Chàng trai gốc Hoa và danh hiệu Thủ khoa ngành Kỹ thuật hạt nhân

09:11, 02/11/2016

Với các tân sinh viên khóa 40 Trường ĐH Đà Lạt nói chung và ngành Kỹ thuật hạt nhân nói riêng, thủ khoa đầu vào của trường năm nay không chỉ đặc biệt bởi cái tên khá lạ: Woong Vĩnh Phú, mà còn bởi số điểm 28 ấn tượng và những suy nghĩ khác biệt so với các bạn cùng trang lứa.

Woong Vĩnh Phú - Sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt
Woong Vĩnh Phú - Sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân, Trường Đại học Đà Lạt
Với các tân sinh viên khóa 40 Trường ĐH Đà Lạt nói chung và ngành Kỹ thuật hạt nhân nói riêng, thủ khoa đầu vào của trường năm nay không chỉ đặc biệt bởi cái tên khá lạ: Woong Vĩnh Phú, mà còn bởi số điểm 28 ấn tượng và những suy nghĩ khác biệt so với các bạn cùng trang lứa.
 
Vừa trở thành tân sinh viên và bắt đầu tiếp xúc với ngành Kỹ thuật hạt nhân, nhưng Vĩnh Phú đã khẳng định chắc nịch: “Em đang đi trên con đường mà em muốn đi. Niềm đam mê từ lâu với ngành học này là động lực to lớn nhất giúp em luôn cố gắng để bước đến trong 3 năm qua, và sẽ còn phải cố gắng nhiều trong 4 năm tiếp theo”.
 
Với chàng trai sinh năm 1998 này, điều quan trọng nhất trước khi bắt đầu làm điều gì là phải đặt trước mục tiêu cho mình, và nỗ lực hết sức để hoàn thành mục tiêu đó. Đậu Đại học là một trong những mục tiêu của Phú, nhưng trở thành Thủ khoa thì lại là một điều bất ngờ, vượt quá mong đợi mà em đặt ra cho bản thân.
 
3 năm học tại Trường THPT Đống Đa, Đà Lạt, Vĩnh Phú là một học sinh khá đặc biệt mà thầy cô giáo vừa quý vì thông minh, lại vừa lo lắng vì cái cách học “tùy theo hứng” của cậu học trò cá tính này. 
 
Trước năm học lớp 12, với mục tiêu “chỉ cần hoàn thành chương trình học”, Quý chỉ tập trung học Toán, Lý, Hóa - những môn mà mình yêu thích. Và trong những môn đó, em cũng chỉ chọn học kỹ những phần mà “em thấy thực tế, có thể ứng dụng vào cuộc sống”. Chính từ việc thích phần nào học phần đó, thích câu nào làm câu đó nên những bài kiểm tra ở lớp của Phú thường xuyên bị trừ điểm vì trình bày cẩu thả và thường xuyên bị mất điểm ở những câu dễ. 
 
Đến khi lên lớp 12, khi đã đặt ra mục tiêu cho kỳ thi quan trọng THPT Quốc gia, Phú mới “bung hết sức” cho tất cả các môn, tập thói quen trình bày cẩn thận trong các bài thi. Vậy nên, “Việc vươn lên đứng đầu lớp và đạt danh hiệu học sinh Giỏi cuối năm 12 của em trở thành một điều bất ngờ cho cả lớp!” - Vĩnh Phú hóm hỉnh. Năm học cuối cấp, bên cạnh những đề luyện thi chung với cả lớp, Phú còn được thầy cô trên lớp đưa ra đề riêng với mức độ khó hơn, sưu tầm từ các trường chuyên của cả nước sau khi nhận thấy những đề chung không tạo khó khăn cũng như hứng thú cho cậu học trò nhỏ này. Ba mẹ đều bận rộn với công việc nấu ăn cho các nhà hàng nhỏ, Phú từ nhỏ đã ý thức được thái độ học tập tự giác và độc lập. Theo em, làm nhiều bài tập và rút kinh nghiệm sau mỗi lần sai chính là bí quyết để học tốt các môn tự nhiên.
 
Ngay từ nhỏ, Vĩnh Phú đã có niềm đam mê đặc biệt với môn Vật lý. Bởi theo em, đây là môn học có tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống. Đồng thời, để học tốt môn học này, người học cần phải học và vận dụng vững vàng cả kiến thức của những môn tự nhiên còn lại.
 
Bên cạnh đó, Phú còn có niềm yêu thích với ngoại ngữ. Là người gốc Hoa nhưng Vĩnh Phú lại không học tiếng Hoa, mà sử dụng tiếng Anh khá tốt, và còn đang tự học tiếng Pháp để giao tiếp. Giải Nhì kỳ thi chọn Học sinh giỏi môn Vật lý và giải Ba IOE cấp tỉnh năm lớp 12 của Vĩnh Phú chính là minh chứng cho suy nghĩ của em: Chỉ có đam mê và yêu thích mới giúp ta làm được điều mình muốn.
 
Cũng chính vì đam mê Vật lý, và yêu thích Đà Lạt, nên Phú chọn cách ở lại Đà Lạt để thực hiện ước mơ của mình. Bởi theo em, không quan trọng môi trường mình học như thế vào, mà quan trọng là ở cách mình học và vận dụng. Hiện tại, mặc dù chỉ vừa bắt đầu những ngày đầu của một sinh viên năm Nhất, nhưng Vĩnh Phú đã có sự nghiên cứu kỹ càng các chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật hạt nhân ở các nước hiện đại như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc,... và đặt ra mục tiêu tìm kiếm một suất học bổng du học nước ngoài tại một trong những nước đó. Bởi theo em, du học là con đường ngắn nhất để mở mang kiến thức và mang kiến thức đó quay về phục vụ đất nước mình. Tin rằng, với niềm đam mê và những mục tiêu cụ thể của mình, Vĩnh Phú sẽ lại tiếp tục một quá trình cố gắng và nỗ lực mới, để biến ước mơ của mình trở thành hiện thực.
 
VIỆT QUỲNH