Đoàn đại biểu Quốc hội Lâm Đồng giám sát về xâm hại trẻ em tại thành phố Bảo Lộc

12:09, 17/09/2019

(LĐ online) - Trước thực trạng thời gian vừa qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

- 05 năm xảy ra 15 vụ xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc 
 
(LĐ online) - Trước thực trạng thời gian vừa qua, các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Sáng ngày 17/9/2019, tại UBND thành phố Bảo Lộc, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Lâm Đồng do ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát chuyên đề về “Thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống, xâm hại trẻ em” trên địa bàn thành phố Bảo Lộc. 
 
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát về xâm hại trẻ em tại thành phố Bảo Lộc
Toàn cảnh buổi làm việc của Đoàn giám sát về xâm hại trẻ em tại thành phố Bảo Lộc
 
Đoàn thực hiện giám sát về việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em. Nắm thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về vấn đề này. Các thành viên trong đoàn tập trung làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Xác định rõ nguyên nhân của hạn chế, trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan. Đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.
 
Theo báo cáo của UBND thành phố Bảo Lộc, toàn thành phố hiện có 52.000 trẻ em, trong đó trẻ em gái chiếm trên 50%. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, thành phố Bảo Lộc đã tiếp nhận giải quyết 15 vụ liên quan đến xâm hại trẻ em, giảm 5 vụ so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, theo điều tra đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em chủ yếu là người ruột thịt, người thân thích, giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, người chăm sóc, khám chữa bệnh, người nước ngoài. 
 
Ngoài ra, số trẻ em phải lao động sớm là 120 em, số trẻ em lang thang, bỏ nhà, không nơi cư trú ổn định là 35 em, số trẻ em có cha mẹ ly hôn là 115 em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là 394 em.
 
Các đại biểu trong đoàn giám sát đặt câu hỏi về thực trạng xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc
Các đại biểu trong đoàn giám sát đặt câu hỏi về thực trạng xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc
 
Các thành viên đoàn giám sát đã đặt nhiều câu hỏi đề nghị địa phương làm rõ thêm về thực trạng về tình trạng xâm hại trẻ em, cha đánh đập con, mẹ bắt con đi bán vé số, báo cáo về thực trạng này của trẻ em Bảo Lộc chưa sát, chưa đầy đủ vì thực tế tại địa phương còn rất nhiều vụ việc chưa được phát hiện. Các vụ việc phát hiện chủ yếu qua công an, tòa án là những vụ đã xử lý vi phạm. Chưa thống kê hết số vụ việc mà người thân của trẻ em bị xâm hại đã báo cáo nhưng chưa được giải quyết, hoặc e ngại, lo sợ không dám báo cáo cơ quan chức năng. Ngoài ra, yêu cầu phòng chức năng cần thống kê thêm về tỷ lệ trẻ em bị đuối nước, bị bạo hành gia đình, bạo lực học đường… để có đánh giá sát về thực trạng xâm hại trẻ em tại Bảo Lộc.
 
Đại diện Phòng Giáo dục, Công an, Viện Kiểm sát, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội Bảo Lộc đã có giải trình làm rõ những vấn đề mà đoàn giám sát nêu.
 
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Tạo nhận định: Từ thực trạng giám sát cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em còn chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa chặt chẽ. Thực tế vẫn còn tiềm ẩn các vụ việc chưa được phát hiện do trẻ em và gia đình không tố giác hành vi vi phạm…
 
Trưởng đoàn giám sát cũng đề nghị thành phố Bảo Lộc, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan nên tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, phát hiện sớm, xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em. Duy trì tốt hơn nữa hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng. Rà soát các tiêu chuẩn trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội…thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật cho trẻ em bị xâm hại hoặc cha mẹ, người giám hộ trẻ bị xâm hại.
 
Với quan điểm “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai", để pháp luật nghiêm minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu các ý kiến kiến nghị của địa phương và các cơ quan liên quan. Đồng thời cũng sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng tăng mức hình phạt đối với tội xâm hại tình dục trẻ em.
 
NGUYỆT THU