DOWN UNDER giữa lòng Đà Lạt

05:01, 30/01/2022
Yêu Đà Lạt, lập gia đình với một cô gái Đà Lạt trên đất Úc rồi cả nhà chuyển về Đà Lạt lập nghiệp với một cái quán mang tên nước Úc - Down Under, ngay giữa lòng thành phố hoa.
 
Peter Thomas Bernhart trong nhà hàng của mình tại Đà Lạt
Peter Thomas Bernhart trong nhà hàng của mình tại Đà Lạt
 
MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH VỀ ĐÀ LẠT 
 
Với Peter Thomas Bernhart, Đà Lạt là một câu chuyện tình mà anh gắn bó trong suốt nhiều năm nay. 
Bắt đầu từ năm 2004, khi chàng trai sinh năm 1970 người Úc, sống ở thành phố Melbourne, đi du lịch đến thành phố Đà Lạt. 
 
Đó là một chuyến đi xuyên Việt cùng nhóm bạn Úc, trong đó có bạn là người Việt sống tại Úc. Lần đầu đến Việt Nam, anh cùng bạn đi nhiều nơi trong nước, đến Nha Trang và lên Đà Lạt. Peter nhớ chuyến xe khách đưa anh từ thành phố biển Nha Trang lên Đà Lạt theo ngả đèo Ngoạn Mục, đường đi lúc đó có nhiều ổ gà, xe rất xóc. “Không phải con đường đèo từ Nha Trang lên Đà Lạt qua những đỉnh núi rất đẹp như hiện nay thường đi đâu” - anh cười.
 
Khi Đà Lạt hiện ra, anh và nhiều bạn trong nhóm rất ngạc nhiên. Họ không biết có một thành phố như vậy hiện diện tại Việt Nam. Một thành phố hoàn toàn khác biệt với các thành phố khác trong nước, với khí hậu ôn hòa, với cảnh quan núi rừng tuyệt đẹp, nhà cửa đẹp đẽ. Peter bảo Đà Lạt làm anh nhớ lại những thành phố ở châu Âu nơi anh đã từng qua. Rất lâu sau khi về nước anh vẫn nhớ đến tên thành phố này.
 
Như một định mệnh với Đà Lạt, chừng vài năm sau anh lại gặp một cô gái người Đà Lạt sống tại Melbourne, đó là chị Lê Chi Thoa. 
 
Chị Thoa người Đà Lạt, sinh năm 1979. Sau khi học xong phổ thông ở Đà Lạt, chị xuống học đại học tại TP Hồ Chí Minh và sau đó làm việc tại đây luôn. Năm 2008, chị qua Úc định cư với người thân, sống và làm việc tại thành phố Melbourne. Tại đó chị gặp anh Peter và một mối tình nảy nở. 
 
Năm 2012, anh chị kết hôn với nhau, năm 2013 anh chị cùng về Việt Nam thăm người thân ở Đà Lạt khi chị có bầu đứa con gái đầu lòng. Và rồi hầu như năm nào anh chị cũng thu xếp công việc để về sống một thời gian tại thành phố này. Cô con gái đầu của anh chị năm nay đã 7 tuổi. 
 
Khi chị Thoa mang bầu và chuẩn bị sinh cậu con trai thứ hai, cả 2 đã thu xếp về Đà Lạt cho một kỳ nghỉ 3 tháng. Tại Đà Lạt, vì thích ăn bánh mì kẹp thịt Hamburger kiểu Tây nhưng tìm mãi chẳng có chỗ nào vừa ý, Peter đã tìm kiếm và lặn lội qua tận Buôn Mê Thuột để tìm mua dụng cụ mang về Đà Lạt để làm loại bánh này.
 
