Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở

05:11, 10/11/2016

Về tận nơi, tận mắt chứng kiến, đó chắc chắn là cách hay nhất, gần gũi nhất để những người lãnh đạo của Ðảng và chính quyền có thể tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất giúp cho đời sống của người dân ở những vùng quê nghèo sớm tháo gỡ được những khó khăn, ràng buộc, sớm khoác cho mình bộ áo cũng như khuôn mặt có được sự phồn thịnh và tươi mới. 

Về tận nơi, tận mắt chứng kiến, đó chắc chắn là cách hay nhất, gần gũi nhất để những người lãnh đạo của Ðảng và chính quyền có thể tìm ra biện pháp hữu hiệu nhất giúp cho đời sống của người dân ở những vùng quê nghèo sớm tháo gỡ được những khó khăn, ràng buộc, sớm khoác cho mình bộ áo cũng như khuôn mặt có được sự phồn thịnh và tươi mới. 
 
Trao đổi với người trồng rau tại Đơn Dương.  Ảnh: V.Báu
Trao đổi với người trồng rau tại Đơn Dương. Ảnh: V.Báu
Trong 2 ngày (9-10/11), đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh đã có chuyến đi như vậy ở Đức Trọng và huyện nông thôn mới Đơn Dương.
 
Ở Pró, Tu Tra (Đơn Dương) hay Đa Quyn, Tà Năng (Đức Trọng), hàng ngày chính người dân nơi đây vẫn đang cảm nhận được sự đổi thay. Không còn những con đường sình lầy, trơn trượt, không còn những bữa ăn phải độn dày khoai, mì thiếu chất… như độ mươi năm về trước. Dẫu vẫn còn nhiều những khó khăn không dễ để xóa bỏ trong ngày một, ngày hai nhưng ở chính mảnh đất mà họ đã từng gắn bó, người dân hơn lúc nào hết đã thấy được hy vọng từ chính công sức mà mình bỏ ra trên mảnh đất lâu nay vẫn được xem là đất nghèo. 
 
Ở Đa Quyn, một trong 3 xã nghèo nhất tỉnh, với tỷ lệ theo tiêu chí đa chiều, vẫn còn trên 30% hộ nghèo, giờ đã không còn lo nhiều về miếng cơm manh áo thường nhật. Trên ruộng vườn cũ, bên cạnh những cây trồng truyền thống giờ đã xuất hiện nhiều hơn những diện tích canh tác rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, với những nhà vườn, nhà kính, màng phủ polymer…
 
Người dân Tà Năng thoát ra khỏi khó khăn, họ đã biết chăm lo cho cuộc sống của mình và gia đình nhiều hơn bằng việc làm giàu. Sẽ rất khó hình dung nếu không phải tận mắt chứng kiến, một xã nổi tiếng khó khăn như Tà Năng giờ đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng/năm. Con số ấy không nhiều so với những địa danh có nền tảng và thực lực mạnh khác trong tỉnh, nhưng chừng đó đã là minh chứng rõ nét để hiểu rõ hơn khái niệm đổi thay và so sánh với sự thiếu hụt, túng thiếu của hơn 10 năm về trước.
 
Pró, xã khó khăn nhất trong huyện nông thôn mới (NTM) Đơn Dương với 19% hộ nghèo theo tiêu chí mới (phần lớn rơi vào những gia đình trẻ người đồng bào DTTS mới tách hộ) cũng đã hoàn thành 17/19 tiêu chí (tiêu chí giao thông nông thôn và nhà ở dân cư còn thiếu). Thoát ra hình ảnh của một xã nghèo và trì trệ, Pró hôm nay đã không lùi lại, tự đánh mất cơ hội của mình với những lợi thế sẵn có. 
 
Nói như đồng chí Trần Tấn Xí - Bí thư Đảng ủy xã Pró: “Với bình quân mỗi người hơn 1 ha đất sản xuất nông nghiệp màu mỡ, chúng tôi nghĩ không có lý do gì để người dân không có cơ hội vươn lên, thoát khỏi đói nghèo”. 
 
Những ngày này, không phải ở trong những cuộc họp mà về tận cơ sở, lắng nghe được những gì người dân và địa phương làm, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến cũng đã chia sẻ: “Muốn phát triển một nền nông nghiệp bền vững, toàn diện để có thể hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại sau năm 2020, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào tiềm lực về con người, đất đai, khí hậu sẵn có, đặc biệt phải tin tưởng vào thế hệ nông dân mới, những người kế thừa và làm chủ nông thôn tương lai. Trong giai đoạn này, công cuộc hội nhập, không cho phép chúng ta dừng lại, tự bằng lòng với chính mình. Cơ hội thay đổi để thoát khỏi nghèo đói, kém phát triển phải do chính người dân chúng ta ý thức và tự thay đổi, cơ hội ấy do chính bản thân mỗi người dân, mỗi gia đình phải tự quyết định”.
 
