Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

03:06, 20/06/2013

Bác Hồ khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã kết hợp tài tình hoạt động cách mạng với hoạt động báo chí và dùng báo chí để làm cách mạng rất thành công. Có thể nói Hồ Chí Minh - nhà chính trị - nhà báo luôn hòa quyện song hành. Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta lại có dịp tìm hiểu và học tập được nhiều điều từ văn phong độc đáo tỏa ra từ những bái nói, bài viết của Người.

Bác Hồ khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã kết hợp tài tình hoạt động cách mạng với hoạt động báo chí và dùng báo chí để làm cách mạng rất thành công. Có thể nói Hồ Chí Minh - nhà chính trị - nhà báo luôn hòa quyện song hành. Kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta lại có dịp tìm hiểu và học tập được nhiều điều từ văn phong độc đáo tỏa ra từ những bái nói, bài viết của Người.

Nói tới văn phong báo chí của Bác Hồ, một số nhà nghiên cứu đã nêu ra những đặc trưng vắn tắt và cô đọng: Chân thực; ngắn gọn; giản dị; sinh động. Chân thực là yêu cầu đầu tiên mà Bác Hồ đặt ra không chỉ với các nhà báo mà với tất cả cán bộ, đảng viên khi nói và viết. Bác thường nhắc nhở cán bộ “viết phải đúng sự thật”, “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”…

Theo Bác, ngắn gọn là “gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực, thấm thía, chắc chắn”. Có những câu nói của Bác đã, đang và mãi mãi lưu truyền như một châm ngôn, một phương châm hành động: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; “Không có gì quý hơn độc lập tự do”; “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”… Với Bác, viết giản dị không phải là đơn giản hóa những điều phức tạp mà do Người thâu tóm được những gì tinh hoa, cốt yếu nhất trong quần chúng. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu, theo Bác phải gần gũi quần chúng, học tập nhân dân để có cách nói, cách viết được quần chúng chấp nhận. Bác Hồ không những am hiểu ngôn từ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Bác đề cao, khẳng định và thiết tha căn dặn chúng ta: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp. Của mình có mà không dùng, lại đi mượn của người nước ngoài, đó chẳng phải là đầu óc quen ỷ lại hay sao?”(1) Và người dặn dò người viết báo “Phải giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Đó là lời dặn dò mang tính định hướng và giáo dục cao vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị đối với những người làm báo. Chính ý tưởng đó đã được thể chế hóa thành một điều trong Luật Báo chí hiện nay “Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, tiếng các dân tộc Việt Nam”(2). Phải chăng, đó là một phong cách mới – phong cách viết báo Hồ Chí Minh, phong cách viết báo Việt Nam. Đây là một trong những bài học quý giá của Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng.

Bác Hồ thường khuyên nhủ các nhà báo phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Nói chuyện ở Đại hội II Hội Nhà báo Việt Nam, Bác phê bình “Cái bệnh dùng chữ là phổ biến trong tất cả các ngành. Đáng lẽ báo chí phải chống lại cái bệnh đó. Cố nhiên, có những chữ không thể dịch được thì ta phải mượn chữ nước ngoài. Ví dụ: những chữ kinh tế, chính trị,…thì ta phải dùng. Hoặc có những chữ nếu dịch ra thì mất cả ý nghĩa như chữ “độc lập”. Nếu “Việt Nam độc lập” mà nói “Việt Nam đứng một”, “du kích” lại nói “đánh chơi” thì không thể nghe được. Nhưng có những tiếng ta sẵn có, thì tại sao lại dùng chữ nước ngoài. Ví dụ: vì sao không nói “đường to” mà lại nói “đại lộ”, không nói “người bắn giỏi” mà lại nói “xạ thủ”, không nói “hát múa” mà lại “ca vũ”(3).

Đến Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác lại nhắc nhở: “Khuyết điểm nặng nhất là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng”. Bác cũng ví dụ: “Không gọi xe lửa mà gọi “hỏa xa”; máy bay thì gọi là “phi cơ”. Nhà nước hoặc nước nhà thì gọi là “quốc gia”, đường lớn thì gọi là “đại lộ”, vẻ vang – “quang vinh”, giúp nhau - “hỗ trợ”. Và có hàng vạn cái mượn như vậy”(4).

Thực ra, làm báo thời nào cũng khó, ngày nay lại càng khó hơn, khi mà sự cạnh tranh thông tin ngày càng trở nên quyết liệt, khi mà trình độ và đòi hỏi của công chúng ngày càng cao. Vì vậy, cùng với việc thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, người làm báo phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để vươn lên thành chuyên gia giỏi về lĩnh vực mình phụ trách, biết phân tích sắc sảo và xử lý thông tin hợp lý, tạo niềm tin cho người đọc.