Anh kể, nguyên trước đó tại Đà Lạt có một ông chủ tiệm người Pháp có vợ Việt chuyên làm Hamburger rất ngon, Peter mỗi lần qua đây thường ghé ăn. Ông chủ tiệm bánh này sau đó về Pháp, cô vợ không bán Hamburger nữa mà trả quầy, dọn toàn bộ dụng cụ làm bánh đưa về quê của mình bên Buôn Mê Thuột. Peter đã tìm cách liên lạc, qua Buôn Mê Thuột để mua lại toàn bộ dụng cụ làm bếp này và thuê một chiếc xe tải để chở đồ về lại Đà Lạt. 
 
Không chỉ tự làm bánh cho mình ăn, tại Đà Lạt, vợ chồng anh đã thuê một quầy nhỏ trên đường Trương Công Định - một con đường vốn lâu nay như một phố Tây của thành phố du lịch này, để mở một hiệu bánh mì kẹp thịt Hamburger với tên OZ Burger (OZ là tên mà người Úc thường gọi thân mật nước mình Aussie - nước Úc). Quán mở như một cách thử sức mới của Peter về nghề nấu ăn vì trước giờ anh chưa bao giờ làm, nhưng lại rất đông khách, nhất là những du khách người nước ngoài đến Đà Lạt. Chỉ chừng 3 tháng trước khi về lại Úc, vợ chồng anh đã hầu như lấy lại được toàn bộ số vốn đầu tư cho quầy bánh Hamburger này. Quán đó sau anh nhường lại cho một người nước ngoài khác làm nhưng không thành công như anh từng làm.
 
Thành công từ hiệu bánh nhỏ tại Đà Lạt trong chuyến về quê này đã làm vợ chồng anh chị suy nghĩ rất nhiều. Chị Thoa lúc đó vừa có thêm một bé trai, còn anh vận hành một doanh nghiệp nhỏ chuyên về vận tải hóa chất trong nước Úc, cả hai đều rất bận rộn với công việc tối ngày, không có nhiều thời gian cho con. Chị bàn với anh, cả hai sau đó đã đi đến quyết định bán lại tài sản của mình ở Úc để về Đà Lạt lập nghiệp, đó là thời điểm năm 2019. Lần này không chỉ là bánh mì Hamburger, anh chị đã mở một nhà hàng Tây, với tên Down Under cũng ngay gần khu trung tâm Hòa Bình Đà Lạt. Ước mong của anh chị là có một chỗ làm với thu nhập ổn định đủ sống để có thời gian chăm sóc 2 con. 
 
Peter cùng đi dạo với con trong rừng thông quanh Đà Lạt
Peter cùng đi dạo với con trong rừng thông quanh Đà Lạt
 
MONG DỊCH BỆNH MAU QUA
 
Cái tên Down Under mà Peter lấy tên cho nhà hàng của mình cũng là một cách gọi khác nữa của nước Úc. Trên bản đồ thế giới, nước Úc nằm ở Nam Bán cầu, so với Bắc Bán cầu phía trên nước Úc nằm sâu xuống phía dưới nên người Úc thường ví von nước mình đang ở miệt dưới (“down” trong tiếng Anh là phía dưới lại đi kèm với “under” - thấp ).
 
Nhưng “Down Under” ở đây theo Peter, còn có nghĩa là ở tầng hầm. Anh nói vui, ở Việt Nam thực khách khi đến các nhà hàng thường thích lên cao, có khi tận trên tầng thượng để ăn uống, nhưng ở nước Úc của anh, nhà hàng thường mở dưới tầng hầm, nhất là các nhà hàng dành cho nam giới. Những nhà hàng này thường bán món ăn, có bia phục vụ đi kèm, có bàn Billards, thực khách vừa ăn vừa chơi giải trí. Tại Đà Lạt, nhà hàng của anh cũng nằm dưới tầng hầm một khách sạn; vì nằm gần trung tâm Hòa Bình, không gian hạn hẹp, không được rộng rãi cho lắm nên anh không thể để các bàn Billards như ở Úc. Nhưng bù lại, anh lắp rất nhiều màn hình lớn trên vách chung quanh quán, mọi người đến đây vừa thưởng thức các món ăn, vừa có thể xem rất nhiều giải thể thao thế giới được tiếp sóng trực tiếp trên truyền hình, từ Ngoại hạng Anh, bóng đá kiểu Úc, bóng bầu dục, golf, quyền Anh, võ thuật…
 
