Đầu xuân nghĩ về xây dựng văn hóa trong Đảng

10:02, 08/02/2016

Khi nói về xây dựng Đảng, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà ít nói xây dựng Đảng về văn hóa. Hiểu như thế không sai, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc; do đó cần phải bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa mà trước nhất là xây dựng về đạo đức, bởi xét cho cùng có thể xem đạo đức là cái gốc của văn hóa. 

Khi nói về xây dựng Đảng, chúng ta thường chỉ nhấn mạnh xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức mà ít nói xây dựng Đảng về văn hóa. Hiểu như thế không sai, nhưng chưa thật đầy đủ, sâu sắc; do đó cần phải bổ sung và nhấn mạnh việc xây dựng Đảng về văn hóa mà trước nhất là xây dựng về đạo đức, bởi xét cho cùng có thể xem đạo đức là cái gốc của văn hóa. 
 
Rực rỡ sắc màu Festival Hoa. Ảnh: PHAN NHÂN
Rực rỡ sắc màu Festival Hoa. Ảnh: PHAN NHÂN
Nói về văn hóa, Đảng ta đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, có ý nghĩa đối với sự tồn vong và phát triển của đất nước. Ở nước ta, Đảng Cộng sản là bộ phận tiên tiến của xã hội, do đó văn hóa phải làm nền tảng cho công việc xây dựng Đảng. Hơn nữa, Đảng ta là “đạo đức, là văn minh” lại càng phải lấy văn hóa làm nền. Phạm trù văn hóa rất rộng, tuy nhiên, khi nói văn hóa làm nền tảng xây dựng Đảng, thì chủ yếu đề cập đến văn hóa trong chính trị, trong nhân cách của cán bộ, đảng viên. 
 
Khi đặt vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng, cần lưu ý:
 
(1) Phải nhận rõ và khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa chính trị và văn hóa. Nền chính trị tiến bộ sẽ thúc đẩy văn hóa phát triển và ngược lại. Mặt khác, văn hóa với những giá trị tiên tiến và nhân văn của nó sẽ đảm bảo cuộc cách mạng chính trị - xã hội tiến bộ, vững chắc. Vai trò lãnh đạo của Đảng và sự còn mất của chế độ nằm ở văn hóa chính trị.
 
(2) Việc xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị không chỉ dừng lại ở đường lối, chủ trương, chính sách mà điều quan trọng hơn cả là phải xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống, nhân cách của các nhà hoạt động chính trị, của cán bộ, đảng viên để làm gương cho xã hội noi theo. Đạo đức, lối sống mẫu mực của các “nhà cầm quyền”, của cán bộ, đảng viên là yếu tố căn bản để đảm bảo văn hóa cầm quyền của Đảng. Đúng như Bác Hồ đã nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
 
(3) Văn hóa chính trị của Đảng không chỉ đòi hỏi phải thật sự gần dân, tin dân, yêu dân, hiểu dân và trọng dân, mà còn phải thực hành dân chủ với dân, biết học hỏi dân và làm học trò dân.
 
(4) Chăm lo phát triển, làm giàu trí tuệ của Đảng có ý nghĩa quyết định đối với lịch sử phát triển của đất nước. Khi một Đảng và các đảng viên có đạo đức, giàu năng lực trí tuệ, thông minh, sáng tạo, xác định rõ ràng mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích chính đáng của nhân dân mà phấn đấu, hy sinh... thì nhất định nhân dân sẽ tin yêu và tôn trọng. Bởi vì, niềm tin của người dân luôn gắn liền với niềm tin vào tấm gương đạo đức, trí tuệ của người cầm quyền.
 
Trước khi giành được chính quyền, chưa có quyền lực, sự lãnh đạo của Đảng ta được thực hiện bằng các giá trị văn hóa (Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943). Đó là những chủ trương, đường lối, chính sách hợp lòng người, những tấm gương mẫu mực về nhân cách của đảng viên. Từ khi có chính quyền, văn hóa cầm quyền của Đảng đã trở thành vấn đề cốt lõi của văn hóa chính trị ở nước ta. Khi nói văn hóa chính trị là nói đến sự thẩm thấu của văn hóa vào trong chính trị; còn nói văn hóa cầm quyền là nói đến sự thẩm thấu của văn hóa vào trong hoạt động cầm quyền. Do đó, nói văn hóa cầm quyền của Đảng cũng có nghĩa là nói đến văn hóa lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị bằng cách nêu gương, là đạo làm gương cho nhân dân noi theo. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã có biết bao cán bộ, đảng viên của Đảng anh dũng hy sinh, cống hiến trọn đời cho dân, cho nước, được nhân dân cảm phục, tin yêu, góp phần to lớn trong việc khẳng định vai trò lãnh đạo và nâng cao uy tín của Đảng. Đó là dẫn chứng hùng hồn, sinh động về văn hóa Đảng. 
 
