Chủ động phòng, chống thiên tai luôn là nhiệm vụ quan trọng

06:07, 08/07/2016

Là địa bàn nam Tây Nguyên của Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino ngày càng gây thiên tai khốc liệt hơn, hạn hán nghiêm trọng.

Là địa bàn nam Tây Nguyên của Việt Nam, tỉnh Lâm Đồng chịu nhiều ảnh hưởng thiên tai. Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino ngày càng gây thiên tai khốc liệt hơn, hạn hán nghiêm trọng. Đánh giá nghiêm túc, bàn giải pháp hữu hiệu nhất trong công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) là những nội dung được bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh ngày 8/7, dưới sự chủ trì của ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lâm Đồng.   
 
Toàn cảnh buổi làm việc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chủ trì hội nghị trực tuyến toàn tỉnh

Lâm Đồng có mức thiệt hại cao hơn cả nước
 
Tỉnh Lâm Đồng vào năm 2015, tổng diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán và thiếu nước là 31.976 ha cà phê, 242,80 ha lúa và 231 ha rau màu. Sương muối gây thiệt hại đến sinh trưởng, phát triển, năng suất của 1.180 ha cây trồng, đặc biệt là với cà phê thời kỳ ra hoa ở Lạc Dương, Lâm Hà và Đà Lạt. Năm 2015, tỉnh có khoảng 22 đợt mưa lớn, 4 đợt mưa đá, 10 đợt lốc xoáy, 2 đợt sét, 2 vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân. Thiên tai trong năm làm 6 người chết (do lũ cuốn trôi, sét đánh, cây ngã đổ); 10 người bị thương; 37 nhà bị đổ sập, cuốn trôi; 517 nhà bị tốc mái, hư hại; 81 nhà bị ngập nước; 12,89 ha nhà kính trồng hoa bị hư hại; 360 ha hoa màu bị thiệt hại; 1.244 ha cây công nghiệp dài ngày bị thiệt hại v.v… Ước tổng thiệt hại khoảng 139,12 tỷ đồng. 
 
Trong 6 tháng đầu năm 2016, tỉnh xảy ra 1 đợt hạn hán nghiêm trọng, 2 đợt mưa đá, 10 đợt mưa lớn kèm lốc xoáy, 1 vụ sét đánh làm 2 người chết, 2 người bị thương, 202 nhà bị tốc mái, hư hại; 630 ha lúa và 210 ha rau hoa bị thiệt hại; 30.439 ha cây công nghiệp dài ngày bị ảnh hưởng giảm năng suất, hơn 7.000 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt. Ước thiệt hại kinh tế do thiên tai khoảng 108 tỷ đồng, trong đó hạn hán khoảng 179 tỷ đồng.
 
Tích cực ứng phó với thiên tai
 
Mọi cấp, mọi ngành phải chủ động các phương án ứng phó trước những diễn biến phức tạp của khí hậu, môi trường nói chung và thiên tai nói riêng để giảm thiểu đến mức thấp nhất đối với con người và tài sản, ông Phạm S nhấn mạnh.
Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến công tác PCTT như thành lập Ban chỉ huy PCTT&TKCN; ban hành nhiều văn bản cụ thể, kịp thời và sát sao để chỉ đạo và triển khai thực hiện. Năm 2015, tỉnh đã phân bổ 35.202,73 triệu đồng kinh phí PCTT. Các tháng đầu năm 2016, tỉnh đã phân bổ 51.934,00 triệu đồng kinh phí khắc phục hạn hán (trong đó 42,7 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức; 9,234 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh). 
 
Theo ông Lê Chinh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, mặt được trong công tác PCTT của Lâm Đồng là tích cực và chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ và phát triển hệ thống ao hồ nhỏ phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu đến năm 2020 phát triển thêm hơn 5.500 ao, hồ nhỏ tương ứng hơn 550 ha mặt nước, phục vụ tưới hơn 8.300 ha sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, nghiêm túc nhìn nhận, tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn cần có các biện pháp khắc phục. Trước hết, các địa phương cần xây dựng và phê duyệt kế hoạch PCTT theo đặc điểm riêng từng vùng; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác PCTT; nâng cao nhận thức của cộng đồng… Thường xuyên kiểm tra những vị trí có nguy cơ sạt lở, tắc nghẽn để xử lý kịp thời; chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình tại vị trí có nguy cơ sạt lở có biện pháp đảm bảo an toàn; khi có thiên tai xảy ra, cần huy động toàn lực lượng triển khai công tác TKCN chủ động, đồng bộ, khẩn trương và có hiệu quả…
 
Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, những tháng còn lại năm 2016 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina. Vì vậy, cần triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/3/2016 của UBND tỉnh về tăng cường công tác PCTT& TKCN giai đoạn 2016-2020 và Công điện số 2201/CĐ-UBND ngày 27/4/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác chỉnh trang, đảm bảo an ninh, trật tự đô thị, an toàn giao thông và PCTT mùa mưa lũ. Nhiều giải pháp khác đồng thời cần thực hiện triển khai như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thủy lợi, quy hoạch nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; triển khai đề án hỗ trợ phát triển hệ thống ao, hồ; tuyên truyền, vận động; hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch thời vụ…
 
Sau khi nghe báo cáo dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn; công tác PCTT&TKCN của các địa phương huyện, thành phố và một số ngành, đơn vị của tỉnh, ông Phạm S đánh giá những kết quả đạt được; lưu ý những vấn đề cụ thể và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị. Ông cũng chỉ đạo những nội dung việc làm và giải pháp cụ thể theo đặc điểm của từng địa phương, từng ngành liên quan. Mọi cấp, mọi ngành phải chủ động các phương án ứng phó trước những diễn biến phức tạp của khí hậu, môi trường nói chung và thiên tai nói riêng để giảm thiểu đến mức thấp nhất đối với con người và tài sản, ông Phạm S nhấn mạnh.
 
MINH ĐẠO