Nhà hàng Tây nên nơi đây không chỉ có các món ăn thuần Úc mà còn có những món phổ biến của Anh hay của Ý, từ Steak bò, các món thịt cừu, rồi thịt gà chế biến rất độc đáo với tên gọi Chicken Parijama, có khoai tây nghiền với xúc xích, rồi bánh nướng ăn với súp đậu… Đặc biệt, nhà hàng anh bán kèm thức ăn với rất nhiều loại bia thủ công của nhiều nước trên thế giới, sản xuất tại Việt Nam, đóng thành chai, nhập từ TP Hồ Chí Minh lên, phổ biến cho du khách Tây nhưng khá lạ và cũng rất đáng thử cho các thực khách Việt, từ Heart of Darkness, Fuzzy Logic, Belgo, East West đến 7 Bridges…
 
Dù mới mở từ nửa cuối năm 2019, nhưng mọi việc có vẻ rất thuận lợi vì món ăn ở đây được thực khách đánh giá rất cao. 
 
Down Under dần chiếm một thị phần lớn trong các quán Tây tại Đà Lạt, khách chủ yếu ở đây là du khách người nước ngoài, những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Đà Lạt, tại Việt Nam khi có dịp lên đây. Nhà hàng cũng có một lượng khách người Việt nhất định nhưng ít hơn người nước ngoài. 
 
“Chúng tôi muốn nhà hàng có thêm khách người Việt, như là một trải nghiệm mới về thực phẩm, về văn hóa ẩm thực Úc và phương Tây, vì nơi đây là một thành phố du lịch lớn của Việt Nam với rất đông du khách hằng năm” - Peter nói.
 
Nhưng đại dịch COVID-19 đến trong 2 năm vừa qua đã làm mọi thứ khắp nơi ngừng trệ, trong đó có nhà hàng của Peter và chị Thoa. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, khi đóng cửa các chuyến bay quốc tế, thành phố du lịch Đà Lạt hầu như rất vắng du khách nước ngoài, nhà hàng anh chị thưa khách hẳn. Rồi khi cả nước hạn chế đi lại khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, nhà hàng anh chị cũng đóng cửa suốt nhiều tháng liền, chỉ mới mở lại dịp cuối năm vừa rồi nhưng mỗi tuần cũng chỉ mở được 3 buổi tối và rất vắng. 
 
“Chúng tôi đang cố gắng cầm cự, mong cho nhanh qua giai đoạn này, mong dịch bệnh giảm để mọi người còn làm ăn sinh sống được” - chị Thoa nói. Ước mong của anh chị khi mọi việc bình thường trở lại, anh chị có thể mua một mảnh đất nhỏ, xây một ngôi nhà nhỏ ngoài vùng ngoại ô Đà Lạt, chung quanh trồng hoa lá. 
 
Còn với Peter, vốn là một người yêu thể thao, những ngày Chủ nhật trong thời gian dịch bệnh đóng cửa anh vẫn thường đưa 2 đứa con mình dạo bộ trong rừng quanh Đà Lạt. Cô con gái 7 tuổi của anh chị đang học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Đà Lạt, biết nói cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh, cậu con trai 4 tuổi từ khi về Việt Nam theo mẹ nói tiếng Việt rất rành. “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn gần Melbourne nên rất thích và yêu Đà Lạt, thích con người hiền hòa và thiên nhiên rất đẹp nơi đây, đây đã là quê hương của tôi” - Peter nói.
 
GIA KHÁNH