Chăm lo người có công là trách nhiệm và vinh dự to lớn

09:07, 24/07/2017

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ". Do đó, việc chăm sóc cho các đối tượng này là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ”. Do đó, việc chăm sóc cho các đối tượng này là vinh dự, là trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội, của thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: V.Báu
Thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: V.Báu
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm nhiều việc tốt để tỏ lòng biết ơn thương binh, gia đình liệt sĩ và những người có công với nước và lấy ngày 27/7 hàng năm là Ngày Thương binh, liệt sĩ (TB, LS). Hàng nghìn văn bản của Đảng, Nhà nước về TB, LS, người có công với nước đã được ban hành; chính sách ưu đãi người có công với cách mạng ngày càng được hoàn thiện, từng bước đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của các đối tượng. Số người hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng đã có tác dụng khích lệ, động viên hết sức to lớn. Cùng với đó, sự nỗ lực vươn lên của chính cá nhân thương binh, bệnh binh, người có công càng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trở thành tấm gương tiêu biểu cho các đối tượng, thế hệ noi theo. 
 
Phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ đã phát triển rộng khắp; hầu hết các địa phương, đơn vị đều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên cả cộng đồng tham gia chăm sóc, giúp đỡ người có công. Nhiều chương trình tình nghĩa đã thực sự mang lại những kết quả to lớn; hàng nghìn công trình nghĩa trang liệt sĩ, nhà bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ được đầu tư xây dựng vừa để tưởng niệm liệt sĩ, vừa là những công trình văn hóa - lịch sử có ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc; các chính sách về giáo dục và đào tạo, miễn giảm thuế trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên giao đất sản xuất, xóa đói giảm nghèo,... đã thiết thực hỗ trợ người có công với nước nỗ lực vươn lên, từng bước cải thiện đời sống, có mức sống bằng hoặc cao hơn bình quân chung... 
 
Chặng đường phát triển của công tác TB, LS và người có công với nước, những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong 70 năm qua là hết sức to lớn; đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lòng yêu nước, tạo sự ổn định xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN,…
 
Bên cạnh những thành tựu đạt được rất to lớn, công tác TB, LS, chính sách đối với người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm qua vẫn còn những hạn chế. Đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn cho rằng: “Chúng ta chưa thể yên lòng khi cuộc sống của một số gia đình người có công với nước còn nhiều khó khăn; việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, chữa trị những vết thương do chiến tranh, chăm lo học hành, giải quyết việc làm chưa được chu đáo. Vẫn còn những người, gia đình chưa được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Chúng ta thật sự đau lòng khi vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, nhiều liệt sĩ còn thiếu thông tin, chưa xác định được danh tính... Đây là những nỗi trăn trở, day dứt trong lòng những người thân và trong tất cả chúng ta...”. 
 
Đến nay, cả nước có hơn 8,8 triệu người có công với cách mạng, chiếm gần 10% dân số. Hơn 1,4 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng. Ngoài ra, còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng chục nghìn thanh niên xung phong; khoảng 1,4 triệu người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen các cấp, được hưởng chế độ trợ cấp một lần. Người có công với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi, như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất; hỗ trợ cải thiện nhà ở... Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
 
Riêng tỉnh Lâm Đồng hiện có 39.457 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách người có công; trong đó, thương binh (3.939 người), bệnh binh (1.976 người), gia đình liệt sĩ (4.975), Anh hùng LLVTND (4 người), người có công với nước (1.101 người), Mẹ VN anh hùng (34 mẹ còn sống… Hàng năm, tỉnh đã chi hàng chục tỷ đồng (bằng nhiều nguồn) để thực hiện chính sách cho các đối tượng có công với nước.
 
Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng. Cả nước hiện có 9.637 công trình ghi công liệt sĩ, nhiều công trình trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống. Tỉnh Lâm Đồng có hơn 3.000 mộ liệt sĩ ở các nghĩa trang liệt sĩ thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc, huyện Di Linh và hàng chục nhà bia ghi tên liệt sĩ…
 
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng phát triển, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao… Có được ngày hôm nay là nhờ biết bao xương máu của các thế hệ đã ngã xuống. Những thế hệ sinh ra sau chiến tranh cần khắc cốt, ghi tâm công lao của những người đã có công với nước; tiếp tục kế thừa xứng đáng truyền thống vẻ vang của các anh hùng liệt sĩ; từ đó xác định đền ơn, đáp nghĩa là trách nhiệm và vinh dự lớn lao, nhằm mục tiêu cải thiện và nâng cao mức sống của gia đình chính sách như Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra.
 
Trước hết, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng trong triển khai thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả đối với công tác tuyên truyền, giáo dục. 
 
Thứ hai, vận động các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo đối với người có công với đất nước không chỉ thể hiện truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao đời sống của người có công, mà còn là một hình thức giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau; đồng thời, nâng cao trách nhiệm xã hội của các tổ chức, đơn vị với các đối tượng chính sách.
 
Thứ ba, tập trung giải quyết chặt chẽ, dứt điểm các vấn đề về chính sách sau chiến tranh, kịp thời khắc phục những sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với đối tượng người có công, người tham gia kháng chiến. Đây là vấn đề cần phải có sự chung tay, góp sức của mọi cấp, mọi ngành và của toàn dân với cơ chế minh bạch, công khai, đề cao trách nhiệm, bảo đảm chặt chẽ về quy trình, nhất là ở cơ sở. 
 
Thứ tư, kịp thời khen thưởng, động viên, khích lệ những tập thể, cá nhân làm tốt công tác thương binh - liệt sĩ, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” với người có công với cách mạng. 
 
Thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công, người tham gia kháng chiến và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm và niềm vinh dự lớn lao của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, trước hết là của cấp ủy, chính quyền các cấp. Qua đó, góp phần khẳng định và phát triển đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, truyền thống, bản chất, hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập quốc tế.
 
LINH NHÂN