"Vô cùng yêu nước" hay dã tâm làm mất nước

10:06, 20/06/2019

(LĐ online) - Lướt nhanh bài viết được download từ mạng có cái tựa đề "Hà Sĩ Phu - Người trí thức thông minh, hiểu biết rộng và vô cùng yêu nước" của Xuân Đài đăng ngày 25/5/2019 trên blog Tiếng Dân, tôi chợt giật mình bởi bản thân gần 40 năm đứng trên bục giảng cũng chịu khó "tầm chương, trích cú"; đọc sách, nhất là sách viết về các danh nhân, những nhân vật lịch sử Đông - Tây, Kim - cổ, nên thấy Xuân Đài không biết thế nào là "trời cao, đất dày" đã thật liều lĩnh, nhắm mắt nói xàm khi rút tít "giật gân", "câu khách", áp đặt và ngoa ngôn kiểu này...

(LĐ online) - Lướt nhanh bài viết được download từ mạng có cái tựa đề "Hà Sĩ Phu - Người trí thức thông minh, hiểu biết rộng và vô cùng yêu nước" của Xuân Đài đăng ngày 25/5/2019 trên blog Tiếng Dân, tôi chợt giật mình bởi bản thân gần 40 năm đứng trên bục giảng cũng chịu khó "tầm chương, trích cú"; đọc sách, nhất là sách viết về các danh nhân, những nhân vật lịch sử Đông - Tây, Kim - cổ, nên thấy Xuân Đài không biết thế nào là "trời cao, đất dày" đã thật liều lĩnh, nhắm mắt nói xàm khi rút tít "giật gân", "câu khách", áp đặt và ngoa ngôn kiểu này... Đọc kỹ bài viết, theo tôi: Xuân Đài cố tình dựng lại một "xác sống" đang ngắc ngoải, khuếch đại một tiếng loa rè, lạc điệu...
 
Lăng-xê chuyện Hà Sĩ Phu từ hơn 30 năm trước, Xuân Đài ca tụng: "Vào thập niên 90 thế kỷ trước, anh (HSP) viết một loạt bài trình bày về những bất ổn của thể chế xã hội chủ nghĩa. Nếu tôi nhớ không nhầm, bài đầu tiên anh viết là “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Sau đó là một loạt bài, tôi nhớ nhất, ăn sâu vào tiềm thức tôi là bài “Chia tay ý thức hệ”...
 
Xin thưa, nếu là "NGƯỜI TRÍ THỨC THÔNG MINH, HIỂU BIẾT RỘNG, VÔ CÙNG YÊU NƯỚC" thì lẽ ra Hà Sĩ Phu phải phân biệt được đâu là hiện tượng, đâu là bản chất; đâu là cái tạm thời, đâu là cái bền vững trong sự phát triển, chứ không thể "cơ hội" tới mức "động chà, cá nhảy", sớm hí hửng "té nước theo mưa" trước sự việc các nước XHCN, điển hình là Liên Xô sụp đổ. 
 
Về sự kiện Liên Xô sụp đổ, phải hiểu bản chất là: Cách đây 102 năm trước, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại giành thắng lợi đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân loại, kỷ nguyên ra đời và phát triển của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực. CNXH hiện thực đã tạo nên một chế độ xã hội nhân văn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, mang lại sức mạnh to lớn cả về tinh thần và của cải cho Liên bang Xô viết hùng mạnh, lực lượng chủ công đương đầu và tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. CNXH hiện thực đã trở thành động lực mạnh mẽ, chỗ dựa vững chắc cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vùng lên, đánh đổ các thế lực thực dân, đế quốc xâm lược, giành độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia. CNXH hiện thực đã trở thành nguồn cổ vũ to lớn cho cuộc đấu tranh đòi quyền tự do, cải thiện đời sống của công nhân và nhân dân lao động trong các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN)... Trước thành quả to lớn ấy, ngay nhà triết học và nhà xã hội học Nga Alesandr Zinov’ev, một người bất đồng chính kiến với chính quyền Xô viết, với tư cách là một nhà khoa học, cũng phải thẳng thắn khẳng định rằng: “Nếu không có Lê-nin, không có Cách mạng XHCN Tháng Mười và sau đó là Liên bang Xô viết, thì trong lịch sử không thể xuất hiện cả một tuyến tiến hóa có quy mô ngang với tuyến mà đại diện chính là thế giới tư bản phương Tây. Tuyến tiến bộ này có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển tiếp theo của nhân loại”. 
 
