Học trò ''chia lửa'' cùng cộng đồng

01:02, 17/02/2021

Với sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, những cô cậu học trò đã có nhiều sáng tạo hữu ích phục vụ cho cộng đồng. Từ những sáng kiến đó, các bạn trẻ đã thể hiện trách nhiệm với cuộc sống chung quanh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Với sự tự tin, dám nghĩ, dám làm, những cô cậu học trò đã có nhiều sáng tạo hữu ích phục vụ cho cộng đồng. Từ những sáng kiến đó, các bạn trẻ đã thể hiện trách nhiệm với cuộc sống chung quanh khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
 
Nhóm học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa cùng thầy giáo hướng dẫn thực hiện mô hình rừng có lắp đặt hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng
Nhóm học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa cùng thầy giáo hướng dẫn thực hiện mô hình rừng có lắp đặt hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng
 
Những sản phẩm thiết thực với cuộc sống
 
Nằm ở vùng ven thành phố Đà Lạt, thời gian gần đây, Trường THCS&THPT Đống Đa được nhắc đến bởi chế tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ thiết thực cho cuộc sống từ sự sáng tạo của học sinh.
 
Nhóm học sinh lớp 12 Thái Nguyễn Quốc Hoàng, Lê Kim Long và Trần Quang Minh vẫn còn nguyên sự vui sướng như khi vừa nghe công bố Dự án “An toàn cho tài xế khi lái xe” của mình đoạt giải Nhất Cuộc thi Coolest Project Malaysia 2020. Sau hơn 1 tháng trở thành quán quân cuộc thi, mặc dù đang bận ôn thi học kì I nhưng 3 cậu học trò cuối cấp vẫn dành thời gian để sửa sang, hoàn thiện hơn “đứa con cưng” của mình cho sản phẩm phù hợp với thực tiễn; đồng thời, chuẩn bị tham dự Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2020 - 2021. 
 
Trong căn phòng với đầy đủ máy móc, dụng cụ được nhà trường trang bị, thầy trò trong Câu lạc bộ Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa hào hứng giới thiệu từng loại thiết bị được lắp ráp thành công. Chỉ chiếc hộp nhỏ gọn có thể lắp ráp dễ dàng vào ô tô, Quốc Hoàng say sưa thuyết minh: “Với tính năng nổi bật là cảnh báo cơn buồn ngủ từ hình ảnh camera và cảnh báo nồng độ cồn trong không khí, trong trường hợp có dấu hiệu buồn ngủ, “trợ lý ảo” sẽ đưa ra cảnh báo; và nếu có nồng độ cồn, “cảnh báo nồng độ cồn” sẽ tắt khóa trung tâm của xe. Bên cạnh đó, khi tài xế lái xe liên tục trên 3 giờ 45 phút, hệ thống sẽ yêu cầu tài xế nghỉ ngơi 10 phút để đảm bảo an toàn. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý hình ảnh cho thiết bị cảnh báo ngủ gật là một giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligent) ở Việt Nam hiện nay. Hệ thống hoàn chỉnh đã được kết nối với xe để chạy thử nghiệm trong khi người lái đang vận hành phương tiện trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Qua thử nghiệm, có đến 82% tài xế hài lòng với hệ thống và đề nghị đưa hệ thống vào ứng dụng thực tế. Thời gian tới, chúng em sẽ phát triển sản phẩm cài thêm định vị để báo cho cảnh sát biết vị trí xe theo dạng tin nhắn”. 
 
Nhóm học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa cùng thầy giáo hướng dẫn thực hiện lắp ráp thiết bị cảnh báo ngủ gật và đo nồng độ cồn
Nhóm học sinh Trường THCS&THPT Đống Đa cùng thầy giáo hướng dẫn thực hiện lắp ráp thiết bị cảnh báo ngủ gật và đo nồng độ cồn
 
Kế bên thiết bị cảnh báo ngủ gật và đo nồng độ cồn là hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của 2 học sinh lớp 9 - Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm. Sản phẩm vừa đoạt giải Nhất chung kết năm 2020 do Quỹ Dariu tổ chức trong nhóm sản phẩm của các tỉnh, thành trên cả nước. “Thiết bị hoạt động trên nguyên lý nhận dạng ảnh, âm thanh (máy cưa, tiếng cháy nổ rừng...), đo nhiệt độ và độ ẩm, đo chất lượng không khí (có khói cháy rừng nếu camera bị khuất). Khi phát hiện ra nguy hại, thiết bị sẽ tự động cảnh báo về cho trụ sở kiểm lâm, đồng thời gởi đi cả hình ảnh khu vực hiện tại. Khi dữ liệu đã đến trụ sở, dữ liệu cảnh báo sẽ được xử lí và báo hiệu cho kiểm lâm ở trụ sở hiện tại về tình trạng; còn nếu không đang ở trụ sở thì hệ thống có thể cảnh báo và gửi ảnh qua ứng dụng Facebook của kiểm lâm liên tục, cho đến khi kiểm lâm đọc được và yêu cầu tắt hệ thống”, Quang Trực chia sẻ. 
 
Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng đã được thử nghiệm tại Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà và được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn quản lý, bảo vệ rừng hiện nay.
 
