Từng bước đẩy lùi hủ tục lạc hậu ở Đơn Dương

09:03, 31/03/2016

Bằng việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, "cuộc chiến" loại bỏ hủ tục lạc hậu ở huyện Đơn Dương đã dần được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.

Bằng việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, “cuộc chiến” loại bỏ hủ tục lạc hậu ở huyện Đơn Dương đã dần được đẩy lùi, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện đáng kể.
 
Chị Ma Đoàn (bìa phải) đang tuyên truyền về công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Chị Ma Đoàn (bìa phải) đang tuyên truyền về công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu
Những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu và vẫn còn in đậm trong nếp nghĩ của bà con vùng DTTS qua nhiều thế hệ. Bên cạnh những phong tục với nhiều nét đặc trưng mang giá trị văn hóa cần được bảo tồn, phát huy thì cũng có những tập tục lạc hậu làm hạn chế không nhỏ trong nỗ lực phát triển đời sống của người dân và sự phát triển chung của nền kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, việc xóa bỏ hủ tục khó có thể làm trong “một sớm một chiều”. Ông Lưu Đình Thủy - Trưởng Ban Dân vận huyện Đơn Dương, cho biết: “Đây là việc làm cần chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, biết tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhưng cũng linh hoạt, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để từng bước loại bỏ những thói quen, tập quán lạc hậu”. 
 
Xác định rõ, để thay đổi tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, vấn đề cốt lõi đó là nâng cao nhận thức của nhân dân, nên cấp ủy, chính quyền các cấp ở Đơn Dương đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động. Công tác này vừa giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục lạc hậu, vừa hướng bà con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Đó cũng là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới. Cụ thể, công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện lồng ghép với cuộc vận động “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” và “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các cơ quan, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể cấp huyện cũng như cấp xã đều tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Đơn cử như các cơ quan y tế sẽ thông qua các đợt tiêm phòng, khám bệnh… tuyên truyền về việc tránh hôn nhân cận huyết (con cô lấy con cậu) để tránh việc con cái sinh ra mắc nhiều bệnh tật. Tư pháp xã sẽ không thực hiện đăng ký kết hôn cho những trường hợp chưa đủ tuổi kết hôn. Câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… đều nhắm vào đối tượng hội viên của mình để thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt. Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây đựng đời sống văn hóa của huyện đã đưa nội dung thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ hủ tục lạc hậu tới tận các xã để triển khai vào trong quy ước xây dựng thôn văn hóa.  Xem đây là tiêu chí quan trọng để bình xét các danh hiệu văn hóa. Hiện ở Đơn Dương có 79% thôn và 81% hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa. 
 
Thực tế thời gian qua ở huyện Đơn Dương cho thấy, để bài trừ các hủ tục lạc hậu hiệu quả, thì việc nêu cao vai trò, trách nhiệm và tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên luôn có ý nghĩa quan trọng. Bởi tâm lý của phần đông đồng bào các dân tộc thiểu số là chỉ tin vào những điều “mắt thấy, tai nghe”. Do đó, những việc làm gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong xóa bỏ tập quán lạc hậu, xây dựng văn hóa mới sẽ có giá trị thuyết phục to lớn trong vận động bà con làm theo. Bên cạnh đó, vai trò của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư cũng được chú trọng phát huy. Đó là những cầu nối ngắn và hiệu quả nhất để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tự giác xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Chị Ma Đoàn - một trong 35 người có uy tín ở huyện Đơn Dương, đồng thời là chủ nhiệm câu lạc bộ nuôi con bằng sữa mẹ tại thôn K’ Rái 1, xã Ka Đơn là một trong những người uy tín đã đi đầu trong việc chống hủ tục thách cưới. Chị đã vận động từ anh chị em trong gia đình cho tới họ hàng thực hiện không thách cưới. Từ đó, chị tiếp tục tuyên truyền cho bà con, nhất là chị em phụ nữ thông qua các đợt sinh hoạt của câu lạc bộ. Đến nay, nhiều hộ trong thôn như hộ chị Ma Guyền, chị Ma Jun… đều đã bỏ hủ tục thách cưới. 
 