Tiếc là vào năm 1991, sau 74 năm tồn tại với những thành tựu vĩ đại, CNXH hiện thực mô hình Xô-viết mà tiêu biểu là Liên Xô đã sụp đổ vì nhận thức chưa đầy đủ, sai lầm về con đường xây dựng CNXH; do chủ quan duy ý chí, quan liêu... Là người từng nhiều năm "ăn học" ở khối Đông Âu, lẽ ra phải lấy làm đau đớn chứ không phải thái độ vô ơn khi "nhìn cây mà không thấy rừng" vội vàng cổ xúy "chia tay ý thức hệ". 
 
 Vì sao có sự sụp đổ của hệ thống XHCN hiện thực, các nhà chính trị học không riêng ở các nước XHCN mà ngay ở các nước tư bản đã khẳng định bản chất CNXH là tốt đẹp nhưng sự sụp đổ ở Liên Xô trước hết chính là sai lầm trong nhận thức lý luận - lý luận về cách mạng vô sản, lý luận về chủ nghĩa cộng sản và lý luận về thời kỳ quá độ... Bên cạnh đó, do bỏ qua những vấn đề có tính nguyên tắc về tổ chức Đảng, về công tác cán bộ của Đảng nên đã dẫn tới sự phá hoại Đảng từ bên trong. Nhiều phần tử cơ hội, phẩm chất đạo đức kém, năng lực công tác hạn chế đã chui vào hàng ngũ đảng viên, leo dần lên những vị trí quyền lực quan trọng. Những người thực sự tài năng và đạo đức bị cản trở phát triển, những kẻ cơ hội, vụ lợi thông qua tiền và các mối quan hệ xã hội để thăng tiến. M. Goóc-ba-chốp là một nhân vật đặc trưng cho sự cơ hội, một tính cách hoạt đầu, nhờ những thủ thuật biến hình, lợi dụng cơ chế méo mó trong tổ chức đảng để ngoi lên vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, rồi trở thành kẻ phản bội chế độ - trở thành một Herostratus của 356 năm trước Công nguyên đã đốt đền thờ nữ thần Artemis - một biểu tượng của sự trinh nguyên... 
 
Không hay vốn liếng chính trị học của Xuân Đài thâm sâu tới mức nào song tôi e sự vay mượn lời người khác bình luận (điều này cũng khó kiểm chứng có hay không) về Hà Sĩ Phu thì chứng tỏ cây bút này cũng chỉ là "nghe hơi nồi chõ", thích hóng hớt mà thôi. Xuân Đài khoe khi đàm đạo với Phùng Cung về Hà Sĩ Phu, Phùng Cung khen: "Hà Sĩ Phu là người kiến thức rộng, đọc Marx và phát hiện ra những sai lầm của học thuyết này,...". 
    
Quả là quá "khái quát hóa" vội vã khi tụng ca Hà Sĩ Phu phát hiện ra những "sai lầm rất cơ bản" của học thuyết Mác để lừa lọc thiên hạ sa chân vào con đường đa nguyên đa đảng, phản bội lại dân tộc, phản bội lại đất nước... Mấy thập niên qua, giữa lúc phương Tây và thế lực thù địch với CNXH điên cuồng chống phá CNXH, phủ nhận học thuyết của Mác thì như cái tát vào mặt chúng khi năm 2011 Terry Eagleton - giáo sư Trường Đại học Tổng hợp Lancaste Vương quốc Anh ra mắt tác phẩm "Tại sao Mác đúng?”(Why Marx Was Right). Tác phẩm này được những giáo sư chính trị của Anh, Mỹ đọc, góp ý và trường Đại học Tổng hợp Yale danh tiếng của Mỹ lựa chọn xuất bản. Là học giả phương Tây không phải là người theo chủ nghĩa Mác (như chính T.Eagleton thừa nhận) nhưng trong Lời nói đầu tác phẩm, T.Eagleton tâm sự: “Mác nhìn nhận chủ nghĩa xã hội chính là dân chủ ở tầm cao chứ không phải là kẻ thù của dân chủ... Chủ nghĩa duy vật của Mác mang đậm giá trị đạo đức và tinh thần cao cả...”. Tờ Financial Times ra ngày 27/5/2011 cho rằng T.Eagleton xứng đáng là ứng viên giải Nobel Kinh tế vì đã “làm sống lại Mác” và khẳng định: “cách tiếp cận của Mác là cách xem xét tốt nhất đối với chủ nghĩa tư bản”. Tạp chí Socialist Review số ra tháng 6/2011 viết: “Cuốn sách nhỏ này giúp trang bị cho những người xã hội chủ nghĩa thế hệ mới những tư tưởng cần thiết để giành thắng lợi trong trận chiến sắp tới”. Một bài bình luận đăng trên www.socialistalternative.org viết: “Cuốn sách ra đời rất đúng lúc khi người ta đang phê phán chủ nghĩa Mác “là lạc hậu” và “không phù hợp”, không thể gắn nó với những vấn đề kinh tế và chính trị đương đại. T.Eagleton đã đưa ra sự điều chỉnh rất cần thiết cho quan điểm thiếu hiểu biết này”.
 
