Những cánh đồng bạc triệu

02:01, 25/01/2011

Lâu nay, như một sự mặc nhiên, người ta vẫn thường phỏng đoán, “làm nông mấy ai giàu có”, nhưng ở Lâm Đồng, đất rẫy vườn đang “đẻ ra vàng” theo đúng nghĩa. Những cánh đồng đang hái ra bạc triệu chỉ “đơn giản” từ việc nuôi cá, cấy rau, trồng hoa.

Lâu nay, như một sự mặc nhiên, người ta vẫn thường phỏng đoán, “làm nông mấy ai giàu có”, nhưng ở Lâm Đồng, đất rẫy vườn đang “đẻ ra vàng” theo đúng nghĩa. Những cánh đồng đang hái ra bạc triệu chỉ “đơn giản” từ việc nuôi cá, cấy rau, trồng hoa.

ẮP ĐẦY NHỮNG CON SỐ ẤN TƯỢNG

Là một tỉnh miền núi, đất sản xuất nông nghiệp không nhiều nhưng lại được thiên nhiên bù đắp cho hai “món quà” là khí hậu và thổ nhưỡng. Từ lâu, vùng đất này vẫn được ví như thiên đường của các loài hoa, trái.

Xác định được những yếu tố “thiên thời - địa lợi” ấy, nên ngay từ những ngày đầu phát triển, chính quyền Lâm Đồng đã xác định và chú trọng đầu tư một nền công nghệ cao cho sản xuất nông nghiệp. 5 năm trở lại đây, Lâm Đồng đã đầu tư gần 3.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước chỉ có 38 tỷ còn lại chủ yếu huy động nội lực từ người dân và các thành phần kinh tế khác, để tập trung đầu tư cho nghiên cứu khoa học - kỹ thuật cũng như ứng dụng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao. Ở thời điểm hiện tại, giá trị sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng chiếm 5% giá trị ngành nông nghiệp của cả nước. Có được điều này, là nhờ tỉnh đã biết tập trung, mạnh dạn đầu tư công nghệ khoa học cho những sản phẩm đặc thù phù hợp với khí hậu của miền ôn đới (những sản phẩm đã tạo được thương hiệu không chỉ giới hạn ở thị trường tiêu thụ trong nước).

Một hec ta canh tác đạt 40-50 triệu đồng giờ đã là chuyện của nhiều năm về trước. Số liệu mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, năm 2010 giá trị sản xuất đạt bình quân 76 triệu đồng/hec ta canh tác. Con số này tăng gấp 3,8 lần so với năm 2004 và cao hơn 12 triệu so với năm 2009, thống kê này cũng cho biết chỉ số trên của Lâm Đồng cao hơn hai lần so với bình quân chung của cả nước. Toàn tỉnh hiện có hơn 3.500 hec ta đất nông nghiệp canh tác ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 2.000 hec ta ứng dụng công nghệ tưới phun tự động, 1.200 ha sản xuất bằng nhà kính. Nhiều mô hình trồng rau, hoa cao cấp, chè chất lượng cao đạt từ 150 đến 250 triệu đồng/ha; cá nước lạnh đạt 4-5 tỷ đồng/ ha mặt nước/năm. Thành công ấy, là kết quả của nỗ lực và chiến lược dài hơi mà tỉnh Lâm Đồng đã dày công theo đuổi. Suốt nhiều năm, tỉnh đã liên tục triển khai xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên từng khu vực, địa bàn thích hợp với các loại cây trồng đặc trưng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao, qua đó tạo ra các vùng chuyên canh lớn đủ sức đáp ứng được những yêu cầu lớn về chất và lượng của thị trường.

Sản xuất nông nghiệp nói chung, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đang là chương trình trọng điểm, là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, góp phần mạnh mẽ cho sự tăng tốc, đột phá của Lâm Đồng. Sẽ rất khó để nêu ra hết những con số cụ thể mà ngành nông nghiệp của Lâm Đồng đã đạt được trong thời gian vừa qua. Nhưng chỉ tiêu sẽ có 7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao; giá trị sản xuất bình quân đạt 100 triệu đồng/ha canh tác; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 10% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp trong năm 2015, thực sự không phải là câu hỏi khó giải đáp hay là thách thức quá lớn.

LÀ “THỦ PHỦ” NÔNG NGHIỆP THỰC SỰ CỦA CẢ NƯỚC

Không quá lời khi khẳng định điều đó. Bởi tỉnh miền núi này luôn là “địa chỉ” lý tưởng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các dự án lớn của TW khi chọn nơi đây để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
 
Trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt.
Trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt.

