Xây dựng nền tảng văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước

08:11, 24/11/2021

(LĐ online) - Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã diễn ra tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Hà Nội. 

(LĐ online) - Ngày 24/11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã diễn ra tại hội trường Diên Hồng, nhà Quốc hội, Hà Nội. 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng. Ảnh: Hà Hữu Nết
 
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Võ Văn Thưởng; cùng 600 đại biểu gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, lãnh đạo các Ban Đảng Trung ương, các bộ, ngành; đại diện lãnh đạo tổ chức chính trị - xã hội, các văn nghệ sĩ.
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị; cùng dự có hơn 60 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể, cơ quan thông tin truyền thông, Hội Văn học Nghệ thuật, các văn nghệ sĩ. 
 
Đúng ngày này cách đây 75 năm (24/11/1946) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, trong diễn văn khai mạc hội nghị văn hóa toàn quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới của nước nhà, phải lấy hạnh phúc của đồng bào, dân tộc làm cơ sở, lấy sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân. Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam, từ già đến trẻ, cả đàn ông và đàn bà ai cũng hiểu nhiệm vụ của mình nên làm và biết hạnh phúc của mình nên được hưởng. “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”; trong đó, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
 
75 năm qua, dưới ngọn cờ của Đảng, Nhân dân ta kế thừa, phát triển và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, không ngừng sáng tạo những giá trị văn hóa mới thấm đẫm tinh thần yêu nước và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phù hợp với đất nước và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đưa đất nước vững bước trong xu thế phát triển của nhân loại tiến bộ. Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này nhằm đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021 - 2026, tầm nhìn đến năm 2045.
 
Tiếp nối những thành tựu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định văn hóa và con người là sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Trong đó, xác định một trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”… 
 
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn. Để phát triển nền văn hóa dân tộc, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... việc xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức. Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa”. 
 
Toàn cảnh hội nghị văn hóa toàn quốc ở điểm cầu Lâm Đồng
Toàn cảnh hội nghị văn hóa toàn quốc ở điểm cầu Lâm Đồng. Ảnh: Hà Hữu Nết
 
Tổng Bí thư cũng đề ra bốn giải pháp lớn, cần quyết liệt thực hiện thời gian tới. 
 
Hội nghị là một ngày hội lớn khẳng sức mạnh nội lực của nền văn hóa Việt Nam; đó thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững. Hội nghị cũng là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 
 
Nhiều ý kiến tham luận của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa không chỉ tổng kết thực tiễn, khẳng định rõ hơn vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa; đồng thời, cũng “hiến kế” định hướng phát triển văn hóa và con người trong giai đoạn mới. 
 
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Văn hóa có trong mọi lĩnh vực của đời sống và nằm trong mọi quyết định của các cấp lãnh đạo, nên các cấp, ngành hãy hành động cụ thể chú trọng hơn nữa đến văn hóa. Phải dành cho văn hóa nhiều thời gian, phải lắng nghe ý kiến của những người nghiên cứu về văn hóa và những nhà hoạt động văn hóa có kinh nghiệm trước khi đưa ra các quyết định của mình, cho dù các quyết định ấy không liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa bởi văn hóa có trong mọi lĩnh vực của đời sống và nằm trong mọi quyết định của các cấp lãnh đạo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật cùng nhau để sau Hội nghị này có thật nhiều các hoạt động, các chương trình thiết thực. Tất cả mọi người, mọi nhà cùng làm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, của người Việt Nam; phải tự bồi dưỡng thêm tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc. Để chúng ta sẽ xây dựng một đất nước phát triển phồn vinh, vì hạnh phúc của Nhân dân, vì nền văn hóa, văn hiến của Việt Nam. 
 
QUỲNH UYỂN