Như chúng ta biết, cuộc đời và những di sản tư tưởng của Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với vị trí kiệt xuất trong hàng ngũ những vĩ nhân. Mác đã để lại cho chúng ta một kho tàng tri thức đồ sộ và phong phú ở nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực như: triết học, xã hội học, kinh tế học, lịch sử, pháp lý, chính trị,... Đúng như Ph.Ăng-ghen khẳng định: “Tên tuổi Người, sự nghiệp của Người sống mãi nghìn thu!”. Trong di sản lý luận đồ sộ, sâu sắc của Mác, công lao to lớn và đầu tiên là ông đã xây dựng một thế giới quan và phương pháp luận mới, khoa học và cách mạng, đem lại cho nhân loại tiến bộ và nhất là cho giai cấp công nhân một công cụ vĩ đại để nhận thức và cải tạo thế giới. Với hai phát kiến khoa học vĩ đại là chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư, Mác đã đặt nền móng vững chắc cho việc hiện thực hóa tư tưởng về chủ nghĩa xã hội khoa học - học thuyết về sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng loài người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bóc lột và tha hóa. V.I.Lê-nin đã nhận định rằng, điểm cốt yếu của học thuyết Mác là soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản. Đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới thì học thuyết của Mác là vũ khí lý luận, vũ khí tư tưởng sắc bén trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột cũng như trong sự nghiệp xây dựng xã hội tương lai tươi đẹp... Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của hơn 30 năm đổi mới ở Việt Nam, một lần nữa khẳng định sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tính đúng đắn của đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng của Mác cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã, đang và sẽ là ngọn đuốc dẫn đường cho cách mạng Việt Nam trong thời đại mới.
 
Đơn cử mấy dẫn chứng như trên cũng cho thấy việc Hà Sĩ Phu phát hiện ra những sai lầm của Mác là chuyện "ếch ngồi đáy giếng" đoán mò mà thôi! Bài viết của Xuân Đài còn dây cà, dây muống nhiều chuyện tụng ca sặc mùi phản động, trong đó có cả chuyện "gom" tiền giúp đỡ Hà Sĩ Phu tiếp tục "nuôi chí lớn"... Những chuyện tầm phào đó có thể không nên bàn thêm cho khỏi tốn thời gian của bạn đọc nhưng chúng ta không cho phép Xuân Đài tiếp tục "lắt léo" một cách xiên xẹo, khích bác: "Từ đó đến nay, tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã viết có dễ đến gần 200 bài, vừa rồi bài gần nhất mà tôi đọc được, anh có một ý rất hay: muốn thoát Trung phải thoát cộng sản. Tôi thích cái ý đó vì nó rất chính xác, nếu không nói là quá xuất sắc!"... Theo tôi cách nhìn về quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc, hiểu biết về CNXH, chủ nghĩa cộng sản của Hà Sĩ Phu cũng như Xuân Đài hoàn toàn méo mó, thậm chí là thiển cận. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ bình đẳng, vậy tại sao cứ gán gép, áp đặt nước ta phụ thuộc Trung Quốc. Xuân Đài khen ý của Hà Sĩ Phu "muốn thoát Trung phải thoát cộng sản" là "chính xác", là "quá xuất sắc" bởi vì ông ta không thể nhận thức được sự đúng đắn về đường lối đối ngoại vì mục tiêu độc lập, tự cường, vì dân của Đảng trong thời gian qua. Thực tế minh chứng, đường lối đối ngoại là một bộ phận của đường lối lãnh đạo chung của Đảng ta, ở mỗi giai đoạn cách mạng có mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể và góp phần phục vụ đường lối đối nội. Qua hơn 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực của đời sống xã hội... Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Quan hệ đối ngoại của Đảng không ngừng được mở rộng và tăng cường với các chính đảng ở các nước khác nhau trên thế giới theo hướng đa phương và đa dạng hóa các quan hệ. Mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc cũng không ngoài phương châm ấy... Vì không biết hay cố tình không chịu biết nên các vị xàm ngôn không hiểu rằng: Từ năm 1950-2019, chặng đường 69 năm lịch sử phát triển quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, khẳng định quan hệ láng giềng hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước đặt nền móng và dày công vun đắp là tài sản chung quý báu của hai nước, cần được gìn giữ, kế thừa và phát huy. Cũng thời gian qua, quan hệ hai nước tuy có trải qua thăng trầm nhưng hợp tác hữu nghị vẫn là dòng chính, là lựa chọn đúng đắn duy nhất có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của mỗi nước. Phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với Trung Quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam. Với những nỗ lực của cả hai nước, năm 2019 đà phát triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ tiếp tục được duy trì, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ổn định, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. 
 
