Blouse trắng nơi tuyến đầu

09:01, 19/01/2017

Khoa Khám bệnh - Cấp cứu được xem là "tuyến đầu" tiếp nhận bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Áp lực công việc ở cường độ cao, thời gian "trực chiến" 24/24 giờ nhưng những y, bác sỹ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, đặc biệt là những thanh niên trẻ, luôn nhiệt tình để kịp thời cứu chữa bệnh nhân. 

Khoa Khám bệnh - Cấp cứu được xem là “tuyến đầu” tiếp nhận bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Áp lực công việc ở cường độ cao, thời gian “trực chiến” 24/24 giờ nhưng những y, bác sỹ khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, đặc biệt là những thanh niên trẻ, luôn nhiệt tình để kịp thời cứu chữa bệnh nhân. 
 
Bác sĩ Đặng Quyết Tiến đang thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: Đ.Tú
Bác sĩ Đặng Quyết Tiến đang thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: Đ.Tú

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sĩ điều trị Khoa Khám bệnh - Cấp cứu Lê Văn Nguyên (27 tuổi), Bí thư Chi đoàn lâm thời của khoa bị ngắt quãng liên tục vì liên tục có nhiều bệnh nhân cần cấp cứu. Bác sĩ Nguyên cho biết: “Khoa có đội ngũ y, bác sỹ trẻ khá đông với khoảng 35 đoàn viên. Trẻ tuổi lại làm việc tại một khoa luôn phải đương đầu với nhiều áp lực đòi hỏi các bạn phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh thật vững vàng. Ngoài công tác chuyên môn thì các bạn đoàn viên của Khoa Khám bệnh - Cấp cứu luôn tiên phong trong công tác hiến máu tình nguyên, thăm khám và phát thuốc miễn phí cho bà con vùng sâu, xa… Đặc biệt, tại các hội nghị cấp cao được tổ chức tại Lâm Đồng hoặc các giải thi đấu thể thao lớn, đội ngũ y, bác sỹ trẻ thường được phân công nhiệm vụ trực cấp cứu ngoại viện. Thành công của các hội nghị, của giải đấu có sự góp sức không nhỏ công sức của đội ngũ y, bác sỹ trẻ”. 
 
Bác sĩ Đặng Quyết Tiến (27 tuổi) đang công tác tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu được giới thiệu là một trong những người rất nhiệt tình trong việc hiến máu tình nguyện, đặc biệt là hiến máu “sống” để cấp cứu cho những bệnh nhân nguy kịch khi vào khoa. Sinh ra và lớn lên tại Lâm Đồng nên sau khi tốt nghiệp Khoa Y Dược (Đại học Tây Nguyên), Tiến đã trở lại quê nhà để làm việc. Tiến bảo: “Đối với em, bệnh nhân vào khoa thường phải đối mặt với tình trạng nguy kịch, do đó, em luôn quan tâm, chăm sóc như người thân của mình. Nhiều lần, em đã trực tiếp hiến máu để cấp cứu cho những bệnh nhân gặp nguy kịch”. Bác sĩ Tiến còn nhớ rất rõ hai lần hiến máu ngay tại khoa để kịp thời cấp cứu cho hai bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Lần thứ nhất, một thai phụ chuyển sinh có tiền căn suy tủy, thiếu máu, không sinh thường được nên phải chỉ định sinh mổ. Do bệnh viện thiếu hụt lượng máu dự trữ và nhóm máu của Tiến tương đồng với bệnh nhân nên vị bác sĩ trẻ này đã hiến 2 đơn vị máu của mình. Tiếp sau đó, một cụ ông nhập viện vì suy thận mãn tính, thiếu máu, Tiến đã nhanh chóng hiến 1 đơn vị máu giúp cụ ông thoát khỏi cơn nguy kịch. Dù người nhà bệnh nhân muốn “tạ ơn” người đã hiến máu nhưng trước đó Tiến đã đề nghị mọi người giữ bí mật chuyện này cho mình.
 
Không chỉ chịu áp lực về thời gian, các y, bác sỹ tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu còn phải có một “thần kinh thép” để bình tĩnh xử lý những ca bệnh phức tạp, vừa phải “cân não” để ứng xử với những bệnh nhân say xỉn, ngang bướng và những bức xúc của người nhà bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Tuấn, một người trẻ tuổi mới nhận công tác tại khoa gần một năm, kể lại: “Hôm đó, em trực tiếp thăm khám cho một bệnh nhân bị ngã xe do say rượu, bị thương ở chân. Sau khi chụp X - quang, em xác định bệnh nhân bị rạn xương ở mắt cá chân. Dù không có chuyên môn nhưng bệnh nhân một mực đòi xem phim vừa chụp. Bệnh nhân này dùng những từ ngữ rất thô tục, thiếu tôn trọng dù em đã nhiều lần giải thích. Bất ngờ, ông lấy ghế ném thẳng vào em, may mà tránh kịp”. Đó chỉ là một trong số rất ít những trường hợp tương tự mà các y, bác sỹ tại Khoa Khám bệnh - Cấp cứu phải đối mặt hàng ngày. Nhẹ thì bị bệnh nhân mắng chửi bằng những lời lẽ thô tục, nặng thì bệnh nhân hoặc người nhà “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” hành hung cả người điều trị cho mình. Bác sĩ Nguyễn Đình Diện, Phó Trưởng Khoa, Bí thư Chi bộ Khoa Khám bệnh - Cấp cứu, chia sẻ: “Những đoàn viên trong khoa đã phát huy hết tinh thần và sức mạnh của tuổi trẻ. Nhiều trường hợp sau khi hiến máu như bác sĩ Tiến hay bác sĩ Lê Văn Hiệp (31 tuổi) phải quay lại ngay với công việc, không đủ thời gian để nghỉ ngơi vì bệnh nhân liên tục nhập viện mà vị trí công việc của mình không có hoặc không thể phân công người khác thay thế. Đó là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện rõ nét y đức của những y, bác sỹ tại đây”.
 
ÐỨC TÚ