Ngoài ra, nhờ việc am hiểu văn hóa của bà con DTTS, các cơ quan, ban, ngành ở Đơn Dương đã biết tận dụng chính truyền thống của bà con để đẩy lùi hủ tục lạc hậu. Ông Ka Sung - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết: “Trong nỗ lực xóa bỏ hủ tục lạc hậu, Đơn Dương đã phát huy đặc trưng của chế độ mẫu hệ, phát huy vai trò làm chủ gia đình của người phụ nữ vùng DTTS. Bởi đó là đối tượng lưu truyền các hủ tục trong gia đình và cộng đồng tuy âm thầm nhưng vô cùng dai dẳng. Từ đó, chuyên biệt đối tượng này để có các biện pháp tuyên truyền mạnh mẽ hơn”. Vì lẽ đó, hiện tại, ở Đơn Dương, Hội Phụ nữ huyện đang nỗ lực tham gia công tác xóa bỏ hủ tục lạc hậu, thông qua công tác tuyên truyền của hội từ cấp huyện đến cấp xã. Đồng thời, Hội Phụ nữ còn kết hợp với các cơ quan, ban, ngành khác tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức với nhiều hình thức sân khấu hóa phong phú được tổ chức lần lượt tại các xã để thu hút bà con và nâng cao hiệu quả tuyên truyền. 
 
Đặc biệt, cuối năm 2015 vừa qua, sau khi liên tiếp xảy ra 2 vụ việc tại thôn Krangọ, anh Touprong Tùng bị bắn hụt tại nhà riêng vào tối 5/10/2015 vì trong lúc say rượu Tùng tự xưng là Ó ma lai (con ma) và vụ Ka Nhất bị Ya Tăm bắn chết tại Suối Cát vào ngày 30/11 vì cũng bị nghi là Ó ma lai càng làm dấy lên những lo ngại về sự tồn tại của hủ tục lạc hậu trong đời sống bà con vùng DTTS. Đồng thời, đó cũng là hồi chuông cảnh báo để cả hệ thống chính trị ở Đơn Dương vào cuộc quyết liệt hơn nhằm đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong đời sống bà con. Bởi thế, hiện nay, cứ định kỳ hàng tháng, các cơ quan, ban, ngành và các xã, thị trấn trong huyện đều có báo cáo cụ thể về vấn đề tham gia đẩy lùi hủ tục lạc hậu trên địa bàn. 
 
Tuy nhiên, để có thể giải quyết được tận gốc của vấn đề, bên cạnh những việc làm trên, việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội của bà con là một trong những yếu tố mang tính quyết định. Bởi khi kinh tế phát triển, đời sống được nâng cao, sự tiếp cận nhiều hơn với cuộc sống văn minh sẽ giúp bà con tự nhận ra những hủ tục của quá khứ. Và sự nỗ lực phát triển chung về kinh tế, xã hội hiện nay của huyện nông thôn mới Đơn Dương là một trong những ưu thế giúp huyện này dần đẩy lùi được hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người ở Đơn Dương đạt 48 triệu đồng/người/năm, 100% các xã đạt tiêu chí về y tế, 73% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Toàn huyện có 342 hộ nghèo (chiếm 1,5%), trong đó, hộ nghèo người DTTS là 183 hộ (chiếm 2,99%). 
 
Đến nay, ông Ka Sung khẳng định: “Hiện ở Đơn Dương, một số hủ tục lạc hậu trong vùng bà con DTTS đã dần được xóa bỏ. Cụ thể như tục chôn chung, tục để thi hài lâu ngày phục vụ việc cúng ma, tục chia của cho người chết, tục hôn nhân cận huyết, tục nối dây... và cả Ó ma lai cũng đã giảm dần”.
 
“Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục lạc hậu còn nhiều chông gai cần vượt qua, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, bà con DTTS ở Đơn Dương có thể tin vào một ngày mai ngập tràn ánh sáng văn minh.
 
NGỌC NGÀ