Đam Rông: Chuyển biến sau Chỉ thị 10

08:06, 07/06/2017

Đam Rông là huyện nghèo được thành lập muộn nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy, trước đây hoạt động của nhiều tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn còn yếu. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 10 về "Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ" đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.

Đam Rông là huyện nghèo được thành lập muộn nhất ở tỉnh Lâm Đồng. Bởi vậy, trước đây hoạt động của nhiều tổ chức cơ sở (TCCS) đảng trên địa bàn còn yếu. Việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 10 về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Đam Rông vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
 
Theo đánh giá từ Ban Tổ chức Huyện ủy Đam Rông: Đảng bộ huyện Đam Rông hiện có 33 TCCS đảng với 1.500 đảng viên; trong đó, có 13 đảng bộ và 20 chi bộ trực thuộc Huyện ủy. Trước khi có Chỉ thị 10, việc tổ chức sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức, các chi bộ còn lúng túng trong việc xác định nhiệm vụ chính trị, nội dung chủ yếu chỉ là quán triệt, triển khai nhiệm vụ cấp trên giao. Sinh hoạt chi bộ chủ yếu nặng về phổ biến, quán triệt hoặc bàn nhiều về nhiệm vụ chuyên môn, chưa chú trọng đi sâu vào công tác tư tưởng chính trị, kiểm điểm vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của chi bộ cũng như tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ. Đối với chi bộ cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang thường lẫn lộn giữa sinh hoạt Đảng với triển khai đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, có nơi còn đồng nhất giữa nội dung sinh hoạt chi bộ với họp cơ quan. Đảng viên dự sinh hoạt ít thảo luận, góp ý… 
 
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Huy - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đạ Tông khẳng định: Tất cả 16 chi bộ thuộc Đảng bộ xã đều có chuyển biến tích cực trong sinh hoạt sau khi thực hiện Chỉ thị 10. Cụ thể, các chi bộ đã thực hiện tốt việc mở rộng và phát huy dân chủ nhất là khi thảo luận để đưa ra nghị quyết cho các vấn đề quan trọng. Tất cả các đảng viên trong sinh hoạt đều phải đóng góp ý kiến, thậm chí thẳng thắn phê bình, đấu tranh trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, tuyệt đối không phát biểu ngoài cuộc họp, không gây mất đoàn kết nội bộ, tạo được tính thống nhất cao trong chi bộ, đảng viên. Sinh hoạt chi bộ đi sâu phân tích, đánh giá về công tác lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ nhất là việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cho bà con. 
 
Đồng chí Rơ Jê Ha Ni, Bí thư Chi bộ thôn Đa Kao 1, xã Đạ Tông cho biết: Nhờ chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền cũng như lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nên hiện nay 100% người dân trong thôn đã chuyển từ trồng điều kém chất lượng sang trồng cà phê. Trong chi bộ đã có sự phân công phân nhiệm cụ thể cho 7 đảng viên để phụ trách đồng hành, giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn vươn lên phát triển kinh tế. Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải đi đầu trong việc xây dựng các mô hình cụ thể. Như đảng viên Rơ Ông Ha Lip với mô hình trồng rau xanh, đảng viên Cil Ka Mai với mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản… Từ đó nhận thức của bà con dần chuyển biến. Các hộ trong thôn đã biết rào vườn trồng rau và chăn nuôi có chuồng trại. Nhờ vậy từ 63 hộ nghèo năm 2012, hiện nay, Đa Kao 1 chỉ còn 30 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Nếu như năm 2010, toàn xã Đạ Tông trung bình thu nhập 4,5 triệu đồng/người/năm thì hiện 116 hộ dân thôn Đa Kao 1 đã có mức thu nhập 19 triệu đồng/người/năm.
 
Còn tại xã Đạ M’ Rông, trong 10 năm qua, tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ định kỳ đạt trên 90%. Đặc biệt, các đảng viên ở chi bộ nông thôn ngày càng nhận thức tốt vai trò của người đảng viên, hạn chế được tối đa việc các đảng viên không tham gia sinh hoạt chi bộ hoặc vắng sinh hoạt không có lý do. Trung bình mỗi năm mỗi chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề một lần. Riêng ở các chi bộ nông thôn, sinh hoạt chuyên đề chủ yếu về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chăn nuôi có chuồng trại, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, vận động học sinh ra lớp, sinh đẻ có kế hoạch… Nhờ chọn các vấn đề sát với đời sống nên tạo được không khí hứng khởi thực hiện trong từng đảng viên và nhân dân. Các vấn đề được bàn bạc cụ thể để xây dựng thành nghị quyết thực hiện với sự phân công phân nhiệm cho từng đảng viên hay nhóm đảng viên phụ trách theo địa bàn cụ thể, nên đã đạt được kết quả thiết thực trong quá trình thực hiện.
 
Ghi nhận tại Đảng bộ xã Đạ Long, đồng chí Dơng Gur Ha Jăk, Bí thư Đảng ủy xã nói: Sau thực hiện Chỉ thị 10, sinh hoạt tại các chi bộ đã có nhiều chuyển biến. Nội dung các buổi sinh hoạt chi bộ đã được nâng lên về chất lượng. Đa phần đã đề cập tới những vấn đề thiết thực mà bà con quan tâm như sản xuất nông vụ, chuyển đổi giống cây trồng, trồng, quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng NTM… Từ đó có hướng đi cụ thể trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đồng thời tạo được lòng tin của bà con nhân dân. Việc sinh hoạt chi bộ có hiệu quả đã giúp các đảng viên nắm rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên công tác tuyên truyền phổ biến được thực hiện hiệu quả hơn. Bởi vậy, phong trào toàn dân chung tay, góp công, góp đất xây dựng đường NTM ở Đạ Long diễn ra sôi nổi. 100% người dân trong xã tham gia các đội PCCC rừng, bà con chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang trồng cây cà phê thu nhập khả quan hơn so với sản xuất lúa nước…
 
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10, Huyện ủy Đam Rông đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện. Trong đó, chú trọng gắn thực hiện Chỉ thị với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương. 
 
NGỌC NGÀ