Chọn được người trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm để vào Quốc hội

09:03, 31/03/2016

Cứ 5 năm một lần, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vào Quốc hội và HĐND các cấp. Để bầu chọn được người có đủ phẩm chất đạo đức, thật sự có năng lực ra gánh vác việc nước được đưa ra bàn bạc, tranh luận sôi nổi trước mỗi kỳ bầu cử. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới, vấn đề chọn người tài, đức lại nóng lên ở rất nhiều diễn đàn. Tiêu chí về người lãnh đạo phải có cả tài, đức ở nước ta từ trước đến nay hầu như không thay đổi; tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngoài tiêu chuẩn về tài, đức thì người đại biểu - đại diện cho nhân dân phải có thêm bản lĩnh, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm.

Cứ 5 năm một lần, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vào Quốc hội và HĐND các cấp. Để bầu chọn được người có đủ phẩm chất đạo đức, thật sự có năng lực ra gánh vác việc nước được đưa ra bàn bạc, tranh luận sôi nổi trước mỗi kỳ bầu cử. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV sắp tới, vấn đề chọn người tài, đức lại nóng lên ở rất nhiều diễn đàn. Tiêu chí về người lãnh đạo phải có cả tài, đức ở nước ta từ trước đến nay hầu như không thay đổi; tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, ngoài tiêu chuẩn về tài, đức thì người đại biểu - đại diện cho nhân dân phải có thêm bản lĩnh, dám nghĩ, dám chịu trách nhiệm. 
 
Yêu cầu về chọn được người lãnh đạo, quản lý đất nước có bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm không chỉ là khẩu hiệu suông mà phải được biến thành hành động trong thực tế. Bởi vì, hiện nay, nhiều vấn đề xã hội mới phát sinh đòi hỏi người đại biểu của dân phải thật sự có bản lĩnh, toàn tâm, toàn ý phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân mới đảm đương được. Người lãnh đạo, đại biểu của dân phải đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân lên trên hết, phải lấy hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống thì mới thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ mà nhân dân tin tưởng giao phó. Mặt khác, người đại biểu - đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước không chỉ có trí tuệ, tầm nhìn bao quát ở tầm vĩ mô mà còn phải dấn thân giải quyết những vấn đề cụ thể, bức xúc hàng ngày của người dân.
 
Có thể nói, cách thức, quy trình tuyển chọn, hiệp thương và bầu cử đã được ban hành, quy định khá đầy đủ, chặt chẽ, tuy nhiên làm sao để chọn ra được người thật sự có đức, có tài không bao giờ là dễ dàng. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. Tuy nhiên, có những cán bộ được giao trọng trách đã không làm tròn bổn phận, trách nhiệm với nhân dân, đất nước; có trường hợp do năng lực chuyên môn yếu, thiếu bản lĩnh nên hiệu quả công việc thấp nhưng số khác là do thoái hóa, biến chất về đạo đức nên dính vào tham ô, tiêu cực bị bãi miễn, truy tố. Đặc biệt, là phải chọn được những đại biểu thật sự năng động, luôn trăn trở với những vấn đề của đất nước, bức xúc của cử tri để không còn những đại biểu Quốc hội cả nhiệm kỳ chẳng bao giờ tranh luận, phát biểu hoặc chỉ phát biểu cho có, mang tính đối phó...
 
Để chọn được người thật sự có tài, có đức vào Quốc hội để nói lên tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của người dân, quyết định những chính sách quan trọng của đất nước thì điều quan trọng là phải xem xét chọn được những người qua thực tiễn công tác, biểu hiện phẩm chất đạo đức, lối sống trong sinh hoạt hàng ngày trong một thời gian nhất định. Theo đó, tiêu chuẩn cần quan tâm là năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức của người ứng cử mà không nên quá nặng về cơ cấu, vì nếu nặng về cơ cấu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đại biểu. Việc cơ cấu phải phù hợp, nhất là không quá chênh lệch, ví dụ đưa ra 2 nhân sự để chọn 1 thì phải có sự cân bằng, tương xứng tương đối giữa 2 ứng cử viên, hạn chế tình trạng nhiều nhân sự được đưa ra ứng cử chưa đúng tầm, chưa phù hợp.
 
Để đất nước đạt được những thành tựu như ngày hôm nay, vai trò của đại biểu Quốc hội là rất lớn. Đất nước ta đang trong thời kỳ hội nhập rất sâu rộng, đòi hỏi trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội cao hơn nữa. Các đại biểu phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trước dân. Nhiệm vụ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội khóa tới là rất nặng nề. Chính vì vậy, trong cuộc bầu cử lần này, phải thật sự lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài, đủ tầm bầu vào Quốc hội để gánh vác, giải quyết các vấn đề quan trọng của đất nước và phản ánh ý chí, nguyện vọng của cử tri, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.       
 
 UYÊN THẢO