Góp ý cho Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

05:10, 24/10/2020

(LĐ online) - Chiều 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 

(LĐ online) - Chiều 24/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với vấn đề quan trọng được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. 
 
Các Đại biểu tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
Các Đại biểu tham dự trực tuyến kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tại đầu cầu Lâm Đồng
 
Tham dự tại điểm cầu Lâm Đồng có Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Đoàn Văn Việt, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo, ĐBQH K’Nhiễu - Ủy viên Hội Đồng Dân tộc của Quốc hội, cùng đại diện các ban HĐND tỉnh, các sở, ngành liên quan. 
 
Các ĐBQH đã được nghe Bộ trưởng các bộ Công an, Giao thông Vận tải, Quốc phòng và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội trình bày các tờ trình, báo cáo thẩm tra liên quan đến dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. 
 
Uỷ ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc lực lượng vũ trang Nhân dân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là thể hiện truyền thống yêu chuộng hòa bình, trách nhiệm với cộng đồng thế giới của Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; là cơ hội để mở rộng hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực của lực lượng vũ trang Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành việc trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua Nghị quyết này tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình một kỳ họp.
 
Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Có ý kiến đề nghị rà soát nội dung dự thảo Nghị quyết cho thống nhất với các quy định có liên quan của Hiến pháp, quy định của một số luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để tránh mâu thuẫn, chồng chéo; nghiên cứu lồng ghép yêu cầu bình đẳng giới cho phù hợp với đặc thù nhiệm vụ ở nước ngoài. Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định có liên quan để quy định chặt chẽ, thống nhất, đúng quan điểm của Đảng và Nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và bảo đảm tính khả thi.
 
Có ý kiến đề nghị, về hình thức văn bản cần thống nhất với các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành; nghiên cứu bỏ tên các chương; bổ sung quy định trách nhiệm, quyền hạn của lực lượng tham gia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quy định về hồ sơ trình Hội đồng Quốc phòng và An ninh xem xét, quyết định; hồ sơ trình Chủ tịch nước - Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh xem xét, quyết định cử mới, điều chỉnh, rút lực lượng và căn cứ để xem xét, quyết định; cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng hồ sơ trình Hội đồng quốc phòng an ninh; trách nhiệm giám sát của Quốc hội, ĐBQH và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết.
 
Các đại biểu thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
 
Hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ra đời từ năm 1948, là một cơ chế đặc biệt được Liên hợp quốc giao cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập dưới hình thức các phái bộ nhằm giúp tạo điều kiện chấm dứt xung đột và gìn giữ hòa bình, thông qua việc triển khai các lực lượng do các nước thành viên đóng góp đặt dưới sự chỉ huy của Liên hợp quốc. 
 
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý cho Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý cho Nghị quyết tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
 
ĐBQH Đoàn Lâm Đồng Nguyễn Tạo góp ý: Qua thực tiễn tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam trong thời gian qua, đề nghị Chính phủ chỉ đạo có đánh giá, tổng kết để báo cáo với Quốc hội để ĐBQH có thêm thông tin, tình hình tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, từ đó có cái nhìn tổng thể khi thông qua Nghị quyết quan trọng này. Đề nghị xem xét để khẳng định rõ hơn trong Nghị quyết nguyên tắc quan trọng của chính sách quốc phòng của Việt Nam với chủ trương “bốn không” là không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. 
 
Về phạm vi, lĩnh vực hoạt động, thống nhất các lĩnh vực mà lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc của Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc điều khoản quy định “Các lĩnh vực khác do Hội đồng Quốc phòng và An ninh quyết định” tại điểm l khoản 3 Điều 5. Đề nghị rà soát kỹ quy định ngay trong Nghị quyết này, nếu không thì trong điều kiện hiện nay của nước ta, tôi cho rằng Việt Nam tham gia trong các lĩnh vực như trong Nghị quyết là đầy đủ và phù hợp.
 
Ngày 26/10, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 kỳ họp trực tuyến, nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, nghe báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, báo cáo công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao….
 
NGUYỆT THU