Điều mà người đọc không hài lòng trong khi trình độ người làm báo không ngừng được nâng cao, bài tin có sức thu hút thì những sai sót về chính tả, văn phạm, sự thiếu chính xác về dùng từ cũng ngày càng nhiều hơn ở trong các ấn phẩm báo chí. Trong thực tế, chúng ta hay bắt gặp những bài viết dùng từ sai nghĩa, nhất là từ Hán Việt. Chẳng hạn “bao biện” là “làm thay” thì được dùng như “ngụy biện” và ngược lại; “cứu cánh” là mục đích cuối cùng được dùng như “cứu vớt”. Có người chúc thọ một người riêng lẻ (cụ ông hoặc cụ bà) lại chúc “bách niên giai lão”. Đây là câu để chúc cả hai vợ chồng đều (giai) sống lâu. Có người đầu năm mới đến phân bua với hội nghị rằng: “Vạn sự khởi đầu năm” do nghe nhầm và hiểu từ “Vạn sự khởi đầu nan” (cái ban đầu thường khó), làm cả hội nghị cười ồ. Có một lý do dễ thông cảm là cả một thời gian dài trong chương trình học phổ thông, học sinh không được học chữ Hán - Nôm, trong khi đó vẫn phải tiếp cận với nó. Do không quan tâm, không hiểu loại chữ này nên không biết, nhưng đáng nói là có người hay thích dùng nên càng sai.

Một số nhà báo lâu năm có kiến thức uyên thâm về ngôn ngữ học đã hết sức thận trọng, nghiêm túc chăm lo văn phong của báo, cố gắng thay từ Hán Việt bằng từ thuần Việt theo cách dùng của Bác như từ “vùng trời, vùng biển” thay cho từ “không phận”, “hải phận” đã quen viết trên sách báo từ lâu. Các đồng chí ấy soạn ra một bảng thống kê những từ Việt thay được như: nhà đất thay cho địa ốc; bản ghi nhớ thay cho bị vong lục, tin buồn thay cáo phó v.v… Những từ viết hoặc nói ra cứ tưởng là đầy đủ, chặt chẽ, nhưng thực ra là trùng lắp như “bước tiến bộ” thì chỉ cần viết “tiến bộ” hoặc “bước tiến” là được, các quý vị viết quý vị hoặc các vị (vì quý là các rồi). Tương tự câu thơ sau:

Nửa đêm, giờ Tý, canh ba
Vợ tôi, con gái, đàn bà, nữ nhi.

(Nửa đêm là giò Tý là canh ba; còn vợ thì phải là con gái, đàn bà, nữ chứ…). Có một ví dụ nữa mà chúng ta hay gặp là một số đồng chí diễn đạt “họp Ban Chấp hành Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Huyện ủy,…”. Họ quên Khoản 2 Điều 9 – Điều lệ Đảng nói “… ở mỗi cấp là ban chấp hành đảng bộ, chi bộ (gọi tắt là cấp ủy)”. Những chữ dùng thừa có thể gạch bớt như: Ngày mai trên địa bàn Đà Lạt có mưa thì chỉ cần viết gọn “Ngày mai Đà Lạt có mưa”, bỏ chữ địa bàn cũng vẫn hiểu.

Trong thời hội nhập quốc tế rất cần vốn ngoại ngữ, nhất là dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Nhưng không vì thế mà lạm dụng bỏ quên tiếng “Mẹ đẻ”. Ai đã từng đến Trung Quốc, các biển hiệu cửa hàng, người ta viết chữ Trung Quốc to ở trên, tiếng Anh nhỏ ở dưới. Đấy là nước lớn có bề dày lịch sử ai bảo họ “kém” ngoại ngữ đâu?

Mọi người đều biết, từ khi Đảng ta ra đời, Bác Hồ cũng như các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Năm 1966, giữa lúc đất nước bị chia cắt, chiến tranh ác liệt, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến Tòa soạn Báo Nhân Dân chủ trì cuộc họp bàn về “giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” với đông đảo các nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước tham dự.

Nhân kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21 - 6, nêu lên một số nhận thức để cùng suy ngẫm, mong rằng sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ báo chí luôn gắn với việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển của tiếng Việt. Mắt sáng, lòng trong, bút sắc để viết hay, viết đúng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với các nhà báo – chiến sĩ cách mạng trên mặt trận báo chí.

(1),(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.2002, t.10, tr.615.
(2) Điều 6, Chương III Luật sửa đổi bổ sung một số điều trong Luật Báo chí, Nxb CTQG, H.1999.
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t.9, tr.412-413.

KIỀU MINH