ĐBQH Lâm Đồng góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

11:10, 24/10/2020

(LĐ online) - Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K'Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng đại diện các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan.

(LĐ online) - Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng đại diện các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan.
 
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu Lâm Đồng
Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại điểm cầu Lâm Đồng
 
Trong buổi sáng, các ĐBQH đã được nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). 
 
Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, các chính sách cơ bản về bảo vệ môi trường đã được thể hiện tại Điều 5 của dự thảo Luật.Về chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường, dự thảo Luật đã có quy định các hoạt động đầu tư kinh doanh về bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ như tại Điều 142 nhằm khuyến khích dự án đầu tư thuộc ngành nghề thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xử lý chất thải kết hợp thu hồi năng lượng, kinh doanh dịch vụ, sản phẩm thân thiện môi trường…; quy định về cơ sở, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 146) và mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường (Điều 147).
 
Để chủ động kiểm soát và giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các dự án đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, dự thảo Luật đã bổ sung 2 nội dung chính sách về sàng lọc dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí về môi trường; lồng ghép và thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án như tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5.
 
Về quy hoạch bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường như tại Điều 23, Điều 25 để thống nhất với Luật Quy hoạch và bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp thu không quy định nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường trong Luật này mà thực hiện theo Luật Quy hoạch. 
 
Về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường tại Điều 25 để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu bảo vệ môi trường trong từng thời kỳ phát triển.
 
Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Thảo luận trên 10 nhóm vấn đề nổi bật, chủ yếu xoay quanh việc xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường và công tác quản lý Nhà nước về môi trường tác động môi trường, giấy phép môi trường, quản lý chất thải, về quản lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, Về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…
 
ĐBQH Lâm Đồng K’Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
ĐBQH Lâm Đồng K’Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
 
ĐBQH Đoàn Lâm Đồng K’Nhiễu góp ý: Kiểm toán môi trường là một khái niệm mới tại Điều 52 Kiểm toán môi trường”, tôi đề nghị Ban soạn thảo bổ sung giải thích khái niệm này vào Điều 3. Tôi thấy thuật ngữ “Chất thải nhựa” được đề cập đến tại “Điều 51 Giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương”, do vậy, tôi đề nghị bổ sung giải thích thêm sau khoản 5 Điều 3 vì đây là vấn đề cả thế giới quan tâm. 
 
Những hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), Khoản 3 quy định về hành vi bị nghiêm cấm là: “Phát tán vào nguồn nước hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật”. Như vậy, chỉ nghiêm cấm hành vi phát tán vào nguồn nước, còn việc phát tán vào không khí hay mặt đất, lòng đất không cấm thì không phù hợp, trong khi đó những hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật có thể được phát tán ra môi trường không chỉ có nguồn nước. 
 
Thực tế, có nhiều hành vi phát tán hết sức nguy hiểm, đặc biệt việc phát tán vi sinh vật có hại vào không khí gây bệnh dịch nguy hiểm cho con người và môi trường sống. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm cả những hành vi phát tán vào không khí hay mặt đất, lòng đất và khoản này đề nghị sửa lại như sau: “Phát tán vào môi trường các hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật”. 
 
Việc áp dụng thu thuế môi trường nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Thuế môi trường làm tăng chi phí đối với những chủ thể gây ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức sản xuất mới thân thiện hơn với môi trường. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào Điều này nội dung theo hướng “Quy định thu thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm phải trả tiền". Bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh”.
 
Tiếp đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
 
Trong phiên buổi chiều, Quốc hội tiến hành làm việc với nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước. Các ĐBQH nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở…; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 
 
NGUYỆT THU