Bí thư Tỉnh ủy thăm Trang trại rau công nghệ cao Phong Thúy (Phú Hội, Đức Trọng)
Bí thư Tỉnh ủy thăm Trang trại rau công nghệ cao Phong Thúy (Phú Hội, Đức Trọng)
Vấn đề mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt ra, được dẫn chứng bằng hình ảnh của xã Quảng Lập (Đơn Dương). Một xã anh hùng, một xã không được chọn làm xã điểm xây dựng NTM nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây xem nhiệm vụ xây dựng NTM là mục tiêu hàng đầu. Quảng Lập được công nhận là xã NTM cuối năm 2013 và bây giờ tiếp tục xây dựng chất lượng NTM, là xã đi đầu trong nhiều phong trào thi đua không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của huyện, tất cả điều đó được đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch xã Nguyễn Bình Trị giải thích gói gọn trong một câu: “Tất cả những gì chúng tôi làm được, hoàn toàn nhờ vào sự đồng thuận của nhân dân”. Từ một xã “đi sau” nhưng đã “về trước”, chỉ còn 6 hộ nghèo (rơi vào những hoàn cảnh gia đình có người bị bệnh hiểm nghèo, neo đơn); thu nhập bình quân đạt 56 triệu đồng/người/năm; đóng góp ngân sách năm này cao hơn năm trước. 
 
Điều này được đồng chí Nguyễn Xuân Tiến nhấn mạnh: Chất lượng sống phải được đặc biệt chú trọng, trước đây nghèo khó thì lo cái ăn, bây giờ làm ra tiền phải chăm lo cho đời sống, chứ không phải để đi chữa bệnh.
 
Dù ở các xã nghèo như Pró, Đa Quyn, vừa mới thoát nghèo như Tà Năng, Tu Tra, hay đã khẳng định sự vươn lên như Quảng Lập vẫn luôn còn những khó khăn, bởi công cuộc xây dựng NTM của họ mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, phía trước vẫn còn nhiều thách thức. 
 
Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí lãnh đạo sở, ban, ngành trong đoàn công tác vẫn luôn trăn trở một câu hỏi, đã có sự phát triển tương đối tốt nhưng liệu đã bền vững hay chưa? Câu trả lời là chưa! Các điều kiện về con người, thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nguyên liệu đều đáp ứng, không sợ thiếu hụt, nhưng các xã vẫn chưa có được sự lột xác một cách mạnh mẽ, đó chính là sự liên kết và thương hiệu.
 
Giống như người trong cuộc, tất cả vấn đề mà Bí thư Tỉnh ủy trao đổi đều hướng tới mục tiêu, phải làm sao tìm ra phương thức hữu hiệu nhất, để có thể tháo gỡ khó khăn cho chính người dân, hay xa hơn là cho cả vùng nông thôn của mảnh đất này.
 
Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: cái thiếu lớn nhất của mình vẫn là sự liên kết, điều này dẫn tới sự thiếu ổn định.
 
Từ những diện tích nhỏ nhà lưới của những người nông dân mới bắt đầu bước vào “cuộc chơi” công nghệ cao trong sản xuất ở Đa Quyn, Pró, đến những trang trại quy mô nhiều tỷ đồng của các “ông lớn” như Phong Thúy (Phú Hội - Đức Trọng), Winco (Đà Loan - Đức Trọng)… đều khẳng định rằng, mục tiêu hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại của Lâm Đồng là hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế và nằm trong khả năng. Cái thiếu lớn nhất, có lẽ là sự bỡ ngỡ của nhiều người dân đối với “sân chơi” này. 
 
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế tại xã nghèo Đạ Quyn
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh khảo sát thực tế tại xã nghèo Đạ Quyn
Phát biểu đối với Đảng bộ và chính quyền ở từ huyện đến xã, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến chỉ đạo: chúng ta cương quyết không chạy theo thành tích, phải đảm bảo được tính bền vững, trên hết phải tìm được sự đồng thuận của nhân dân, cái gì bức xúc, cần thiết nhất, chúng ta phải ưu tiên và tìm cách tháo gỡ trước, tôi tin chúng ta sẽ sớm hoàn thành được mục tiêu.
 
Không phải ở trên những bản báo cáo, về cơ sở để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư của người dân, sự khó khăn của cấp ủy, chính quyền cơ sở - con đường ấy chắc chắn sẽ là con đường nhanh nhất tìm được sự hưởng ứng, đồng lòng nhiệt thành của người dân. Và chắc chắn đó cũng là con đường xóa bỏ nghèo đói nhanh nhất.
 
Ghi chép: T.LINH - V.BÁU