Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng: Đổi mới tư duy về liên kết vùng, nội vùng để tạo động lực, sức mạnh tổng hợp cùng phát triển

05:11, 20/11/2022
(LĐ online) - Ngày 20/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh - Hài hòa - Bền vững”.
 
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tham luận về nội dung: Một số giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị tại các địa phương vùng Tây Nguyên
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận phát biểu tham luận về nội dung: Một số giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị tại các địa phương vùng Tây Nguyên
 
Tại Hội nghị đã có hàng chục tham luận của các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, đồng chí Trần Đức Quận – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng đã có bài tham luận về Một số giải pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị tại các địa phương vùng Tây Nguyên 
 
Báo Lâm Đồng giới thiệu bài tham luận này: 
 
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên; và, Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị được tổ chức ngày 14/10/2022 do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì là hai Hội nghị đặc biệt quan trọng để các tỉnh khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng được tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ nhất, sâu sắc nhất các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà Bộ Chính trị, Chính phủ đề ra để phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
 
Quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW và hơn 11 năm triển khai Kết luận 12-KL/TW của Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước ta đánh giá: Tây Nguyên là vùng giàu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - xã hội, với diện tích tự nhiên 54.548,3 km 2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước); quy mô dân số khoảng 06 triệu người, với 54 anh em dân tộc cùng sinh sống; có khí hậu, thổ nhưỡng và nhiều tài nguyên, đất đai, khoáng sản quý hiếm, như: Khoảng 01 triệu ha đất đỏ bazan màu mỡ, diện tích rừng khoảng 03 triệu ha (tỷ lệ che phủ rừng đạt 46,3%), chiếm 35,7% diện tích rừng cả nước, trữ lượng bauxite khoảng 10 tỷ tấn, chiếm 90% trữ lượng bauxite cả nước; các loại cây công nghiệp, nông sản (đặc biệt là: Cà phê, cao su, dâu tằm, chè, rau, hoa,...) với vùng sản xuất quy mô hàng hoá rất lớn, giá trị mang lại kinh tế rất cao, bền vững,...
 
Tuy nhiên, vùng Tây Nguyên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại; thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước; giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao; tình trạng phá rừng phức tạp, tỷ lệ che phủ rừng giảm mạnh; tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên; sản xuất nông nghiệp, nhất là giống cây trồng còn nhiều hạn chế; công nghiệp chế biến chưa phát triển nên chủ yếu khai thác, sản xuất thô các sản phẩm công nghiệp (như alumin, cà phê, chè, trái cây,...); mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu (nhất là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; hạ tầng du lịch chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của vùng;... 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị
 
Từ những tiềm năng, lợi thế và hạn chế, yếu kém nêu trên, Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định phát triển vùng Tây Nguyên phải theo hướng liên kết vùng, nội vùng, liên kết chặt chẽ với vùng Đông Nam bộ và các tỉnh duyên hải Trung bộ; lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng; lấy phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng số làm động lực cho phát triển vùng. Đồng thời, xây dựng nền văn hoá Tây Nguyên tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng, tôn trọng các giá trị văn hoá khác biệt giữa các dân tộc, coi đây là động lực, nền tảng cho phát triển và hội nhập quốc tế của vùng. Nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển. Tập trung bảo vệ rừng, phục hồi môi trường đi đôi với sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng, đất đai, tài nguyên khoáng sản, tận dụng lợi thế để khắc phục, biến lợi thế trở thành cơ hội phát triển; chủ động thu hút đầu tư, không trông chờ, ỷ lại Trung ương, tự lực, tự cường phân đấu vươn lên, để nhanh chóng đưa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống và trở thành tiền đề vững chắc cho định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của 05 tỉnh Tây Nguyên trong những năm tới; bên cạnh việc bám sát Chương trình hành động của Chính phủ, của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, từng địa phương phải đổi mới tư duy về liên kết vùng, nội vùng để tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ nhau cùng phát triển và giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu. Phải lấy quy hoạch làm cơ sở, công cụ quản lý phát triển vùng Tây Nguyên. 
 
Tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước, kết hợp với huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư các công trình giao thông trọng điểm có sức lan tỏa, tạo đột phá chiến lược trong phát triển vùng Tây Nguyên mà Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, tuần hoàn, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa tập trung và xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành công nghiệp đóng vai trò chủ đạo của khu vực công nghiệp, dựa trên khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của từng tỉnh Tây Nguyên nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của khu vực. 
 
Khai thác hiệu quả lợi thế về khí hậu, cảnh quan, kiến trúc và di sản, bản sắc văn hóa đặc trưng vùng Tây Nguyên để phát triển du lịch theo hướng chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các trung tâm dịch vụ du lịch lớn. Quản lý và nâng cao chất lượng rừng; siết chặt và thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng và chăm sóc rừng trồng; trước mắt, cùng cả nước hoàn thành Chương trình trồng 01 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phát động để góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng khu vực Tây Nguyên đạt trên 47%. 
 
Quan tâm, phát triển đồng bộ văn hóa - xã hội trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên. “Cán bộ, đảng viên và nhân dân 05 tỉnh Tây Nguyên phải khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và ý chí vươn lên mạnh mẽ;...” để phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững hơn; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước trên cơ sở từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng…
 
Nghị quyết của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phát triển toàn diện vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bước ngoặt chuyển giao nhiệm vụ rất quan trọng, làm cở sở để cấp ủy đảng các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian tới, nhiệm kỳ tới đề ra giải pháp cụ thể hơn, mạnh mẽ và quyết liệt hơn, tạo đà đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên. 
 
Bên cạnh chủ động khơi thông nguồn lực của các địa phương, các tỉnh Tây Nguyên mong nhận được nhiều sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự thống nhất về cơ chế, chính sách, pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương theo nội dung quản lý ngành nhằm giúp địa phương tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch, trong cơ chế tài chính, kể cả trong công tác cán bộ và một số nội dung quản lý nhà nước còn bất cập giữa các bộ - ngành, giữa bộ, ngành với địa phương... và cụ thể hóa Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ bằng cơ chế, chính sách đặc thù. 
 
Đồng thời, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của 05 tỉnh Tây Nguyên, chắc chắn Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống; được lan tỏa mạnh mẽ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của vùng, toàn quốc và rất được sự đón nhận, đồng tình, hưởng ứng và nhất trí cao của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên và cả nước.
 
NHÓM PHÓNG VIÊN (thực hiện)