Đơn Dương: Tổ chức Hội nghị "Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 về quản lý, bảo vệ rừng"

04:11, 23/11/2020

(LĐ online) - Chiều ngày 23/11, UBND huyện Đơn Dương tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 02- NQ/HU "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng". Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, chủ trì hội nghị.

(LĐ online) - Chiều ngày 23/11, UBND huyện Đơn Dương tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết số 02- NQ/HU “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác Quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Đồng chí Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy, chủ trì hội nghị.
 
Toàn cảnh hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 về quản lý, bảo vệ rừng
Toàn cảnh hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 về quản lý, bảo vệ rừng
 
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/H.U ngày11/11/2015 của Ban Thường vụ Huyện ủy “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng”, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Đơn Dương đã có bước chuyển biến tích cực; nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển rừng của các cấp, các ngành và trong Nhân dân được nâng lên; số vụ vi phạm giảm, diện tích rừng bị xâm hại, bị cháy hàng năm đều giảm. Công tác lập quy hoạch, kế hoạch quản lý bảo vệ, sử dụng rừng từng bước đi vào nề nếp. Diện tích rừng được giao, cho thuê, khoán quản lý, bảo vệ chiếm tỉ lệ ngày càng cao góp phần duy trì và cải thiện độ che phủ của rừng, bảo vệ và nâng cao tính đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Qua đó, tỉ lệ độ che phủ rừng giai đoạn 2015-2020 từ 56,8% lên 58,96%.
 
Theo lãnh đạo huyện Đơn Dương, qua 5 năm triển khai thực hiện, công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể đó là: Nhận thức, ý thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng có sự chuyển biến rõ nét. 
 
Diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được bảo vệ nghiêm ngặt, công tác quy hoạch, bảo vệ, phát triển rừng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện. 
 
Các dự án phát triển kinh tế như xây dựng nhà máy thủy điện, kinh doanh dịch vụ du lịch đều đảm bảo phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đồng thời chú trọng đến việc bảo vệ, phát triển rừng, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. 
 
Mặt khác, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm đáng kể về cả số vụ, diện tích và khối lượng lâm sản thiệt hại qua từng năm, bình quân giảm khoảng 18%/năm về số vụ vi phạm. Tình trạng khai thác lâm sản trái phép được kiềm chế; các vụ vi phạm về khai thác và cất giữ lâm sản trái phép được phát hiện và xử lý kịp thời; những vụ nổi cộm đều truy tìm được đối tượng vi phạm và xử lý hình sự, từ đó nâng cao được tính giáo dục, răn đe của pháp luật. Cũng trong 5 năm qua, địa phương đã tổ chức chăm sóc rừng  712,4 ha (đạt trên 100% kế hoạch); Trồng rừng 142, 9 ha (theo chỉ tiêu kế hoạch hàng năm); Trồng cây phân tán 14.948cây (tỷ lệ cây đã trồng còn sống đạt trên 87,5%).
 
Trao giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
Trao giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng
 
Bên cạnh đó, huyện đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về rừng, từ đó thu hút các doanh nghiệp vào thuê đất, thuê rừng để thực hiện các dự án phát triển du lịch sinh thái, sản xuất nông nghiệp, trồng rừng… kết hợp quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn và giải quyết việc làm đối với một bộ phận người lao động tại chỗ. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đến nay tổng diện tích giao khoán quản lý bảo vệ rừng là 30.005,24 ha với 972 hộ và 02 tập thể và 04 doanh nghiệp từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng. Qua triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người tham gia làm nghề rừng, trách nhiệm và ý thức của người nhận khoán bảo vệ rừng ngày được nâng cao.
 
Mặc dù công tác quản lý bảo vệ rừng, chống chặt phá, lấn chiếm rừng và đất rừng trên địa bàn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, trong những năm qua, tình trạng phá rừng, khai thác gắn liền với vận chuyển, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra với những phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, phức tạp như tại khu vực vùng giáp ranh. Công tác kiểm tra, xử lý, cưỡng chế giải tỏa đối với những diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm trái phép đã được thực hiện một cách quyết liệt, duy trì thường xuyên, liên tục trên khắp các địa bàn xã, thị trấn. Theo số liệu thống kê theo từng năm từ năm 2017 cho đến nay, tình hình vi phạm trong lĩnh vực đất đai đã từng bước được ngăn chặn, giảm dần về số vụ và diện tích lấn chiếm. Trong 2 năm trở lại đây trên địa bàn huyện đã không còn điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp. Tổng diện tích thực hiện cưỡng chế giải tỏa là 7,5344 ha và bàn giao cho đơn vị chủ rừng quản lý, trồng lại rừng theo quy định.
 
Trước xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của huyện Đơn Dương nói riêng, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện dự báo trong thời gian tới sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức  như: tình trạng vi phạm về phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản ngày càng tinh vi, diễn biến ngày càng phức tạp bằng nhiều hình thức khác nhau; biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. 
 
Trong thời gian tới, Đơn Dương giữ diện tích rừng hiện có, từng bước nâng cao độ che phủ, đảm bảo mật độ che phủ theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đơn Dương  lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 là trên 60%; từng bước phấn đấu ngăn chặn có hiệu quả, giảm thiểu về số vụ và mức độ thiệt hại đối với các hành vi phá rừng, khai thác rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện; cần xác định công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm lãnh đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội. 
 
Tại Hội nghị Huyện ủy Đơn Dương cũng đã khen thưởng cho 4 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và trồng rừng giai đoạn 2015- 2020.
 
HOÀNG YÊN