trong lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, họ đã mượn tiếng đàn, giọng hát để nói lời đạo nghĩa, để tôn vinh cái đẹp, phê phán thói hư, tật xấu ở đời. Cũng từ mỗi ngôi làng, nơi chốn sinh thành và tạo nên các tầng lớp “sĩ – nông – công - thương”, biết bao di sản tục ngữ, ca dao, ngạn ngữ, phương ngôn, cổ tích, truyền thuyết, thần thoại ra đời và vẫn sống mãi trong sự lựa chọn phép xử thế và phương cách làm người hôm nay. Mỗi ngôi làng cũng đã thiết lập nên những bộ hương ước làm “luật làng” mà vùng đồng bào dân tộc thiểu gọi là luật tục, để quản lý và điều chỉnh cộng đồng suốt những thời kỳ dài trong lịch sử. Đó chính là những định chế cụ thể từ thực tiễn, “cánh tay nối dài” của bộ luật “cái” quốc gia. Chung quy lại, từ thời xa xưa, Việt Nam mình là một dân tộc tôn trọng đạo lý; các định chế và chuẩn mực đạo đức xã hội từ mỗi cộng đồng làng dù khác nhau những sắc thái cụ thể nhưng cùng chung một mạch tư tưởng. Đó là truyền thống kính trọng và tôn thờ những bậc anh hùng có công với dân, với nước; trọng nghĩa tình, đoàn kết, tương trợ; trọng người già, kẻ sĩ, những người hiếu học; không chấp nhận những thói hư, tật xấu và không đồng tình với những đối tượng làm điều đồi bại gây hại cho cộng đồng…
 
Có thể khẳng định, văn hóa làng là cội nguồn của nền văn hóa dân tộc. Trong quá khứ, chữ “làng” và chữ “nước” không thể tách rời. Ở nước ta, đô thị hình thành rất muộn và rất nhiều thành phố ra đời từ cội nguồn thôn dã. Chính vì vậy, nếu nói rằng có văn hóa thành thị ở Việt Nam thì văn hóa ấy cũng bắt nguồn từ văn hóa làng; là sự phát huy, dung nạp và cộng sinh giữa văn hóa làng với quá trình kiến tạo, hình thành đô thị; nên chúng ta có thể khẳng định, căn cốt văn hóa Việt Nam thực chất vẫn là văn hóa làng. Chính bản thân chúng ta hay những người tiếp xúc hàng ngày trước những ngôi nhà có số, phố có tên, thì hầu hết là “người nhà quê” với những nét tính cách, lối ứng xử mang dấu ấn vùng, miền rõ rệt. Cho đến bây giờ, có những phố, những phường hẳn hoi mà người dân nơi đó vẫn cứ quen gọi là “làng” hay “xóm”. Có những người tha hương hàng chục năm đến biển Á, trời Âu nhưng niềm tự hào mãi mãi vẫn là “cây đa, mái đình, bến nước làng tôi”. Một nhà thơ từng viết: “Ngày xưa tôi sống trong làng/ Bây giờ làng sống trong tôi”, là từ cảm thức đó. Nói một cách khái quát, văn hóa làng được người dân quê Việt Nam xây dựng, sàng lọc từ hàng ngàn đời nay đã trở thành di sản. Hệ thống những giá trị quý báu ấy đã nhập hòa vào máu thịt của cư dân sinh ra trong lòng làng quê, góp phần quan trọng trong việc đắp bồi hồn cốt, tạo giá trị khác biệt và tỏa sáng tính đa dạng của không gian nông thôn Việt Nam. Qua nhiều thế hệ, văn hóa làng hình thành, được lưu giữ bởi những nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân; nó tồn tại tương đối ổn định và bằng cảm xúc tự nguyện trong tình yêu của mỗi người với nơi chốn sinh thành…
 
