Nghị sĩ ''Đi đến cùng sự việc''

06:01, 01/01/2021

Thấm thoắt đã gần tròn một nhiệm kỳ Quốc hội trôi qua, hòa chung tinh thần trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Lâm Đồng, "Nghị sĩ" Nguyễn Tạo đã đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, lắng nghe dân nói về các vấn đề còn bất cập, khó khăn tại địa phương để có tiếng nói đến diễn đàn Quốc hội. 

Thấm thoắt đã gần tròn một nhiệm kỳ Quốc hội trôi qua, hòa chung tinh thần trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Lâm Đồng, “Nghị sĩ” Nguyễn Tạo đã đi sâu, đi sát cơ sở, gần dân, lắng nghe dân nói về các vấn đề còn bất cập, khó khăn tại địa phương để có tiếng nói đến diễn đàn Quốc hội. 
 
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, đại biểu Nguyễn Tạo còn cùng Đoàn ĐBQH quan tâm thực hiện an sinh xã hội, kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ thầy và trò Trường Tiểu học Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương)
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, đại biểu Nguyễn Tạo còn cùng Đoàn ĐBQH quan tâm thực hiện an sinh xã hội, kịp thời thăm hỏi, hỗ trợ thầy và trò Trường Tiểu học Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương)
 
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng, qua tiếp xúc cử tri, cần lắng nghe ý kiến kiến nghị, tổng hợp ý kiến cử tri, theo đến cùng sự việc người dân quan tâm, đó là thể hiện vai trò người đại biểu dân cử. 
 
Trong thời gian qua, vấn đề “Tín dụng đen” rất được dư luận quan tâm. Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Công an về loại tội phạm này đã và đang xuất hiện ở đô thị, lan về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng chính sách tăng cường nguốn vốn vay cho đối tượng chính sách, gia đình hộ nghèo, cận nghèo. Khi giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Chính sách đã mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay từ 30 lên 50 triệu - 100 triệu đồng, kéo dài thời hạn vay, bên cạnh đó là tạo điều kiện cho người dân về mặt lãi suất. Từ đó, hạn chế ở mức thấp nhất vấn nạn này, đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh. 
 
Đi đến cùng sự việc là làm sao cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, tiến tới phát triển bền vững cho vùng Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng - là điều mà đại biểu Nguyễn Tạo và các thành viên trong đoàn luôn trăn trở.
 
Từ thực tế, Lâm Đồng và Tây Nguyên chỉ có một đoạn cao tốc mức độ thấp hình thành hơn 10 năm qua dài 19 km là cao tốc Prenn - Liên Khương. Vấn đề đặt ra là “làm gì để nâng cấp mạch máu lưu thông nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng, địa phương” - đó là điều chúng tôi luôn trăn trở và nhiều lần kiến nghị. Ví dụ Quốc lộ 27 kéo dài từ Đắk Lắk xuống Ninh Thuận, Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã phối hợp với Đoàn ĐBQH Ninh Thuận khảo sát, kiến nghị… Bộ GTVT đã trình Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư đoạn xấu nhất từ cầu K’Rông Nô, đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa bão, hàng năm tuy được duy tu nhưng vốn ít ỏi; Bộ đã trình Chính phủ đưa vào dự án đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Nhân dân 3 tỉnh hân hoan vui chờ đón thông tin này.
 
Bám sát hơi thở cuộc sống, theo đến cùng sự việc nữa đó là thể hiện kiến nghị của cử tri về chăn nuôi con tằm, trồng dâu trên địa bàn tỉnh. Cây dâu con tằm dường như bị lãng quên từ thập kỷ 90 sau khi ngành Dâu tằm tơ bị phá sản. Sau khi Đoàn đi khảo sát tại Bảo Lộc, Bảo Lâm đã kiến nghị cần đưa con tằm vào Luật chăn nuôi (giống như đưa con yến vào Luật chăn nuôi) để Nhà nước có quy hoạch vùng sản xuất trồng dâu nuôi tằm, sản xuất tơ lụa. Cùng đó là kiến nghị về giải pháp làm sao để trứng tằm không phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, làm sao có sự hỗ trợ của Nhà nước về trồng dâu nuôi tằm… Kết quả là, lần đầu tiên sau 20 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị dâu tằm tơ lần đầu tiên tại Đà Lạt ngay mùa COVID-19, để hỗ trợ bà con vượt khó khăn, vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất cho bà con và thực hiện mục tiêu “kép”.
 
Ngay sau đó, phía Hải quan Việt Nam đã phối hợp bàn đàm với Hải Quan Trung Quốc, đã giải quyết một lượng lớn trứng tằm bị giữ lại cửa khẩu biên giới. Đến nay, sau 8 tháng duy trì rất tốt. Chúng tôi kiến nghị tiếp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ hứa sẽ xây dựng trung tâm sản xuất giống trứng tằm tại Lâm Đồng trên cơ sở kiến nghị của Đoàn ĐBQH và Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam. Kéo theo đó, sẽ có hỗ trợ vốn, hạ tầng... và tiếp tục làm việc với phía Trung Quốc tiến hành ký hiệp định song phương về xuất nhập khẩu liên quan đến dâu tằm tơ trong thời gian tới. Từ đó, tơ lụa Bảo Lộc sẽ có trích dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa rõ ràng - nâng cao giá trị tơ lụa B’Lao trong nước và xuất khẩu…
 
Bám sát sự vận động của cuộc sống, gần dân, lắng nghe dân nói, những kiến nghị của đại biểu Nguyễn Tạo và Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Lâm Đồng đã để lại nhiều dấu ấn về hiệu quả hoạt động tại nghị trường.
 
NGUYỆT THU