Những luận điệu xuyên tạc về Dự án hồ Ta Hoét

THẠCH TÂM 13:02, 28/02/2023

(LĐ online) - Những ngày qua, khi Dự án hồ chứa nước Ta Hoét (tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng) khởi công; trước việc một số hộ người dân tộc thiểu số (DTTS) không chịu nhận tiền đền bù, giao đất để triển khai Dự án, tổ chức Việt Tân đã “nhảy xổ” vào lu loa:“Chính quyền cướp đất của dân”(?). Lập tức, một số trang mạng phản động “ăn theo”, ra sức xuyên tạc, bóp méo sự thật, kích động người dân chống đối, cản trở việc thi công triển khai dự án, gây rối tình hình trật tự địa phương...

Một phần khu vực thu hồi đất để triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Một phần khu vực thu hồi đất để triển khai Dự án hồ chứa nước Ta Hoét

• PHẢI LÀM CHO NGƯỜI DÂN HIỂU ĐÚNG, ĐẦY ĐỦ

Đầu tư thực hiện các công trình, dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước; phục vụ đời sống Nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, sẽ tác động đến đất đai, công trình, tài sản… của tập thể, cá nhân gắn liền trên đất.

Dự án hồ chứa nước Ta Hoét là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 - 2025. Công trình khi hoàn thành sẽ giải quyết nhiều vấn đề: Ngăn lũ từ thượng nguồn vào mùa mưa; tích nước phục vụ sinh hoạt cho trên 65.000 hộ dân và phục vụ tưới cho 2.580 ha đất canh tác của huyện Đức Trọng. Và, người dân thôn K’Rèn được hưởng lợi trực tiếp từ công trình này như phát triển nông nghiệp, công nghiệp; nuôi trồng thủy sản (trong lòng hồ); cải tạo cảnh quan, môi sinh, môi trường; phát triển du lịch, gắn với phát triển làng nghề của người K’Ho bản địa tại đây…

Ý nghĩa và lợi ích của công trình đã rõ. Bên cạnh nhiều hộ dân đồng thuận, nhận tiền đền bù, bàn giao đất cho Dự án, tại sao vẫn còn các hộ đồng bào DTTS và một số hộ người Kinh khiếu nại, không nhận đền bù, không bàn giao đất cho nhà đầu tư; cố tình chống đối, gây rối tình hình trật tự địa phương…?

Theo phản ánh, các hộ người DTTS (đứng sau có một số hộ người Kinh), đã kiến nghị đến chính quyền tỉnh và huyện Đức Trọng, tựu chung các vấn đề: Dự án chưa có sự cho phép của Trung ương; giá đất bồi thường thấp; chính quyền chưa có phương án tái định canh cho những hộ diện thu hồi đất và dạy nghề, đào tạo nghề cho người dân...?
Thực chất, các vấn đề người dân thôn K’Rèn nêu đã được chính quyền và các ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng thực hiện trong hơn 2 năm qua. Về chủ trương, Dự án hồ chứa nước Ta Hoét đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7; được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện (Quyết định số 1145/QĐ-TTg, ngày 29/7/2020). Dự án thuộc nhóm B, quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư công năm 2019; do đó, quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh đã ban hành các văn bản phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng công trình là đúng thẩm quyền theo quy định.

Về giá đất đền bù, đã được điều chỉnh, từ 290 triệu đồng đến 471 triệu đồng/1 sào, tùy từng khu vực. Lãnh đạo huyện Đức Trọng khẳng định, giá đất đền bù đất cho người dân là hợp lý. UBND huyện Đức Trọng cũng đang xây dựng khu tái định canh, diện tích 48 ha tại xã Hiệp An để cấp cho những hộ dân đủ điều kiện theo quy định. Tại đây, có đường giao thông, cấp thoát nước, điện lưới quốc gia để người dân thuận tiện sản xuất. Huyện Đức Trọng cũng đã làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, rà soát những người có nhu cầu đào tạo nghề, dạy nghề và bố trí việc làm; thực tế, đã có một số người được giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp…

Như vậy, những kiến nghị của người dân thôn K’Rèn đã và đang giải quyết chu đáo. Cớ sao, có những hộ dân không đồng thuận, sẻ chia mà tiếp tay cho kẻ xấu vu cáo trắng trợn: “Chính quyền cướp đất của dân”? Cớ sao, có những hộ dân cố tình chống đối, cản trở việc tiến hành thực hiện Dự án có ý nghĩa này?...

Vấn đề đặt ra là công tác tuyên truyền, giải thích cho người dân, nhất là người DTTS hiểu đúng, hiểu đầy đủ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hiện các công trình, dự án; trách nhiệm của người dân vùng dự án phải làm gì; ứng xử ra sao để thể hiện trách nhiệm công dân đối với cộng đồng, xã hội…? 