Cùng với 2 sản phẩm trên, hiện thầy trò Trường THCS&THPT Đống Đa đã chế tạo, lắp ráp thành công 8 thiết bị bằng ngôn ngữ lập trình. Trong đó, 4 sản phẩm gồm: Giường thông minh, Máy phân loại rác, Thiết bị cảnh báo chất lượng không khí và Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng đã được Quỹ Dariu đề nghị đem ra sử dụng trong thực tế.
 
Là người trực tiếp hướng dẫn học sinh thực hiện các dự án, lắp ráp các thiết bị, thầy Trần Quang Vĩnh Chánh - Giáo viên Tin học Trường THCS&THPT Đống Đa cho hay: “Những ý tưởng của các em học sinh nhà trường đều xuất phát từ tình hình thực tiễn. Khi tham gia Câu lạc bộ Tin học và làm quen với ngôn ngữ lập trình, các em có sự đam mê, tìm tòi để tạo ra những sản phẩm ứng dụng trong thực tế. Đây cũng là sân chơi bổ ích, giúp học sinh trải nghiệm, sáng tạo và thể hiện trách nhiệm với cộng đồng”. 
 
“Nhà trường đặt mục tiêu trang bị Tin học và Ngoại ngữ cho học sinh theo tiêu chuẩn quốc tế. Trường tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo của thầy và trò. Đây cũng là một trong những phương pháp dạy học tích cực theo chương trình Giáo dục phổ thông mới mà trường áp dụng. Qua đó, giúp phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh không chỉ trong học tập mà còn trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo và hướng nghiệp”, cô Hà Nguyễn Bảo Khuyên - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Đống Đa cho biết.
 
5 cô học trò lớp 12 Lý Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt với sản phẩm Chà bông Nấm Atisô
5 cô học trò lớp 12 Lý Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt với sản phẩm Chà bông Nấm Atisô
 
Sản phẩm kết tinh từ đất lành
 
Cầm trên tay hộp Chà bông Nấm Atisô tự tay làm ra, 5 cô học trò lớp 12 Lý, Trường THPT Chuyên Thăng Long - Đà Lạt giới thiệu sản phẩm với niềm tự hào về đặc trưng vùng đất mình sinh sống. Dự án “Nấm Atisô - sản phẩm kết tinh từ đất lành” của học sinh Trường Chuyên Thăng Long vừa đại diện cho học sinh tỉnh Lâm Đồng tham gia vòng quốc gia Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2020. 
 
Cô gái bé nhỏ Lê Nguyễn Cát Tường với vai trò đội trưởng khi tham gia cuộc thi cho hay: “Tại vùng đất lành cao nguyên Đà Lạt, vùng đất đã kết tinh kỳ diệu nên loài nấm Coprinopsis Cinerea trên giá thể tim Atisô - loài nấm chưa từng xuất hiện trên thị trường Việt Nam và không trồng trên phế phẩm nông nghiệp như rơm, rạ, nhóm chúng em muốn tạo ra sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất Đà Lạt. Do đó, nhóm đã xây dựng Dự án “Nấm Atisô - sản phẩm kết tinh từ đất lành” với các sản phẩm Nấm Atisô tươi và Chà bông Nấm Atisô. Đặc tính của loài nấm này chỉ sinh trưởng trong môi trường sạch, không hóa chất, giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Điều đặc biệt là nấm Atisô có nhiều đặc điểm cũng như giá trị dinh dưỡng khác với các loài nấm đã có ở các vùng qua hàm lượng “TET” và “Copsin”, giúp ức chế tế bào ung thư, nâng cao hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe”. 
 
Phạm Nguyễn Gia Uyên tiếp lời: “Sau các nỗ lực thuần hóa thành công loài nấm hoàn toàn mới Coprinopsis Cinerea mọc trên giá thể tim hoa Atisô, chúng em đã nhân giống thành công trong phòng thí nghiệm với mong muốn nhân rộng loài nấm này để cung cấp sản phẩm sạch, an toàn và đặc trưng của vùng đất lành Đà Lạt đến đông đảo người tiêu dùng. Trong tương lai, chúng em muốn xây dựng Nhà Nấm Copiso - tên ghép lại từ nấm Coprinopsis Cinerea và Atisô để cung cấp cho thị trường nấm Việt Nam loại nấm Atisô mới, 100% organic, tươi ngon, chất lượng”. 
 
Hiện tại, 5 cô gái lớp 12 Lý này đang tập trung cho chương trình cuối cấp và đều đăng ký thi vào ngành kinh tế. Cả 5 nhà kinh doanh tương lai đang ấp ủ giấc mơ về thương hiệu Nấm Atisô - sản phẩm kết tinh từ đất lành sẽ phổ biến trên thị trường một ngày gần nhất. 
 
“Nhà trường luôn chú trọng đến hoạt động trải nghiệm sáng tạo gắn với sản xuất, kinh doanh ở địa phương cho học sinh nên các em có những ý tưởng và tạo ra sản phẩm gắn liền với thực tế nơi mình sinh sống. Trường cũng tiếp tục tạo nguồn cảm hứng và động lực để học sinh tham gia các cuộc thi với những đề tài thiết thực cho cuộc sống”, cô Trần Thị Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long khẳng định.
 
TUẤN HƯƠNG