Một vài suy nghĩ về nghề tuyên giáo - công tác tư tưởng của Đảng

09:07, 28/07/2016

Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân

Công tác tuyên giáo là bộ phận cấu thành đặc biệt trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đây là lĩnh vực trọng yếu của công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, góp phần quan trọng vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến quần chúng nhân dân, biến chủ trương, đường lối, chính sách ấy thành hành động cách mạng một cách tự giác của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. 
 
Trao giải thể thao, văn nghệ nhân Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo. Ảnh: HỮU SANG
Trao giải thể thao, văn nghệ nhân Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo.
Ảnh: HỮU SANG

Trong tình hình hiện nay, công tác tuyên giáo gặp không ít khó khăn. Nhiều cán bộ “ngại, sợ” khi được phân công về công tác tuyên giáo, nhất là hiện nay khi “vật chất” phần nào chi phối đến tâm tư, suy nghĩ, cuộc sống của từng con người. Đối với các đồng chí làm công tác tuyên giáo lâu năm, thì kinh nghiệm về nghề, bản lĩnh chính trị không cần phải bàn nhiều. Nhưng đối với những cán bộ trẻ thì đối mặt và vượt qua những khó khăn trong nghề không phải dễ.
 
Thông thường, cán bộ trẻ làm công tác tuyên giáo thường non nớt kinh nghiệm. Đó cũng là điều dễ hiểu. Vì, sự hiểu biết, kinh nghiệm nghề nghiệp của cán bộ tuyên giáo thường phải có thời gian dài công tác mới tham mưu sâu cho lãnh đạo và mới nói thông, viết thạo được. Một số cán bộ trẻ chưa nhận thức được những gì cần phải làm, và chưa biết phải làm như thế nào, nhất là khi mới vào ngành. Một số cán bộ tuyên giáo, chỉ làm công việc ở mức độ phản ánh, báo cáo khi có yêu cầu mà chưa chủ động nhìn thấy sự việc và tham mưu kịp thời. Trong công tác tuyên truyền miệng, khi cán bộ tuyên giáo trẻ đứng trước hội nghị để truyền đạt, nhất là những hội nghị có các bác, các chú lớn tuổi, hoặc giữ những cương vị quan trọng của Đảng, chính quyền thường hay bị “khớp”, dễ bị nhận xét là “vắt mũi chưa sạch mà dám dạy đời” cũng là áp lực không nhỏ cho những lần trình bày sau.
 
Để làm tuyên giáo thật sự có hiệu quả trong giai đoạn như hiện nay, cán bộ làm công tác tuyên giáo cần trang bị, tích lũy cho mình các yếu tố về trình độ, năng lực, phẩm chất của người làm tuyên giáo.
 
Về trình độ, phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng chính trị vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, phải có “tâm” và “tầm”. Đây là tiêu chí đầu tiên rất quan trọng. Là cầu nối giữa nhân dân với Đảng, là người gieo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, vì vậy bản thân các cán bộ làm công tác tuyên giáo phải có bản lĩnh chính trị, tư tưởng, sự kiên định vững vàng và đạo đức, lối sống để nâng cao tính Đảng, tính chiến đấu và tính thuyết phục của công tác tuyên giáo. Công tác tuyên giáo là một khoa học tổng hợp, bao hàm nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau, như: Tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, giáo dục và đào tạo, báo chí - xuất bản, văn hóa - văn nghệ, điều tra dư luận xã hội... Để công tác tuyên giáo đạt hiệu quả cao, mỗi cán bộ tuyên giáo phải có sự hội tụ giữa cái “tâm” say mê, nhiệt huyết, gắn bó với công việc và cái “tầm” của tri thức khoa học. 
 
Cái tâm của mỗi cán bộ tuyên giáo thể hiện rõ trong sự kiên định với lý tưởng, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; là bản lĩnh vững vàng, không bị tác động, ảnh hưởng của những cám dỗ bên ngoài xã hội, bị tác động của những thông tin chống phá Đảng, Nhà nước; dù ở đâu, mỗi bài viết, bài nói đều phải theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng để tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
 
Cái tầm lại thể hiện ở sự am hiểu sâu sắc, ở trình độ chuyên môn được đào tạo cơ bản trên một nền tảng văn hóa vững chắc. Cái tầm của người cán bộ tuyên giáo ngày nay thể hiện sự nhạy bén, chủ động, sáng tạo trong mọi hoàn cảnh; dám nghĩ, dám làm trong đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; sự thông thạo trong ứng dụng khoa học, công nghệ vào công việc một cách hiệu quả; có khả năng dự báo tình hình và nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội. Có như vậy, mỗi cán bộ tuyên giáo mới thật sự là những chuyên gia trong mỗi lĩnh vực cụ thể, góp phần đưa ra những ý kiến tham mưu chính xác, nhạy bén, linh hoạt, hiệu quả cho công tác tuyên giáo của Đảng. 
 
Vấn đề thứ hai, người làm tuyên giáo, trước hết phải có năng lực nói và viết. Nói tốt, để đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền miệng - một mảng lớn trong công tác tuyên truyền, dễ dàng vận dụng linh hoạt, thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, phù hợp các nhóm đối tượng người nghe. Viết tốt, để góp phần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện truyền thông, phục vụ công tác tuyên truyền một cách bài bản, mang tính học thuật, nghiên cứu sâu về công tác tuyên giáo. Đối với người làm công tác tuyên giáo, hai hoạt động nói và viết phải được vận dụng song hành, nhuần nhuyễn. Sẽ không thể là cán bộ tuyên giáo giỏi nếu chỉ biết nói hay; cũng không phải cán bộ tuyên giáo giỏi nếu chỉ viết tốt.  
 
Vấn đề thứ ba, cán bộ tuyên giáo phải bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với nhân dân. Công tác tuyên giáo phải gắn với thực tiễn cuộc sống. Cán bộ làm công tác tuyên giáo phải chịu đi sâu, đi sát thực tế, để kịp thời giải đáp những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đắm mình vào thực tiễn, gần gũi với nhân dân, cán bộ tuyên giáo mới có thể phát hiện được những diễn biến tư tưởng, tâm trạng xã hội nảy sinh, những “điểm nóng”, những tình huống tư tưởng, trên cơ sở đó kịp thời tham mưu, đề xuất những dự báo, giải pháp công tác tư tưởng, công tác tuyên giáo. Hướng mạnh về cơ sở, cán bộ tuyên giáo mới có thể nhìn thấy rõ hơn những nhân tố mới, những kinh nghiệm hay để tổng kết và phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội. Gắn với thực tiễn cũng chính là để mỗi cán bộ tuyên giáo phát hiện, đánh giá hiệu quả đi vào cuộc sống của các nghị quyết của Đảng. Có như vậy, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo mới sinh động, giàu sức sống và có tính thuyết phục. 
 
Vấn đề cuối cùng, trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền” như hiện nay, cán bộ làm tuyên giáo phải chịu khó, tâm huyết thì mới có thể bám với ngành, với nghề. Ngành nghề nào cũng cần sự hết lòng, tâm huyết với công việc, nhưng với những người làm tuyên giáo thì càng cần hơn, bởi nếu không tâm huyết thì chắc chắn không làm được. Và trên hết, các thế hệ đi trước hãy quan tâm, dạy dỗ, chỉ bảo nhiều hơn nữa, mạnh dạn giao việc và tin tưởng hơn vào đội ngũ cán bộ trẻ làm công tác tuyên giáo để họ xứng đáng là lớp kế cận của các anh, các chú sau này, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tư tưởng của Đảng trong những giai đoạn tiếp sau.
 
Đức Hạnh