Đạo đức người làm báo trong khai thác, xử lý nguồn tin

10:04, 12/04/2013

(LĐ online) - Ngày 11/4/2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở TT-TT và Hội Nhà báo VN tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”. Sau đây là lược trích một số ý kiến quan trọng tại hội thảo.

(LĐ online) - Ngày 11/4/2013, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Sở TT-TT và Hội Nhà báo VN tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo “Đạo đức người làm báo trong khai thác và xử lý nguồn tin”. Sau đây là lược trích một số ý kiến quan trọng tại hội thảo.

Đề dẫn của Nhà báo NGUYỄN THANH ĐẠM - Phó Chủ tịch Hội NBVN tỉnh, TBT Báo Lâm Đồng:

Qua hơn 25 năm đất nước đổi mới, không thể phủ nhận nền báo chí cách mạng Việt Nam đã phát triển nhanh chóng kể cả số và lượng, trở thành một động lực xã hội thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí ngày càng được thể hiện rõ nét và nâng cao.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo


Tuy nhiên trong giai đoạn “mở cửa”, hội nhập và thông tin là loại hàng hoá đặc biệt, cùng với đón gió lành, một số tờ báo, một số nhà báo trong hệ thống báo chí nước nhà cũng không tránh khỏi tình trạng “thương mại hoá”. Biểu hiện như tình huống “nhìn giọt nước mà không thấy biển cả”, chủ quan và áp đặt vì lợi ích cá nhân, bé xé to, nhiều tin bài sa vào “tình, tiền, tù…” làm ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, tâm lý xã hội.

Tuyên ngôn của Liên đoàn Nhà báo quốc tế (năm 1954 và bổ sung năm 1986) có 11 điều quy tắc ứng xử đạo đức. Trong đó nhấn mạnh “Nhà báo chỉ viết bài theo những thông tin mà bản thân biết rõ nguồn gốc. Nhà báo không được lấp liếm những thông tin thiết yếu hoặc làm sai lệch tài liệu” (Điều 3); “Nhà báo cần coi những việc sau đây là những vi phạm nghề nghiệp nghiêm trọng: đạo văn, bóp méo sự thật có ác ý, vu khống, bôi nhọ, buộc tội vô căn cứ, nhận hối lộ dưới bất cứ hình thức nào để đăng hoặc lấp liếm thông tin” (Điều 8)…

Có tài chưa đủ mà đòi hỏi còn phải có tâm, tầm. Nếu không vậy thì dễ trở thành người phù phép khiến cho “Một nửa cái bánh mì chưa là bánh mì nhưng một nửa sự thật đã là sự thật”. Theo tôi, trước một hiện tượng mới, lạ nảy sinh, nhà báo với góc độ “thư ký thời đại”, với vốn sống và trải nghiệm phải đào sâu suy nghĩ, phân tích tổng hợp và lý giải sự vật, hiện tượng dưới lăng kính lôgic, biện chứng về ý nghĩa xã hội, tác động của thông tin tới đại chúng. Có vậy mới khắc phục được tình trạng “thấy cây mà không thấy rừng”, mới phản ánh được những thông tin bản chất về sự vận động, phát triển của đời sống…!

Với cách đặt vấn đề như vậy, rất mong hội thảo có những tham luận sinh động từ thực tiễn cầm bút, xử lý tình huống thông tin để chúng ta cùng tiếp nhận và hình thành những kỹ năng chuẩn mực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một nhà báo cách mạng!