Tháng 9/2010 vừa qua, Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm tại Lâm Đồng đã chính thức được triển khai với tổng vốn thực hiện dự án lên đến 5,358 triệu USD (tương đương với trên 95 tỷ VND). Và phải biết rằng, đây là dự án được triển khai sau gần 15 năm Bộ NN&PTNT tiếp cận với nguồn vốn ODA, Lâm Đồng là 1 trong tổng số 12 tỉnh, thành của cả nước được Ban điều phối dự án Lifsap TW chọn điểm để thực hiện. Dự án này được tiến hành theo một quy trình chuẩn và sạch theo chuỗi giá trị sản phẩm từ chăn nuôi, đến cơ sở giết mổ, nâng cấp chợ và cuối cùng là sản phẩm an toàn. Thông qua dự án, Lâm Đồng sẽ đứng trước cơ hội là một vùng chăn nuôi và cung cấp lớn, uy tín không chỉ cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra thị trường thế giới. Cũng theo Ban điều phối Lifsap thì Lâm Đồng luôn là địa phương đi đầu trong tổng số 12 tỉnh, thành được chọn thực hiện tốt và triển khai nhanh dự án.

Dự án trên chỉ là một trong số nhiều dự án quy mô về sản xuất nông nghiệp được đầu tư tại Lâm Đồng. Trước đó, vào năm 2009, với mục tiêu “nâng cao chất lượng, mở rộng liên kết, thúc đẩy tiêu thụ nông sản” ngành nông nghiệp Lâm Đồng cũng đã được Ngân hàng thế giới (WB) chọn là 1 trong số 8 tỉnh, thành của cả nước để đầu tư cho dự án tầm cỡ này. 75 triệu USD sẽ được “rót” cho Lâm Đồng phát triển sản xuất nông nghiệp từ năm 2009 đến 2013. Dự án cạnh tranh nông nghiệp sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng có những bước tiến vững chắc với những giá trị vốn có của mình.

Một trong những hợp phần của Dự án cạnh tranh nông nghiệp với tổng mức đầu tư là 5,4 tỷ đồng đã được khởi động và mang đến hiệu quả cho nông dân trong thời gian vừa qua. Đó là: Liên minh hợp tác nâng cao năng lực sản xuất hoa cúc cắt cành đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó, Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt cùng 41 hộ nông dân trong liên minh hợp tác sẽ đầu tư và sản xuất hoa cúc chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP để xuất khẩu. Lễ ký kết này, ban đầu sẽ giúp cho một bộ phận nông dân Đà Lạt chuyển từ phương thức canh tác hoa truyền thống sang quy trình sản xuất kỹ thuật cao, nâng tỷ lệ hoa cúc đạt tiêu chuẩn xuất khẩu từ 5% hiện nay lên 30% sau khi liên minh kết thúc, đồng thời nâng giá hoa thu mua từ 700 đồng/cành lên 1.100 - 1.400 đồng/cành và dự kiến lợi nhuận của liên minh sẽ tăng 432 triệu đồng sau 18 tháng thực hiện chương trình (từ 202 triệu đồng lên 634 triệu đồng). Về phía doanh nghiệp lợi nhuận sẽ tăng hơn 650 triệu đồng (từ 253 - 904 triệu đồng).

Hiện tại, Lâm Đồng cũng đang là điểm lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp, công ty chuyên kinh doanh sản xuất nông nghiệp. Nhiều siêu thị lớn như Saigon.Coop đã chọn Lâm Đồng làm nhà cung cấp chính cho toàn bộ hệ thống siêu thị trong và ngoài nước của mình. Hệ thống siêu thị này cũng đã mạnh dạn đầu tư cho Liên minh sản xuất Rừng hoa hàng chục tỷ đồng để sản xuất rau, củ, quả sạch cung cấp thường xuyên. Ở Lâm Đồng, bây giờ cũng đã có trên dưới 15 doanh nghiệp được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận sản xuất rau, hoa theo các tiêu chuẩn chất lượng và khắt khe nhất như: Euro GAP, Global GAP… Chính giấy “thông hành” và sự uy tín đó đã làm cho rau, hoa Lâm Đồng thực sự trở thành “thương hiệu” uy tín, có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Đất trên cao nguyên xanh thực sự đang “đẻ ra vàng” bằng những cây trồng đặc trưng, vật nuôi giá trị từ công sức. Bà KwaKwa - Giám đốc WB tại Việt Nam khi đến Lâm Đồng đã từng nói: “Các bạn đang sở hữu những quà tặng tinh túy nhất của thiên nhiên, con người nơi đây cũng thân thiện và chăm chỉ. Chẳng có lý do gì để khiến những dự định, những chương trình, dự án về nông nghiệp của các bạn phải dở dang. Thành công chắc chắn sẽ đến trong thời gian sớm chiều”.
 
Tuấn Linh