Đơn Dương đẩy mạnh chuyển đổi số

04:12, 21/12/2022
Dù còn gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện chuyển đổi số (CĐS), nhưng với nhiều nỗ lực của cả hệ thống chính trị, huyện Đơn Dương đã bước đầu đạt được những thành quả tích cực.
 
Người dân lấy số thứ tự trực tiếp tại kiosk lấy số thứ tự tự động tại Văn phòng Một cửa UBND huyện Đơn Dương
Người dân lấy số thứ tự trực tiếp tại kiosk lấy số thứ tự tự động tại Văn phòng Một cửa UBND huyện Đơn Dương
 
  CĐS GẮN VỚI CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH
 
Năm 2022, UBND huyện Đơn Dương tập trung CĐS gắn với công tác cải cách hành chính. Để thực hiện nhiệm vụ này, huyện đã ban hành kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm; thành lập Ban Chỉ đạo CĐS các cấp. Bên cạnh đó, thành lập Tổ CĐS cộng đồng ở các thôn, tổ dân phố; ban hành kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho người dân trong độ tuổi lao động.
 
Huyện cũng triển khai cấp căn cước công dân gắn với cấp tài khoản định danh điện tử; hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư gắn kết hệ thống thông tin trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 
 
Trong năm qua, 100% văn bản chính thức được xử lý, cập nhật, ký số, số hoá trên phần mềm quản lý văn bản điện tử. 100% cán bộ công chức, lãnh đạo, bộ phận 1 cửa đã được cấp chữ ký số. Toàn bộ văn bản của UBND huyện, thủ tục hành chính được đăng tải trên Trang Thông tin điện tử của huyện. Các xã, thị trấn đều đã có điểm cầu hội nghị trực tuyến. Đặc biệt, từ ngày 26/10, ứng dụng kết nối người dân và chính quyền “Đơn Dương trực tuyến” được chính thức đưa vào sử dụng.
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Đơn Dương cũng đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Phối hợp Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện tích hợp thủ tục hành chính thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Tính đến ngày 15/12/2022, đã có 4.155 hồ sơ thanh toán trực tuyến thành công với số tiền 64,5 triệu đồng, đạt khoảng 25% tổng hồ sơ đã giải quyết. 
 
Ngoài ra, 100% thủ tục hành chính được xử lý trên hệ thống một cửa điện tử. Tỷ lệ kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa và đính kèm trên hệ thống một cửa điện tử đạt tỷ lệ 50,94%. Các xã, thị trấn đã thực hiện chứng thực bản sao điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
 
UBND huyện Đơn Dương cũng chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh. Đến nay, toàn bộ xã, thị trấn có cáp quang đến trung tâm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại đạt gần 100%.
 
Theo đánh giá của UBND huyện, người dân trên địa bàn đã chủ động và tham gia các loại hình dịch vụ chính quyền số, xã hội, kinh tế số, bước đầu đạt kết quả tích cực. Việc tham gia mua, bán trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng lớn; từng bước hình thành thói quen thanh toán không dùng tiền mặt tại cơ sở y tế, giáo dục; triển khai sử dụng hoá đơn điện tử;...
 
  THỰC HIỆN CĐS CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM
 
Để tiếp tục quá trình thực hiện CĐS có hiệu quả trong thời gian tới, trong tháng 9 và 10/2022, UBND huyện Đơn Dương đã ban hành 2 kế hoạch để thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính và CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 
 
Một trong những mục tiêu trọng tâm được xác định là CĐS phải được triển khai toàn diện, quyết liệt, liên tục với những bước đi vững chắc, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở kế thừa các kết quả đã đạt được. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ, đồng bộ giữa CĐS và cải cách hành chính nhằm chuyển đổi lề lối, phương thức, hiệu quả làm việc của các cấp chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của người dân; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin tổ chức cá nhân. 
 
Tại xã Lạc Lâm, hiện đã thành lập được 10 tổ công nghệ số cộng đồng tại 10 thôn trên địa bàn xã với 50 thành viên. Cuối tháng 11 vừa qua, UBND xã đã tổ chức tập huấn về CĐS đối với các tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai nhiệm vụ trọng tâm về CĐS đối với các tổ công nghệ số. Theo ông Trương Quang Kiên - Chủ tịch UBND xã Lạc Lâm, tổ công nghệ số cộng đồng là lực lượng gần dân, sát dân, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn. Do đó, thông qua tập huấn sẽ giúp cán bộ, công chức xã, các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng thôn nhận thức đúng và đầy đủ hơn về CĐS; từ đó triển khai có hiệu quả kế hoạch CĐS đến từng ngõ, từng nhà, từng người dân tại địa phương.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn huyện Đơn Dương vẫn còn gặp không ít khó khăn và thử thách. UBND huyện Đơn Dương xác định trong thời gian tới, CĐS và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong toàn bộ hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp và người dân. Do đó cần có chiến lược lâu dài, tập trung với các tư duy đổi mới, sáng tạo, nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để thực hiện. Có các ưu tiên và phân bổ nguồn hợp lý, tránh sự đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ gây lãng phí...
 
Phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, từng cá nhân trong thực hiện CĐS, trong thời gian tới, UBND huyện Đơn Dương tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư cho CĐS; thiết kế khung chương trình CĐS đảm bảo sự đồng bộ trong triển khai từ cấp Trung ương đến địa phương và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong phát triển các nền tảng, dịch vụ số. Tập trung phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng viễn thông, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, phát triển internet công cộng...
 
VIỆT QUỲNH