Nhà báo BÙI THỊ BÍCH VÂN (Đài PH-TH Lâm Đồng): Đạo đức và giá trị thông tin

Ngày nay, vị trí và vai trò của báo chí trong đời sống xã hội ngày càng được nâng lên. Báo chí trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Ở một khía cạnh nào đó, báo chí còn tham gia vào tiến trình lịch sử thời đại. Chính vì vậy báo chí cùng lúc tác động đến nhiều người, nhiều tầng lớp xã hội, nhiều lĩnh vực; tạo hiệu ứng to lớn trong xã hội, nên mỗi phóng viên qua tác phẩm báo chí phải nhận thức sâu sắc từng hành vi ứng xử, cân nhắc từng con chữ và xem xét cẩn trọng những hậu quả có thể xẩy ra đối với xã hội từ tin, bài của mình. Chỉ cần một chút thiếu thận trọng của nhà báo khi khai thác và xử lý nguồn tin, xã hội phải bỏ ra gấp trăm ngàn lần công sức để khắc phục hậu quả. Cùng đưa tin về một sự việc, nhưng phóng viên có đạo đức nghề nghiệp sẽ đặt lợi ích của số đông, của công chúng, nhân dân lên trên hết. Còn phóng viên thiếu đạo đức nghề nghiệp, đầu tiên sẽ nghĩ đến lợi ích bản thân hoặc của tờ báo mà bất chấp hậu quả xảy ra đối với xã hội.

Chúng ta đều biết, đấu tranh chống tiêu cực tất nhiên phải đưa ra ý kiến nhiều chiều để phê phán cái xấu, đưa ra ánh sáng công luận, tạo dư luận xã hội nhằm đẩy lùi tiêu cực, góp phần làm trong sạch xã hội, nhưng bản thân phóng viên phải nhận thức được liều lượng và mức độ thông tin. Đấu tranh phải có ý thức xây dựng, bảo vệ cái đúng, phải công tâm, trong sáng, đưa tin chính xác, không vì lợi ích cá nhân, vì háo danh, muốn nổi tiếng mà tung tin bịa đặt sai sự thật, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức. Điều này nằm trong 9 điều quy định đạo đức nghề báo. Trong 9 điều đó, điều 3 đề cao “tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Điều này được hầu hết các tổ chức báo chí quốc tế và Hội Nhà báo Việt Nam xem là tiêu chuẩn đạo đức của phóng viên.

Nhà báo HOÀNG ĐẠI HUYNH (Báo Lâm Đồng): Nhà báo phải rèn bút, luyện tâm

Cách đây gần 20 năm, ở Bảo Lộc xảy ra một vụ khiếu nại, tố cáo gay gắt, phức tạp, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” vì liên quan đến quyền lợi của các xã viên Hợp tác xã (HTX) Dệt Tân Tiến. Trong bối cảnh đó, Báo Lâm Đồng có đăng một bài viết của phóng viên phê phán, chỉ trích gay gắt chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Sơ (Ba Sơ), càng làm cho vụ việc thêm phần “nóng bỏng”. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng chỉ đạo các ngành chức năng xuống Bảo Lộc điều tra, giải quyết vụ việc, chấm dứt khiếu kiện đông người và bản thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Trung Tín cũng xuống cơ sở nắm bắt tình hình, vì lúc đó HTX Dệt Tân Tiến là mô hình HTX trong lĩnh vực công nghiệp điển hình, tiên tiến nhiều năm của tỉnh. Tôi cũng được Ban Biên tập (BBT) phân công xuống HTX Dệt Tân Tiến tìm hiểu sự việc, giúp BBT có hướng giải quyết vấn đề. Cùng với các ngành chức năng của tỉnh, tôi đi sâu tìm hiểu và phát hiện ra rằng: tác giả đã tiếp nhận, xử lý nguồn tin thiếu khách quan, chính xác và góp phần làm cho vụ việc từ đơn giản đi đến phức tạp, thậm chí có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trong khiếu kiện, tranh chấp đông người. Cụ thể: Nhà báo, chủ nhiệm Ba Sơ và cô H, kế toán trưởng HTX vốn rất thân tình với nhau. Tuy nhiên, sau đó quan hệ giữa họ rạn nứt, mâu thuẫn, trong lúc quan hệ giữa nhà báo với kế toán trưởng lại thân tình “trên mức bình thường”. Vì lẽ đó, từ một đơn tố cáo chủ nhiệm HTX của kế toán trưởng dù có nhiều điểm sai sự thật, nhưng đã được nhà báo “tiếp sức” phản ánh thành vụ việc nghiêm trọng trên báo. Qua đó khiến dư luận thêm phần bức xúc và đã tụ tập nhiều xã viên HTX khiếu nại đông người, đòi phải giải tán HTX, phân chia tài sản, đất đai, đền bù thiệt hại cho xã viên… Sau khi nắm bắt được cội nguồn của vấn đề và được sự chỉ đạo đúng đắn, khách quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chức năng đã phối hợp với huyện Bảo Lộc (nay là TP.Bảo Lộc) giải quyết dứt điểm vụ việc. Về phía báo chí, sau khi đăng bài đính chính vụ việc một cách khách quan, đúng đắn trở lại, đã đúc rút được bài học kinh nghiệm quý báu rằng: Việc tiếp nhận, xử lý thông tin của nhà báo đóng vai trò hết sức quan trọng. Nếu không khách quan và thiếu thiện chí, thì khi tiếp nhận nguồn tin, nhà báo có thể bỏ qua công đoạn điều tra, tìm hiểu, thậm chí “phớt lờ” những giải trình của người bị tố cáo sai sự thật, hoặc “bóp méo” sự thật vì động cơ cá nhân. Trong trường hợp này, với độ thân tình từ trước với chủ nhiệm HTX, thì nhà báo không thể không biết được những sự thật về HTX Dệt Tân Tiến, nhưng vì tình cảm “trên mức bình thường” với kế toán HTX, nhà báo đã góp phần cùng kế toán đẩy vụ việc đến mức độ nghiêm trọng, có nguy cơ trở thành “điểm nóng” trong khiếu kiện, tranh chấp đông người.