Những luận điệu xuyên tạc về Dự án hồ chứa nước Ta Hoét
Những luận điệu xuyên tạc về Dự án hồ chứa nước Ta Hoét

• ĐẤU TRANH, VẠCH TRẦN LUẬN ĐIỆU PHÁ HOẠI

Điều 13 Luật Đất đai quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. “Khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì người sử dụng đất được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật” (Khoản 3 Điều 16). Đối chiếu nội dung các Điều 82, 83, 84, 85 Luật Đất đai (về thẩm quyền; thông báo; tổ chức việc bồi thường; trình tự, thủ tục bồi thường đất), thì việc thực hiện Dự án xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét của tỉnh Lâm Đồng đúng pháp luật.

Đất đai trong vùng DTTS trước nay luôn tiềm ẩn những phát sinh phức tạp. Lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo; đặc biệt, sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của đồng bào DTTS, các thế lực phản động “tranh thủ” triệt để thực hiện âm mưu chống phá Đảng và chính quyền, Nhà nước Việt Nam là điều không còn xa lạ!

Sự việc một số hộ người K’Ho thôn K’Rèn, do tư duy cố hữu, đã khăng khăng cho rằng đất đai mà họ đang canh tác là do “bao đời tổ tiên họ khai phá”, nên phải giữ đất (?!). Bên cạnh đó, một số hộ người Kinh rêu rao, chính quyền bồi thường đất không thỏa đáng; xúi dục các hộ dân trong thôn không nhận đền bù, không bàn giao  mà cố tình giữ đất để bán, nhằm trục lợi; đòi hỏi yêu sách gây khó cho chính quyền...

“Tranh thủ” sự việc này, “Việt Tân”, “Người Thượng Vì Công Lý”, “Nhật ký yêu nước”, đài Á Châu Tự Do (RFA)… đã “dựng” lên câu chuyện “giật gân”, đưa thông tin bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm đánh lừa dư luận, rằng “Người K’Ho ở Lâm Đồng bị cướp đất”; “Chính quyền Lâm Đồng cướp đất của dân”…

Ngày 21/02/2023, đài Á Châu Tự Do đã “giật tít” bài viết “Lâm Đồng: Cảnh sát cơ động trấn áp người dân trong lễ khởi công Dự án hồ chứa Ta Hoét”. Tác giả bài viết đã tự “dựng” chuyện “chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã sử dụng hàng chục cảnh sát cơ động với khiên chắn, gậy cao su và chó nghiệp vụ để đối phó với những người dân tay không trong sáng thứ hai (20/2), khiến nhiều người bị thương, trong đó có cả người già và trẻ em” (?!). 

Sau đó, “dàn cảnh” cái gọi phỏng vấn một số người DTTS thôn K’Rèn, nhưng không nói rõ danh tánh Tý, Tèo nào (?!). Chúng xuyên tạc Dự án hồ thủy lợi Ta Hoét, rằng: “Một trong những mục tiêu của dự án là chống ngập lụt cho khu vực và giúp tưới tiêu trong khu vực, trong khi trên thực tế ngập lụt không xảy ra thường xuyên... Hơn nữa, huyện Đức Trọng đã có nhiều hồ chứa nước và dân trong vùng dư nước để tưới tiêu và sinh hoạt. Trơ trẽn hơn, tác giả bài viết đã “chụp mũ” cho một người DTTS thôn K’Rèn nói: “Nó (chỉ chính quyền) đã thu hồi là nó sẽ lấy sạch luôn… Theo bản đồ quy hoạch, nó sẽ lấy hết cả làng luôn…”

Chưa dừng lại, bài viết còn dẫn lời bình luận của 2 vị luật sư ở Hà Nội (B.Q.T và H.H.S) về Dự án hồ Ta Hoét (?). Thực chất, đây là 2 đối tượng trong tổ chức phản động, chuyên bênh vực cho các đối tượng trước nay chống phá Nhà nước Việt Nam…

Giọng điệu của đài Á Châu Tự Do và các trang phản động đang cố tình xuyên tạc, thổi phồng sự việc; kích động người DTTS thôn K’Rèn chống đối, cản trở chính quyền thực hiện Dự án hồ chứa nước Ta Hoét hết sức trâng tráo!

Trước sự việc này, người dân mà đặc biệt là đồng bào DTTS trong vùng Dự án cần nắm rõ về mục đích, ý nghĩa công trình; việc người dân được hưởng lợi từ dự án. Có như vậy, người dân thôn K’Rèn nói riêng, Nhân dân các vùng dự án mà tỉnh Lâm Đồng đang triển khai chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, không để người dân vì thiếu hiểu biết pháp luật, có hành vi cản trở, chống đối, “tạo cớ” cho các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, chống phá chính quyền, gấy rối tình hình an ninh, chính trị địa phương…