Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp

09:08, 11/08/2022
(LĐ online) - Chiều 11/8, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi họp về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và và phát triển rừng 7 tháng đầu năm 2022, triển khai nhiệm vụ giải pháp trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. 
 
Đồng chí Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi họp
Đồng chí Phạm S phát biểu chỉ đạo tại buổi họp
 
Tham dự có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi Cục Kiểm lâm tỉnh, các thành viên của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 – 2025; lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; lãnh đạo các công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, các ban quản lý rừng; Ban Quản lý Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm, các vườn quốc gia; Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng; lãnh đạo các hạt kiểm lâm…
 
Báo cáo tại buổi họp, lãnh đạo Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh cho biết, công tác lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh; cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương, các chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, công an… nên trong 7 tháng đầu năm số vụ vi phạm đã giảm 48%, giảm tương đương 146 vụ; lâm sản thiệt hại gỉam 346,9 m 3, tương đương giảm 346,9 m 3.
 
Đại diện Hạt Kiểm Lâm huyện Lạc Dương giải trình một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện trong 7 tháng qua
Đại diện Hạt Kiểm Lâm huyện Lạc Dương giải trình một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện trong 7 tháng qua
 
Công tác trồng rừng, trồng cây phân tán, che bóng cũng tiếp tục được các địa phương, các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện. Thực hiện Đề án 1836 là cơ sở để ổn định cơ cấu, phát triển lâm nghiệp, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giải quyết đất sản xuất cho người dân tại các khu vực phù hợp trong thời gian tới, góp phần nâng cao trách nhiệm của tầng lớp Nhân dân trong thực hiện công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.
 
Hoạt động giao khoán bảo vệ rừng tiếp tục phát huy hiêu quả và đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm của lực lượng nhận khoán và Nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho một số hộ dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng, ven rừng, các hộ dân vùng giáp ranh.
 
Tuy nhiên, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cũng còn bộc lộ những tồn tại hạn chế như: Trên địa bàn một số địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng với một số vụ phức tạp, diện tích thiệt hại do phá rừng tăng 9,3 ha, tương ứng 50%; số vụ vi phạm chưa xác định được đối tượng vi phạm còn ở mức khá cao, chiếm 28%; điển hình như các địa phương Lạc Dương, Đam Rông, Bảo Lộc, Đức Trọng… 
 
Đại diện Công an tỉnh thông báo kết quả điều tra một số vụ án phá rừng trên địa bàn tỉnh
Đại diện Công an tỉnh thông báo kết quả điều tra một số vụ án phá rừng trên địa bàn tỉnh
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả mang lại cũng chưa cao; nội dung, hình thức, biện pháp triển khai chưa phong phú, chưa đến được với đông đảo người dân, nhất là những người dân đang sống ven rừng, canh tác trong rừng và những vùng giáp ranh.
 
Một số chính quyền địa phương, đơn vị chủ rừng vẫn còn dấu hiệu cho thấy thiếu tích cực, thiếu quyết liệt, chưa chủ động, chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo các quy định hiện hành; các chủ rừng chưa sử dụng hiệu quả lực lượng nhận khoán quản lý bảo vệ rừng để thực hiện công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng. 
 
Công tác phối hợp đôi lúc còn chưa thực sự đồng bộ, thiếu tính nhịp nhàng và chặt chẽ; việc duy trì công tác kiểm tra, tuần tra, truy quét tại vùng giáp ranh chưa được thường xuyên nên hết đợt tuần tra, truy quét tình hình vi phạm lại có dấu hiệu xảy ra. 
 
Các đơn vị chủ rừng chưa hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; do đó, chưa có cơ sở xem xét thẩm định các dự án xin thuê môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân. 
 
Một số dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất rừng triển khai chậm tiến độ, không bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng đủ mạnh, còn để xảy ra tình trạng phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản trái phép mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và báo cáo cơ quan chức năng xử lý…
 
Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị
 
Tại buổi họp, một số địa phương và thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững cũng đã phát biểu ý kiến về những vấn đề liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng; báo cáo kết quả về công tác quản lý bảo vệ rừng, những vụ việc nổi cộm xảy ra trên địa bàn một số huyện, thành phố; chia sẻ những khó khăn, bất cập, nhưng vấn đề cần cấp trên hỗ trợ để giải quyết. 
 
Theo đó, ngoài những vấn đề chung mà hầu hết các địa phương đang gặp phải như thiếu nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ rừng; tình hình sốt đất dẫn đến các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều thủ đoạn táo tợn, tinh vi… thì vẫn còn một số cán bộ, địa phương chưa thật sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng; vẫn còn một số cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tiếp tay, bao che cho các đối tượng phá rừng (Đạ K’Nàng, Đam Rông)… 
 
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận những kết quả đạt được, chia sẻ những khó khăn cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại hạn chế và những nguyên nhân chính dẫn đến xảy ra những vụ phá rừng phức tạp thời gian qua trên địa bàn. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng nhắc nhở một số địa phương còn để xảy ra các vụ phá rừng phức tạm, dù phá rừng giảm nhưng cần tăng cường các giải pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả trong thời gian tới. 
 
Đồng chí cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh điều động thêm cán bộ kiểm lâm có thời hạn cho 3 địa phương đan gặp khó khăn về nhân sự làm công tác quản lý, bảo vệ rừng là Bảo Lâm, Lạc Dương và Đam Rông.
 
Đồng chí nhấn mạnh: Lực lượng kiểm lâm trong giai đoạn hiện nay gặp nhiều khó khăn, vất vả, nhiều áp lực, làm việc lại không có ranh giới về giờ giấc trong khi đó biên chế hiện còn thiếu nhiều, khó tuyển dụng. Chia sẻ những khó khăn này, tôi sẽ có ý kiến đề nghị xem xét để có chính sách hỗ trợ hợp lý hơn đối với lực lượng làm công tác quản lý, bảo vệ rừng trong thời gian tới. 
 
Tuy nhiên, vấn đề quản lý, bảo vệ rừng dự báo sẽ còn phức tạp, không lường trước được trong thời gian tới, do vậy, lực lượng kiểm lâm phải nâng cao hơn nữa vai trò trách nhiệm, đóng vai trò chủ chốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng. 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo cần nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác tuyên truyền. Lực lượng công an, thanh tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tăng cường rà soát xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, phá rừng, lấn chiếm đất rừng, huỷ hoại tài nguyên rừng; sớm đưa ra xử lý công khai, nghiêm các vụ phá rừng nổi cộm.
 
Đồng chí cũng yêu cầu Công an tỉnh ngoài việc tăng cường phối hợp điều tra, xử lý các vụ việc cần tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ xử lý các vụ việc vi phạm về rừng cho lực lượng kiểm lâm…
 
Các sở, ngành địa phương cần tiếp tục chủ động tham mưu với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, trách nhiệm hơn. Đặc biệt, thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết 10 của Tỉnh uỷ và các đề án trọng tâm của ngành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp; tiếp tục khẩn trương rà soát, ký kết hợp đồng cho thuê rừng…
 
Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh báo cáo về quá trình phối hợp điều tra xử các vụ vi phạm lâm nghiệp
Đại diện lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh báo cáo về quá trình phối hợp điều tra xử các vụ vi phạm lâm nghiệp

 

Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện
Lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm báo cáo về công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện

 

Lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà trình bày ý kiến kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng
Lãnh đạo Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà trình bày ý kiến kiến nghị về các giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng
NGUYỄN NGHĨA