Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển

03:05, 17/05/2017

(LĐ online) - Sáng ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với chủ đề "Đồng hành cùng Doanh nghiệp", Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ; hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.

(LĐ online) - Sáng ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với chủ đề “Đồng hành cùng Doanh nghiệp”, Hội nghị thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, phục vụ; hỗ trợ để doanh nghiệp thực sự là động lực phát triển của đất nước.
 
Ông Nguyễn Xuân Tiến- UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng; ông Đoàn Văn Việt- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng; ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng
Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, tham dự có ông Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lâm Đồng; ông Đoàn Văn Việt - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện lãnh đại các sở, ngành, địa phương toàn tỉnh.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hôm nay tôi đứng trước cộng đồng doanh nghiệp cùng toàn thể quý vị, nhớ lại cách đây 1 năm hội nghị với doanh nghiệp được tổ chức tại TP HCM. Hội nghị lần 1 không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho doanh nghiệp mà cho cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong bối cảnh còn nhiều tồn tại và thách thức. Tôi tin rằng, các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh bình đẳng. Chính phủ và Thủ tướng hiểu rằng đó là những bước đi đầu tiên. Kết quả còn khiêm tốn, chúng ta còn nhiều việc phải làm phía trước vì còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp”.
 
Nội dung chính của hội nghị là đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp hiến kế, kiến nghị; các bộ, ngành, địa phương trao đổi, thảo luận với doanh nghiệp để giải quyết các vướng mắc, kiến nghị.
 
Tỉnh Lâm Đồng từ đầu năm đến cuối tháng 3/2017 có 241 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng lý 1.067,6 tỷ đồng, tăng 17% về số doanh nghiệp. Tính đến ngày 27/3/2017, tổng số doanh nghiệp còn tư cách pháp nhân trên địa bàn tỉnh là 6.602 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 61.211 tỷ đồng, tăng 621 doanh nghiệp so với năm 2016. Về thu hút đầu tư nước ngoài, toàn tỉnh có 104 dự án còn hiệu lực hoạt động với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 522,1 triệu USD; Thu hút vốn trong nước có 814 dự án đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký 112.140,84 tỷ đồng trên quy mô diện tích 73.918ha.
 
Năm 2016, Lâm Đồng xếp thứ 27/62 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thuộc nhóm khá.

Theo báo cáo của hội nghị: Trong năm 2016, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức “kỷ lục” với 110,1 nghìn doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 891,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,2% về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký so với năm 2015. Riêng 4 tháng đầu năm đã có thêm 39.580 doanh nghiệp mới thành lập, nâng tổng số doanh nghiệp đã đăng ký thành lập đến ngày 30/4/2017 lên 1.090.731 doanh nghiệp. Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2016 đã giảm đáng kể so với năm 2015 với 73.145 doanh nghiệp (giảm 9,5% so với năm 2015), trong đó có 12.478 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể và 60.667 doanh nghiệp gặp khó khăn phải ngừng hoạt động. Đặc biệt có những điểm sáng ở các vùng khó khăn như khu vực Tây Nguyên, nơi có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký kinh doanh đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất so với cả nước. 

 
Việc ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trong thời gian ngắn “kỷ lục”, với các mục tiêu nguyên tắc, nhiệm vụ giải pháp hiệu quả, khả thi và phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, thân thiện nhằm xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. 
 
Các nhiệm vụ, giải pháp đưa ra trong Nghị quyết là những giải pháp dài hạn, cả nhiệm kỳ, cần có thêm thời gian để thấy rõ những tác động tích cực, những mặt hạn chế, tuy vậy qua kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là “tương đối tích cực”, “tích cực” và “rất tích cực”, chỉ có 25% doanh nghiệp cho biết chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp này.
 
Bộ trưởng bộ Kế hoạch đầu tư- Nguyễn Chí Dũng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua từ phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách và thực thi vẫn còn một số vấn đề tồn đọng gồm: Chưa giải quyết triệt để về sự thống nhất luật dẫn đến vướng mắc về đất đai, đầu tư; Tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề. 3 bộ cùng quản lý an toàn thực phẩm gồm Công Thương, Nông nghiệp, Y tế; Quy định thuế, hải quan chưa rõ ràng. Chi phí nộp thuế Việt Nam cũng cao nhất khu vực, 39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singapore. Trong khi đó, tốc độ tăng lương tối thiểu 8% nhưng năng suất lao động chỉ 4%.
 
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đưa ra thông tin: Kể từ Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới cơ quan nhà nước. Đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết và trả lời đạt tỷ lệ 77,4%. Việc triển khai Nghị quyết 35 đã tạo chuyển biến tích cực trong tư tưởng, nhận thức của đội ngũ, cán bộ, công chức các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt về lề lối, tác phong và thái độ phục vụ. Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra các hạn chế: Công tác cải cách thủ tục hành chính như hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức năng lực còn hạn chế, gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vẫn thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, đón tiếp thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.
 
Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng đã có nhiều kiến nghị xoay quanh các vấn đề: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các dự án đường cao tốc, dự án bất động sản, giải phóng mặt bằng trong việc triển khai dự án tại các địa phương, sữa tươi đạt chuẩn cho trẻ em, cầu trúc thị trường bán lẻ, cải thiện minh bạch trong môi trường đầu tư, tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, công tác kiểm tra liên ngành hàng hoá… 
 
Đồng thời đưa ra các giải pháp để tiếp tục thực hiện 05 nhóm giải pháp đã được đề ra tại Nghị Quyết trên cơ sở các đề xuất và kiến nghị của các doanh nghiệp với một số trọng tâm: Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. 
 
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần làm việc nói phải đi đôi với làm” và cho biết Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp đã được ký.
 
Thủ tướng cũng khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải. Chính phủ khẳng định sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế. Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng phải thực hiện những nhiệm vụ này.
 
Với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp “năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp.
 
Diễm Thương