Nhà báo TRẦN BÍCH HIỀN (Báo Sài Gòn Giải Phóng): Đạo đức nghề nghiệp – vấn đề luôn mới

Nghề báo, nhà báo đồng nghĩa với việc đi, thấy, nghe, nghĩ và viết. Đây cũng chính là quy trình khai thác và xử lý thông tin. Điều quan trọng là quy trình này phải được thao tác một cách có đạo đức. Tôi nghĩ đây chính là khâu quan trọng để chúng ta có thể hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Khai thác, xử lý thông tin là công việc hàng ngày của mỗi nhà báo trong quá trình đi và viết của nhà báo. Cần thiết phải nhắc nhở mỗi nhà báo về nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội.

Nói về Khai thác nguồn tin - Để có thông tin, nhà báo phải đi, phải tiếp cận thực tế, gặp gỡ các nhân vật (rất đa dạng)… Mỗi chuyến đi là một nhen nhóm, ấp ủ một đề tài. Ví dụ đi viết về nông thôn mới (NTM) thì phải về nông thôn, tìm hiểu đời sống người dân ở đó như thế nào; gặp cán bộ thôn, xã tìm hiểu việc vận động người dân tham gia xây dựng NTM ra sao… Bao nhiêu đường đất, bao nhiêu thời gian, nhưng không đi không thể bịa ra được.

Một đề tài khó hơn, như chống tiêu cực, tham nhũng, phanh phui nạn mãi lộ chẳng hạn… Thật đáng biểu dương nhóm phóng viên sau nhiều ngày phục kích, đã ghi được hình ảnh một viên cảnh sát đòi hối lộ đối với một lái xe chạy tuyến đường dài Nam Bắc, đây là tệ nạn nhức nhối lâu nay. Xử lý được những “con sâu” này, xã hội sẽ bớt tiêu cực, dân bớt khổ, thêm tin vào chính quyền. Nhưng nếu phóng viên này “bày binh bố trận”, “đặt mồi nhử”, đưa viên cảnh sát kia “vào tròng” thì sao, trường hợp này, tôi nghĩ cần xem xét phóng viên này có vi phạm đạo đức nghề nghiệp không. Có người nói, không làm như vậy thì sao bắt được quả tang? (Không biết ý kiến của các đại biểu tại hội thảo thế nào?). Tôi rất khâm phục các phóng viên Báo Thanh Niên đã dày công làm loạt bài về xăng dầu rởm, loạt bài về cà phê rởm, chỉ tiếc việc xử lý thì lơ lửng, không đến đâu.