* * *
 
Ngày nay, các nền tảng kinh tế - xã hội thay đổi sâu sắc đã làm cho hệ thống các giá trị văn hóa làng đứng trước nguy cơ phai nhạt. Thế nhưng, đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa làng lung lay. Những kết cấu của nông thôn cổ truyền Việt Nam đã từng trải qua biến động từ hồi đầu thế kỷ trước bởi trào lưu Âu hóa khi có mặt người Pháp. Nhà văn Hoài Thanh trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” đã đưa ra một phép suy luận tinh tế khi ông nói, kể từ khi xuất hiện cái đinh sắt của người phương Tây thay cho cái chốt tre, chốt gỗ thì mọi sự nhận thức, mọi cảm quan triết học, mọi sắc thái đời sống xã hội nông thôn Việt Nam cũng đang dần biến đổi. Trong truyện ngắn “Xóm giếng” của nhà văn Tô Hoài, có một chi tiết cực kỳ tinh tế: Từ khi có tiếng giày xăng - đá vang lên trên đường làng là bao nhiêu mối tình quê e lệ, sáng trong thi nhau tan vỡ. Còn thi sĩ Nguyễn Bính có cô em hàng xóm lên chợ tỉnh một ngày mà “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, cô mất dần cái tinh khôi quê mùa. Ngẫm lại một chút xưa cũ để mà cảm nhận sự biến đổi thời nay trong văn hóa làng Việt, khi thời đương đại với những tác động xã hội sâu sắc hơn nhiều. Những thập niên gần đây, đất nước phát triển mạnh mẽ với những thay đổi to lớn về kinh tế - xã hội. Trong hoàn cảnh đó, khu vực nông thôn cũng đã chủ động và cả thụ động tiếp nhận những tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự du nhập văn hóa ngoại lai. Đời sống khởi sắc là điều cần khẳng định, nhưng kết cấu văn hóa làng xã đã bị xô lệch; nhiều giá trị quý giá bị phai nhạt, méo mó. Sự đa dạng và sinh động của nông thôn Việt Nam cổ truyền mà các nhà nghiên cứu nước ngoài từng thốt lên “sự bí mật của các làng Việt” đang đứng trước những nguy cơ mai một… 
 
Trong mỗi chúng ta đều đang chung cảm xúc tiếc nuối vì hệ thống giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong làng quê Việt đang nhạt phai dần theo thời gian, phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quá trình bảo tồn, phát huy, phát triển. Làng quê chúng ta qua mỗi ngày như thêm mất dần phong vị. Về vật chất, làng bây giờ chẳng còn thiếu thứ gì mà thành thị có. Có thiếu chăng là bởi làng dần mất đi cái sắc thái tâm tình quê kiểng, cái chất phác, hồn nhiên như lúa, như khoai. Có thiếu chăng là câu dân ca cất lên hụt hơi bởi cánh cò không còn chỗ đậu, bởi giếng nước, bờ tre, cây đa cũ, mái đình xưa dần bỏ làng làm phố. Bao tệ nạn lại theo phố về làng, làm cho làng mỗi ngày như mỗi buồn thêm. Những giá trị cố kết cộng đồng buộc chặt bao đời đang dần lơi lỏng, tuột dần bởi lối sống thực dụng đã len lỏi chi phối vào mỗi ngôi làng và mỗi mái nhà. Đạo lý vuông tròn, tình làng, nghĩa xóm nhiều phần phai lạt. Trong cơn lốc đô thị hóa, đất đai tăng giá bất thường đã làm cho máu mủ tình thân cũng bị lòng tham vật chất làm cho băng hoại, rệu rã. Về làng quê bây giờ, ít còn được nghe những câu nói truyền đời như: “Chị ngã em nâng”, “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng”. Những thói đố kị kiểu “Con gà tức nhau tiếng gáy” hay sự lãnh cảm, thờ ơ với nỗi đau người khác “Sống chết mặc bay” đang trở nên phổ biến ở nơi chốn vốn là điểm khởi phát và nuôi dưỡng đạo lý cao đẹp ngàn đời tình làng nước, nghĩa đồng bào Việt Nam… 
 
(CÒN NỮA)
 
UÔNG THÁI BIỂU