Nỗ lực giáo dục, truyền thông dân số cho thanh, thiếu niên

05:04, 20/04/2022
Xác định công tác nâng cao chất lượng dân số trong tình hình mới có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, cùng với sự phối hợp của các cấp, ban, ngành, đoàn thể, Đoàn Thanh niên cũng tham gia tích cực trong công tác giáo dục, truyền thông dân số cho thanh, thiếu niên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) trên địa bàn tỉnh. 
 
Các tổ chức Đoàn - Hội cơ sở phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông về sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trong các buổi hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể
Các tổ chức Đoàn - Hội cơ sở phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông về sức khỏe sinh sản, giới tính cho học sinh tại các trường THCS, THPT trong các buổi hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể
 
Theo Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, trong thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn - Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh luôn chú trọng và thường xuyên chỉ đạo các cấp bộ Đoàn - Hội triển khai giáo dục, truyền thông dân số cho trẻ vị thành niên, thanh niên trong tỉnh. Nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, hàng năm, Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội và hệ thống website do Đoàn - Hội các cấp quản lý, truyền thông thông qua các phương tiện trực quan... Cùng với đó, tổ chức hội thi sân khấu hóa liên quan đến các nội dung đẩy lùi nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản... nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên về công tác dân số - KHHGĐ.
 
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn - Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức Đoàn - Hội cơ sở phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông cho học sinh, sinh viên tại các trường học trong các buổi hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể. Đồng thời, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp học sinh, sinh viên vận dụng để có cuộc sống lành mạnh về thể chất và tinh thần, cũng như tự bảo vệ mình và mạnh dạn hơn trong chia sẻ, trao đổi về tâm, sinh lý ở tuổi vị thành niên, tự tin bước vào cuộc sống. 
 
Tại các địa phương, tổ chức Đoàn - Hội các cấp phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các chương trình, hoạt động giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên, người dân về tầm quan trọng của công tác dân số - KHHGĐ. Thông qua các hoạt động đã trang bị cho đoàn viên, hội viên, thanh, thiếu niên và người dân những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản, giới tính, thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm mức sinh, mỗi gia đình chỉ nên có từ 1 đến 2 con... Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai. 
 
Đặc biệt, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã ban hành “Đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục trong hội viên, thanh niên, đội ngũ cán bộ Đoàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2025”. Đề án hướng đến các nội dung trang bị kỹ năng và bồi dưỡng kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao sự hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản; bình đẳng giới; giới thiệu Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020; các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Dân số - KHHGĐ trong giai đoạn hiện nay; các kiến thức về sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên; tư vấn phòng tránh thai, hậu quả của việc nạo phá thai do có thai ngoài ý muốn; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; hôn nhân cận huyết; tâm lý tình yêu, giới tính... Hiện, Đề án đang được triển khai tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn và tuyên truyền trên các trang mạng xã hội cũng như các phương tiện trực quan. 
 
Từ các chương trình, hoạt động thiết thực được triển khai trong việc giáo dục, truyền thông dân số cho thanh, thiếu niên đã góp phần nâng cao nhận thức về công tác dân số - KHHGĐ của người dân, nhất là những người trẻ. Qua đó, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm dần, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân cơ bản được đáp ứng. Đặc biệt, từng bước giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Qua điều tra dân số, Lâm Đồng có tỷ số giới tính khi sinh năm 2015 là 112,8 nam/100 nữ, đến năm 2020 tỷ số này giảm xuống còn 111,0 nam/100 nữ (năm 2020 tỷ số giới tính khi sinh toàn quốc 112,1 nam/100 nữ).  
 
VIỆT HÙNG