Về Xử lý nguồn tin - Ở đây chúng ta không nói về những thao tác kỹ thuật, mà ở góc độ đạo đức nghề nghiệp. Thiết nghĩ, nếu nhà báo đã say mê, tâm huyết với nghề, lăn xả với những chuyến đi thực tế, thì họ sẽ hiểu thấu đáo vấn đề và tác phẩm của họ sẽ “mang hơi thở cuộc sống” (như chúng ta vẫn nói). Nhà báo có động cơ trong sáng, cách nhìn nhận, đánh giá khách quan, thì họ sẽ xử lý đúng đắn nguồn tin, sản phẩm của họ nhất định mang lại hiệu quả. Còn nếu xuất phát điểm của nhà báo không tốt, ngay từ đầu đã đi đứng với động cơ xấu, thái độ hằn học, thì khi khai thác, xử lý nguồn tin cũng khó khách quan, nếu không nói bị méo mó.

Đại tá, ThS. TRƯƠNG QUANG ĐÃN (Chi hội NB Tạp chí Nghiên cứu Chiến thuật - Chiến dịch Học viên Lục quân): Mỗi tờ báo cần xây dựng chuẩn mực hoạt động, quy định đạo đức nghề nghiệp

Làm báo là một nghề có trách nhiệm rất nặng nề đối với xã hội, cũng như đối với con người, bởi nhà báo là người đưa thông tin đến cho công chúng, tạo ra dư luận xã hội, từ đó định hướng nhận thức của công chúng. Do đó, nhà báo cần thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội một cách khách quan, trung thực trên cơ sở đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.  

Trên thực tế, không phải lúc nào các nhà báo cũng hiểu biết và vận dụng đúng đắn các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, mà còn có những nhà báo đã lợi dụng tính đặc thù của nghề báo để mưu lợi cá nhân. Đó là, còn hiện tượng “Thông tin thiếu trung thực, thiếu chính xác, không đúng sự thật, thiếu toàn diện, thiếu cân nhắc sự lợi hại, đưa đậm các mặt trái, mặt yếu kém, các vụ án và các tệ nạn xã hội trên trang nhất”; “thông tin dễ dãi, xa rời tôn chỉ mục đích, bình luận một chiều, lên án thái quá, thậm chí quy chụp”, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng, gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan báo chí; “khuynh hướng tư nhân hóa, thương mại hóa báo chí, tư nhân núp bóng để ra báo, kinh doanh báo chí có xu hướng gia tăng”; vẫn có nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pháp luật và bị xử lý hình sự…

Từ tình hình trên trong thời gian tới: Mỗi tờ báo cần xây dựng chuẩn mực hoạt động của toà soạn, quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, hướng dẫn cho các phóng viên, biên tập viên của mình trong các hoạt động nghề nghiệp, trong đó quy định những yêu cầu cần có đối với phóng viên, biên tập viên của toà soạn; những việc phóng viên, biên tập viên cần làm và những việc không được làm trong quá trình tác nghiệp; những yêu cầu đối với biên tập viên, phóng viên trong việc bảo vệ uy tín, “thương hiệu” của tờ báo, tạp chí; những yêu cầu cụ thể đối với các mục cần kiểm tra trong tin, bài trước khi xuất bản. Mỗi tòa soạn, căn cứ vào yêu cầu cụ thể của mình, cần tuyển chọn, đào tạo một đội ngũ phóng viên, biên tập viên phù hợp. Những người làm báo được đào tạo cơ bản, được làm việc trong môi trường báo chí chuyên nghiệp sẽ là nhân tố chính góp phần bồi dưỡng đạo đức của mỗi nhà báo. Tuân thủ đạo đức nghề nghiệp chính là để “Các nhà báo giám sát xã hội cũng phải là những người trụ vững trước mọi sự giám sát” của xã hội.

Nhà báo NGUYỄN MẬU SIỆC  (Chi hội NB Văn phòng Hội) : Nghề báo phải tồn tại vì xã hội và cho xã hội

Trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài mà phải đặt lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc là trên hết. Có như vậy, báo chí mới thực hiện được chức năng định hướng, giúp bạn đọc có suy nghĩ, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái đẹp, loại trừ được cái ác, cái xấu trong xã hội. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó đòi hỏi người làm báo phải có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp đối với báo chí nói chung, đặc biệt trong kỹ năng tác nghiệp mà khâu đầu tiên là chọn nguồn tin như thế nào và khai thác tư liệu ra sao để tiếp cận gần nhất đến bản chất của sự thật. Theo suy nghĩ của chúng tôi, khi chọn nguồn tin, trước hết cần chọn những nguồn tin nào có lợi cho dân tộc, cho Tổ quốc và nhân dân. Sau khi chọn xong nguồn tin, người làm báo vừa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình tác nghiệp như đến tận nơi vừa xẩy ra sự kiện, vừa lắng nghe nhiều chiều, nhiều bên, vừa phải thẩm tra tận gốc các nhân chứng của hai bên, ba phía để kiểm chứng và quyết định những tư liệu nào cần đưa vào bài báo, những tư liệu nào để lại tham khảo v.v… Xin đơn cử vài trường hợp do không tuân thủ các bước phải làm theo quy trình tác nghiệp của báo chí dẫn đến sai sót đáng tiếc như thông tin của một tờ báo mạng về MC Đan Lê là nhân vật trong một Clipsex để giật gân, câu khách. Ngay sau khi tờ báo mạng vừa đăng bài báo nói trên, MC Đan Lê đã gọi điện đến tòa soạn yêu cầu gỡ bài ra, nhưng tờ báo này không thực hiện, buộc chị phải gửi đơn đến tổng biên tập và các cơ quan chức năng để khiếu nại. Tiếp đó, MC Đan Lê đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và chị đã thắng kiện. Riêng trường hợp cô Phương ở TP.Hồ Chí Minh được nhiều báo giật tít rất to “Địa ngục của thiếu nữ bị bắt cóc, hành hung đến câm điếc”, hay “Kinh hoàng chuyện một cô gái bị hành hạ như thời trung cổ”. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, cơ quan điều tra đã kết luận: Cô Phương không hề bị bắt cóc, không hề bị hành hạ đến câm điếc như nhiều báo đã đưa tin mà sự thật là cô gái này đã bỏ nhà đi bụi vì lười lao động, ham chơi nên đã dựng lên một kịch bản khá hoàn hảo để đánh lừa và qua mặt một số nhà báo nhẹ dạ, cả tin mà thôi. Gần đây, nhà báo Nguyễn Chu Trinh công tác ở Cơ quan thường trú khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do khai thác nguồn tin một chiều, thiếu nhạy cảm nghề nghiệp nên mới chỉ nghe tin đồn nhưng đã viết tin về vụ bố chồng ăn nằm với con dâu được đăng tải trên báo điện tử VOV. Qua kiểm tra tận nơi mới biết đây chỉ là tin vịt, Ban Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã thi hành kỷ luật nhà báo nói trên với hình thức cảnh cáo, cấm hoạt động nghiệp vụ báo chí vô thời hạn.

Từ những vụ việc nói trên, chúng tôi thấy rằng, giữa vô vàn sự kiện đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ người làm báo muốn chọn sự việc và nguồn tin nào để thông tin, rồi thông tin ở mức độ nào, dưới hình thức nào và vào thời điểm nào… không chỉ là trách nhiệm xã hội, bản lĩnh nghề nghiệp của người làm báo mà còn thể hiện phẩm chất, đạo đức của người làm báo và đó cũng là đẳng cấp, thương hiệu của một tờ báo. Thông tin nhanh, chính xác là đòi hỏi sống còn của từng tờ báo. Nhưng mỗi thông tin mà nhà báo đưa đến với công chúng phải là những thông điệp tích cực, có tiêu chí và quan điểm rõ ràng, có sự cân nhắc lợi - hại đối với việc tiếp nhận thông tin của công chúng. Đây là một trong những đòi hỏi tất yếu của xã hội. Báo chí ở đâu cũng thế, thời đại nào cũng thế đều có tính mục đích, không thể tách rời lợi ích của quốc gia hay lợi ích của dân tộc được. Người làm báo chúng ta một khi đã ý thức được trách nhiệm trước công chúng, trước cộng đồng, trước dân tộc và nêu cao đạo đức, lương tâm của người làm báo trong việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình tác nghiệp từ khâu chọn thông tin có độ tin cậy cao, khai thác tư liệu và nghe cả hai tai, từ nhiều chiều, nhiều phía thì chắc chắn sẽ tiếp cận được bản chất sự thật, để đưa ra những thông tin một cách tối ưu nhất, những bài báo thật sự nhân văn, thật sự có ích cho cả cộng đồng xã hội, cho quốc gia và dân tộc của mình. Bởi lẽ, nghề làm báo của chúng ta không chỉ là một nghề đơn thuần, mà làm báo là một sứ mệnh. Nghề báo không bao giờ tồn tại tự nó mà phải tồn tại vì xã hội và cho xã hội .
               