Không chỉ gây nghi ngờ, chia rẽ, làm mất sự đoàn kết trong mối quan hệ quốc tế mà Hà Sĩ Phu, Xuân Đài còn nham hiểm hơn khi đẩy vấn đề lên tham vọng kích động thoát cộng để đa nguyên, đa đảng theo phương Tây. Bản chất ưu việt của CNXH thì rõ như ánh sáng ban ngày, ngay nhiều học giả phương Tây cũng thừa nhận, vậy thì chắc ăn phải "bả" độc nên Hà Sĩ Phu lú lẫn mất cả sự "thông minh, hiểu biết rộng" đến nỗi đòi "thoát cộng". 
 
Gần 90 năm qua, dân tộc Việt Nam kiên định mục tiêu "độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".  Tiếp tục khẳng định đường lối phát triển của đất nước, Đại hội XII của Đảng làm rõ thêm con đường đi lên CNXH ở Việt Nam; chỉ rõ “con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”. Con đường đi lên CNXH ở Việt Nam được xác định: Tiếp tục kiên định con đường đi lên CNXH, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mục tiêu cao nhất... Từ bài học của các nước XHCN trước đây nhất là Liên Xô, Đảng khẳng định việc thực hiện thành công mục tiêu CNXH hơn bao giờ hết đòi hỏi nhân tố nội lực, vai trò chủ quan mang tính quyết định. Để làm được điều đó rất cần tạo dựng mối quan hệ găn bó khăng khí, bền chặt giữa Đảng với Nhân dân. Đồng thời, Đảng ta cũng nhìn nhận: CNXH là tất yếu trong sự phát triển của nhân loại nhưng không phải là cái đương nhiên có, thụ động ngồi chờ mà phải thông qua sự nỗ lực hoạt động thực tiễn của Đảng, nhân dân ta để hiện thực hóa mục tiêu CNXH. CNXH là một trình độ mới trong sự phát triển của nhân loại, nó không có mô hình, con đường có sẵn mà đòi hỏi Đảng ta, trên cơ sở những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, phải không ngừng sáng tạo, bám sát thực tiễn của đất nước và thời đại để xây dựng CNXH, đồng thời hoàn thiện lý luận về CNXH. 
 
Như vậy, chứng tỏ xây dựng CNXH có tính lịch sử, cụ thể; tùy từng giai đoạn nhất định mà xác định nội dung, phương thức phù hợp. Nếu thoát ly điều kiện thực tế, CNXH sẽ rơi vào ảo tưởng, chủ quan, duy ý chí - đây là điều đã từng diễn ra trong quá trình xây dựng CNXH tại một số quốc gia, dân tộc.
 
Tiến tới CNXH là mục tiêu bất biến của dân tộc, nhân dân ta, do vậy việc tung ra những luận điệu "viên kẹo bọc thuốc độc" như vậy thì hẳn công luận đã quá nhận ra dã tâm đen tối của Xuân Đài, Hà Sĩ Phu. Bài viết khiến người ta càng khinh bỉ cái mà ở những người này không có mà cứ nhận xằng là "trí thức thông minh, hiểu biết rộng và vô cùng yêu nước". Chao ơi, "sĩ phu" và "vô cùng yêu nước" theo kiểu Hà Sĩ Phu thì chỉ là dã tâm dẫn tới hiểm họa rối ren, nguy cơ "mất nước" mà thôi!
 
ĐÀ VĂN