Tuổi trẻ Lâm Đồng tự hào kế tục sự nghiệp cách mạng

08:03, 25/03/2016

Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2016), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Chúc Quỳnh - TUV, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng về những định hướng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2016), phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với chị Trần Thị Chúc Quỳnh - TUV, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng về những định hướng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.
 
PV: Thưa chị, tuổi trẻ Lâm Đồng luôn đồng hành cùng tuổi trẻ cả nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tô thắm trang sử vẻ vang của Đoàn, xin chị cho biết rõ hơn về điều này?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Năm 1976, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng ra đời trên cơ sở nền tảng những hạt nhân thanh niên cốt cán trưởng thành từ phong trào học sinh, sinh viên đô thị Đà Lạt trong những năm chống Mỹ cứu nước. Trải qua 9 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội tuổi trẻ Lâm Đồng đều ghi vào trang sử riêng của mình những dấu ấn đẹp. Có thể kể, phong trào thanh niên “Ba xung kích làm chủ tập thể” hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới giai đoạn 1976-1985. Đã có 16.286 thanh niên xung phong tình nguyện khai hoang, làm thủy lợi, lao động sản xuất làm nên những nông trường trù phú như Hà Lâm, B’Lao S’rê, La Òn, Lâm trường Suối Vàng. Sức trẻ đã xây dựng nên các công trình thủy lợi như hồ Chiến Thắng, Định An, Quảng Hiệp, Đạ Me, Đạ Tiên Trang, khu kinh tế mới Núi Chai, Thiện Chí, Tu Tra... Quê hương không còn đạn bom, nhưng trong suốt thời gian dài truy quét Fulro, rất nhiều đoàn viên ,thanh niên đã ngã xuống vì cuộc sống bình yên của nhân dân. 
 
Ở những năm đầu đổi mới (giai đoạn 1986 - 1991), tuổi trẻ Lâm Đồng đã tập trung thực hiện 6 chương trình hành động: Học tập, rèn luyện xây dựng cuộc sống mới; tuổi trẻ lao động, sáng tạo và tiết kiệm; tuổi trẻ xung kích trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, mũi nhọn là sản xuất lương thực; chương trình phân phối lưu thông và quản lý thị trường; hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niên; xung kích giữ vững an ninh - quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc. Ở giai đoạn Đoàn tập trung đẩy mạnh phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước” (1992 - 1997) là các hoạt động thanh niên thiết thực giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, giai đoạn 15 năm qua nổi bật nhất là phong trào Thanh niên tình nguyện. Tuổi trẻ trong tỉnh đã xung kích, sáng tạo, “tiến quân” vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, cống hiến và trưởng thành, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
PV: Để phong trào Đoàn đi vào thực chất, tránh nặng về hình thức, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã đổi mới cách thức hoạt động như thế nào?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Đây là vấn đề mà Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn luôn quan tâm. Để phát huy tiềm năng và vai trò của thanh niên trong các lĩnh vực của công cuộc đổi mới, vì sự phát triển của thanh niên, Đoàn phải hội nhập vào đời sống xã hội một cách năng động, nắm bắt kịp thời những nhu cầu, lợi ích thiết thực của thanh niên, lấy lợi ích thanh niên làm mục tiêu trực tiếp để tổ chức các phong trào. Từ đó kiên quyết đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp công tác của Đoàn theo hướng đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc thù riêng của từng đối tượng thanh niên.
 
Chúng tôi luôn có định hướng chỉ đạo như hàng tháng, hàng quý mỗi cơ sở Đoàn một phần việc cụ thể, mỗi đoàn viên, thanh niên một việc làm có ích. Từ đó tùy vào điều kiện, vào đặc thù công việc, vào điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở mình, lắng nghe xem đoàn viên, thanh niên cần gì, thực lực của đơn vị mình đến đâu, để trong từng hoạt động phải xem xét hiệu quả của phong trào. 
 
Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục nhằm xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa của người Việt Nam; tổ chức Đoàn luôn quan tâm đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm, chăm lo bồi dưỡng, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia phát triển kinh tế, xã hội. Đoàn đẩy mạnh các hoạt đồng vì cộng đồng và an sinh xã hội, những hoạt động thiết thực của Đoàn đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
 
Cán bộ Tỉnh Đoàn thăm hỏi động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đỗ
Cán bộ Tỉnh Đoàn thăm hỏi động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đỗ

PV: Chị có thể sơ lược về một số thành quả mà tuổi trẻ Lâm Đồng đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Chỉ riêng 5 năm, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã chủ động đảm nhận, triển khai cho đoàn viên, thanh niên thực hiện 455 công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, sản phẩm sáng tạo; 324 công trình, đề tài, phần việc thanh niên trên các lĩnh vực được tuyên dương..., làm lợi 21,5 tỷ đồng. Đẩy mạnh phong trào “Sáng tạo trẻ”, thi thợ giỏi, triển khai nhiều đề tài khoa học ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học... vào sản xuất và đời sống; đã nâng cao năng suất lao động, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường. Thực hiện có hiệu quả phong trào “4 mới”; các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường các hoạt động trợ vốn... 
 
Qua mỗi năm, các hoạt động xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng càng có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, góp phần xây dựng môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tốt như: tham gia xây dựng văn minh đô thị, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Thực hiện các hoạt động “Vì an sinh xã hội”: tham gia xóa nhà tạm, xây nhà nhân ái, Chiến dịch Hè tình nguyện “ba cùng” với nhân dân và Kỳ nghỉ hồng, chương trình tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường, hiến máu tình nguyện, khám chữa bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo. Đồng thời tặng học bổng, nhận đỡ đầu, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức giao lưu, thăm, tặng quà cho thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, nuôi dạy tại các nhà mở, cơ sở từ thiện, lớp học tình thương. Tham gia có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến; động viên và tạo điều kiện giúp tái hòa nhập cộng đồng. Hàng năm, phối hợp với Trại giam Đại Bình tổ chức Chương trình giao lưu “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cho phạm nhân...
 
Với những thành quả đạt được, Lâm Đồng được TW Đoàn đánh giá là một trong những đơn vị vững mạnh của cả nước. Năm 2015, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
 
PV: Là “thủ lĩnh” thanh niên của một tỉnh có đến gần 260 ngàn thanh niên, nhân dịp mừng sinh nhật Đoàn 85 tuổi, chị nhắn nhủ gì với những bạn trẻ?
 
Chị Trần Thị Chúc Quỳnh: Tiếp bước các thế hệ tuổi trẻ đi trước, tôi mong muốn và kêu gọi tuổi trẻ Lâm Đồng hôm nay ra sức thi đua học tập, lao động, sáng tạo, rèn luyện phẩm chất đạo đức: “tâm trong, trí sáng”, “hoài bão lớn” để kế tục sự nghiệp cách mạng, gánh vác sứ mệnh mà lịch sử dân tộc đặt lên vai, giao phó cho thế hệ trẻ, bằng những việc làm, những hành động cụ thể, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm tươi đẹp để không uổng phí một thời tuổi trẻ.
 
PV: Xin cảm ơn chị!
 
QUỲNH UYỂN (Thực hiện)