Nhà báo NGUYỄN CHÍ LONG (Báo QĐND) : Tính chiến đấu không phải là xuyên tạc, đả kích

Người làm báo chân chính không bao giờ được lợi dụng “tính chiến đấu” của báo chí, lợi dụng “đấu tranh chống tiêu cực” để xuyên tạc, bóp méo sự thật, đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; càng không thể đứng trên lập trường tư sản để xem xét và đánh giá sự việc, rồi phản ánh trong các tin, bài đăng tải trên báo chí.

Nhiệm vụ chức năng của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đặt ra yêu cầu khách quan là báo chí phải tự đổi mới, nâng cao tính chiến đấu, khơi dậy luồng sinh khí mới, hơi thở mới trong xã hội. Tính chiến đấu là một trong những thuộc tính cơ bản của báo chí cách mạng. Tính chiến đấu của báo chí thể hiện trên hai mặt. Một là, tham gia đấu tranh trên mặt trận tư tưởng lý luận, chống âm mưu và thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, đập tan âm mưu tấn công về tư tưởng, văn hóa của chúng. Hai là, dũng cảm đấu tranh chống những hiện tượng lạc hậu, trì trệ và mọi biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, chỉ ra hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm. Hai mặt đấu tranh này có nội dung và phương pháp thể hiện khác nhau: Một bên là đấu tranh giai cấp, đấu tranh địch - ta. Một bên là đấu tranh nội bộ. Không thể nhầm lẫn đấu tranh nội bộ với đấu tranh địch - ta.

Một quan niệm về đổi mới rất sai lầm của một số người làm báo cho rằng trên mặt báo phải có bài chống tiêu cực, chống tiêu cực càng nhiều, càng tỏ ra thức thời, đổi mới, cấp tiến. Từ đó, cố đi tìm, săn lùng cho được những khiếm khuyết của cán bộ, của tổ chức Đảng và chính quyền để đưa lên mặt báo. Điều nguy hại là đưa nhiều hiện tượng, hành vi tiêu cực, nhưng không có phân tích, định hướng tư tưởng, gây tâm lý hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Một số người lợi dụng tự do báo chí, tự xưng là nhà báo tự do, phóng viên, cộng tác viên của báo này báo nọ để đi khai thác thông tin (rất tiếc là một số cơ quan đoàn thể thiếu kiểm tra, thẩm định, cứ nghe nói “Phóng viên - nhà báo” là tin ngay). Sự việc tiêu cực có một thì họ viết thành hai, ba, thậm chí mới có một vài hiện tượng tiêu cực thì họ đơm đặt thành chuyện lớn cho có vẻ ly kỳ…, trong khi khâu biên tập lại sơ suất thiếu chặt chẽ; một số tờ báo ở xa địa phương, thiếu xác minh… Thế là mục đích của báo chí là tuyên truyền, giáo dục lại trở thành phản tuyên truyền, giáo dục.
    
Nhà báo TRẦN MAI PHƯƠNG ( Phó GĐ Sở TT – TT, Chi hội NB Văn phòng Hội): Đừng để độc giả quay lưng với báo chí