Đặc biệt, nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng và phát triển văn hóa trong Đảng. Nghị quyết TW 5 (khóa VIII) và gần đây Nghị quyết TW 9 (khóa XI) đều nhấn mạnh vấn đề bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về văn hóa; phải chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế, mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, hay văn hóa và sự cầm quyền của Đảng vẫn còn “thiếu sự gắn bó chặt chẽ” (NQ TW 9). Nghĩa là, văn hóa chưa thật sự thẩm thấu vào hoạt động cầm quyền mà cụ thể là hoạt động lãnh đạo của các đảng viên của Đảng. Tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả đảng viên có chức vụ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vi phạm nguyên tắc của Đảng… cũng chính vì chưa coi trọng đúng mức vấn đề xây dựng văn hóa trong Đảng. Từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ. 
 
Trong bối cảnh hiện nay, đặt vấn đề về chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng nói chung, văn hóa cầm quyền của Đảng - yếu tố cốt lõi của văn hóa chính trị nói riêng, là hết sức đúng đắn và sâu sắc; là nhiệm vụ chính trị vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Đó không chỉ là ý chí chính trị của Đảng, mà còn là tình cảm và nguyện vọng của nhân dân, là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Và nếu thực hiện tốt việc xây dựng văn hóa trong Đảng thì uy tín của Đảng trong lòng dân sẽ không ngừng củng cố và nâng cao; nhân dân ngày càng tin yêu và tự giác thừa nhận vai trò lãnh đạo lâu dài của Đảng. Ngược lại, nếu để suy thoái về văn hóa thì nguy cơ Đảng sẽ đánh mất vai trò lãnh đạo đất nước; Đảng sẽ có lỗi với nhân dân và lịch sử, với các thế hệ đã hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của Đảng.  
 
Từ đó, để xây dựng văn hóa Đảng thực sự có hiệu quả, thiết nghĩ cần thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau đây: 
 
Thứ nhất, phải triển khai thực hiện chủ trương về “chăm lo xây dựng văn hóa trong chính trị”, “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh” mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI (NQ số 33-NQ/TW) đã đề ra. Phải gắn kết chặt chẽ giữa phát triển văn hóa với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, nhất là xây dựng các giá trị văn hóa và môi trường văn hóa trong tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Thứ hai, phải “thực hành dân chủ rộng rãi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc. Bởi vì có dân chủ trong Đảng mới có dân chủ xã hội. Khi nội bộ Đảng thiếu dân chủ sẽ khó có sự đoàn kết, thống nhất và văn hóa cầm quyền của Đảng sẽ bị thủ tiêu. 
 
Thứ ba, tập trung xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân chính là sự “văn minh” trong thể chế Đảng cầm quyền ở nước ta. Đây là yếu tố đảm bảo chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí hiệu quả, đồng thời phát huy cao độ dân chủ; mọi công dân đều có quyền bình đẳng, có cơ hội tham gia các hoạt động xã hội, được hưởng thụ những thành quả phát triển của đất nước.
 
Thứ tư, tăng cường và thường xuyên giáo dục đạo đức, lối sống, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong gương mẫu, ý thức trách nhiệm, tính trung thực và chống suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên; xây dựng nhân cách văn hóa của người cán bộ, đảng viên, công chức. Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp, đặc biệt là những người có chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy nhà nước sẽ là những biểu hiện sinh động nhất, có sức thuyết phục nhất đối với nhân dân về vai trò lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội của Đảng ta. 
 
Thứ năm, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đây được xem là một giải pháp có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xây dựng đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và đó cũng chính là một trong những nội dung cốt lõi trong xây dựng văn hóa Đảng. 
 
Đảng là mùa xuân của dân tộc, mùa xuân đã về, Đảng tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII, mở ra một chặng đường phát triển mới nhanh hơn, bền vững hơn; đất nước ngày càng giàu mạnh, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi người dân Việt Nam càng tin yêu Đảng CSVN, một Đảng có đạo đức - văn minh.
 
VĂN NHÂN