Có thể thấy ở mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, các thiết chế, quy chuẩn xã hội ít nhiều có những sự thay đổi nhất định, song, những quan điểm cơ bản về đạo đức nghề báo vẫn không đổi - đó là sự khách quan trung thực, yêu cầu dẫn dắt định hướng xã hội của thông tin. Như hai mặt của một vấn đề, có chuẩn mực của nghề thì cũng có những nguy cơ đe dọa những chuẩn mực đó - thời nào cũng có những điều có thể làm ảnh hưởng đến sự trung thực của nghề báo. Nếu như ở thời của nền kinh tế tập trung bao cấp, điều làm ảnh hưởng là sự yêu ghét và những tình cảm cá nhân, thì thời của nền kinh tế thị trường, nguyên nhân dẫn đến sự thiếu khách quan trung thực của nghề báo thường là lợi ích vật chất. Kinh tế thị trường đã làm nảy sinh xu thế thương mại hóa báo chí, khiến một số tờ báo, nhà báo thiếu trung thực trong việc đưa thông tin, thậm chí, ngày càng có nhiều những trường hợp vì chút lợi ích vật chất nhỏ như để đảm bảo định mức, có tiền nhuận bút, để câu độc giả, duy trì doanh thu hoặc để lấy danh, lấy tiếng mà nhà báo đưa thông tin sai lệch, thiếu trung thực.

Trong quá trình làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí xuất bản tại địa phương, chúng tôi rất vui mừng khi nhận thấy rằng các nhà báo hoạt động nghề nghiệp trên địa bàn Lâm Đồng, đặc biệt là các nhà báo có thâm niên trong nghề, luôn giữ được tính trung thực trong các tin bài của mình. Với ý thức trách nhiệm và kinh nghiệm bản thân được đúc rút trong quá trình hoạt động, các nhà báo giàu kinh nghiệm ý thức rất rõ rằng khi tác phẩm của mình mang mục đích cá nhân, thiên về ý chí chủ quan, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, nếu không bị cơ quan chức năng, cơ quan chủ quản xử lý thì cũng sẽ bị đồng nghiệp và độc giả đánh giá thấp. Và như vậy, chắc chắn uy tín của bản thân họ sẽ bị sụt giảm.

Tuy nhiên, trước khi trở thành một nhà báo có thâm niên, thực sự chín chắn trong nghề nghiệp, đủ sức đề kháng với những cám dỗ vật chất, danh lợi, áp lực công việc, đảm bảo mọi thông tin của mình phản ánh trên mặt báo luôn khách quan, trung thực, thì mỗi nhà báo đều phải trải qua giai đoạn rèn luyện để trưởng thành. Quá trình đó có thể có không ít nhà báo đã một đôi lần vấp phải trường hợp đưa thông tin sai, thiếu khách quan, trung thực vì chưa ý thức sâu sắc về trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp. Và trong thực tế ở địa phương đã xảy ra những trường hợp đáng tiếc như vậy. Có những vụ việc, vấn đề nhỏ, đơn giản, không gây ảnh hưởng gì lớn tới kinh tế, xã hội địa phương, nhưng vẫn bị nhà báo khai thác, phản ánh theo hướng tiêu cực, cố xé cho to để thông tin được đăng tải (có lẽ vì áp lực định mức tin bài, quyền lợi nhuận bút) mà không hề cân nhắc đến quyền lợi, uy tín của những cá nhân, tổ chức liên quan. Rồi có những nhà báo chỉ thiên về khai thác các vấn đề tiêu cực, vì cho rằng nhà báo dễ thành danh ở mảng đề tài vốn được xã hội quan tâm mà không hề cân nhắc đến trách nhiệm định hướng và cổ vũ của mình. Trong thực tế, những nhân tố mới, người tốt việc tốt rất nhiều. Nếu phản ánh xã hội chỉ một màu đen thì làm sao định hướng và cổ vũ cho sự phát triển được.

Với nghề báo, khi viết không chân thật, nhà báo phải đối mặt với sự quay lưng của độc giả, họ không còn tin cậy vào nhà báo nữa. Việc tòa soạn suốt ngày đi cải chính thông tin sai thì sẽ giảm sút uy tín, ảnh hưởng trực tiếp đến số phát hành, kinh tế của tờ báo. Trên thực tế, nhà báo có tì vết về sự thiếu trung thực thì rất khó tìm việc. Trong cơ chế thị trường có nhiều cám dỗ hơn, người làm báo càng phải giữ được phẩm chất, để được xã hội kính trọng, đồng nghiệp nể và nhất là được độc giả tin cậy - còn cái giá nào hơn?

Bình Nguyên lược thuật, ảnh: Hà Hữu Nết