Xây dựng - bảo vệ nông sản Lâm Đồng bằng thương hiệu nhãn mác

08:07, 10/07/2017

Theo Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018, có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% từ năm 2018...

Theo Nghị định về biểu thuế nhập khẩu hàng hóa thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016 - 2018, có hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% từ năm 2018.  Cụ thể, những mặt hàng như rau, củ, quả, cá, tôm... từ 15% thuế nhập khẩu hiện nay sẽ về 0%. Với sự bình đẳng từ những Hiệp định thương mại được thông qua, thị trường nông sản dự đoán sẽ ngày càng trở nên phức tạp bởi sự “ồ ạt” của hàng ngoại nhập. Đó cũng là áp lực của thương hiệu nông sản Đà Lạt trước sự cạnh tranh gay gắt của hàng nhập khẩu.
 
Thực tế, hiện đang có một nghịch lý là người tiêu dùng luôn mong muốn được sử dụng các loại nông sản sạch trong nước sản xuất,  nhưng ngay như hàng Đà Lạt chính hiệu bị lẫn lộn bởi hàng ngoại nhập là vấn đề băn khoăn của không ít người tiêu dùng. Câu chuyện nông sản ngoại đội lốt hàng Đà Lạt vẫn là câu chuyện dài cần có sự quan tâm sâu sát hơn từ phía quản lý của các ngành chức năng. Bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng là vấn đề cần giải quyết từ “gốc” đến “ngọn”.
 
Người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng mang thương hiệu Đà Lạt. Ảnh: D.Thương
Người tiêu dùng luôn mong muốn sử dụng các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng mang thương hiệu Đà Lạt. Ảnh: D.Thương
Nông sản nội địa cạnh tranh gay gắt hàng nhập
 
Tại TP Đà Lạt, trong 6 tháng đầu năm 2017, đã kiểm tra 85 vụ, xử phạt 72 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt trên 110 triệu đồng liên quan đến các mặt hàng đặc sản, nông sản Đà Lạt. Khảo sát thực tế của phóng viên tại chợ Đà Lạt, bên cạnh các mặt hàng nông sản của Đà Lạt thì cũng không khó để tìm thấy các loại nông sản Trung Quốc như khoai tây, cà rốt, hành tây, bắp cải… bán xen lẫn hàng Đà Lạt. Nếu không trang bị kiến thức tiêu dùng đầy đủ, không biết phân biệt cụ thể từng loại hàng thì người tiêu dùng rất dễ mua nhầm hàng có xuất xứ không rõ ràng ngay tại chợ Đà Lạt. 
 
Theo kết quả khảo sát của Công ty Dream Incubator Vietnam JSC (DI) - Công ty Nhật Bản được tổ chức JICA Nhật Bản thuê để khảo sát về nông nghiệp Đà Lạt làm cơ sở cho sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Nhật Bản và Lâm Đồng cũng đã đưa ra nhận định rằng “nông sản Trung Quốc đang xâm nhập nhanh chóng vào Việt Nam, đặt nông sản nội địa vào thế phải cạnh tranh gay gắt”. Đà Lạt, Lâm Đồng được coi là vựa rau của Việt Nam nhưng do không có đặc điểm phân biệt rõ rệt nên mất dần thị phần. 
 
Hiện nông sản Trung Quốc đang chiếm lĩnh hơn 70% thị phần đối với một vài mặt hàng nông sản ôn đới là thế mạnh của Đà Lạt trước đây. Tại một số chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh, 80% khoai tây, 70% hành củ, cà rốt và bông cải xanh là hàng Trung Quốc. 
 
Kết quả phỏng vấn 40 bà nội trợ, nhân viên văn phòng và công nhân nhà máy tại TP Hồ Chí Minh của Công ty DI cho thấy, khoảng 97,5% số người cho rằng xuất xứ nông sản là tiêu chí quan trọng nhất khi mua rau, củ, quả và họ thừa nhận không thể phân biệt được xuất xứ, nguồn gốc của các loại nông sản cũng như bày tỏ sự lo lắng về an toàn vệ sinh sức khỏe đối với nông sản Trung Quốc.
 
Có thể thấy, không chỉ tại Đà Lạt mà hầu khắp cả nước, đặc biệt là các khu vực nông thôn, kiến thức tiêu dùng vẫn còn hạn chế, cuộc cạnh tranh giữa nông sản Đà Lạt và hàng ngoại vẫn là câu chuyện dài, nhiều vấn đề đặt ra. Nhất là việc quy định truy xuất hàng hóa, quản lý mã vạch về nguồn gốc xuất xứ trên bao bì sản phẩm bởi hàng hóa khi về các chợ nhỏ lẻ thì không có đầy đủ chứng cứ để chứng minh nên không thể xử lý được.
 
Cần có biện pháp bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng 
 
Trao đổi với ông Kiều Xuân Việt - Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường cho rằng: Thực tế, công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn. Ngành quản lý thị trường không thể bao quát hết tất cả, chỉ khi nào những đơn vị kinh doanh có dấu hiệu đáng nghi ngờ thì quản lý thị trường mới theo dõi để phát hiện những vi phạm, sai trái của các đối tượng đó. Còn việc kiểm tra chất lượng thì lại thuộc thẩm quyền của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi một đơn vị có dấu hiệu vi phạm, ngành chức năng kiểm tra mà họ xuất trình đầy đủ hóa đơn và lấy mẫu kiểm tra không vượt ngưỡng an toàn thì có nghĩa là họ không vi phạm, chỉ có thể xử lý khi việc giả nhãn mác xảy ra. Chính những tiểu thương kinh doanh và những người làm nông sản cần phải ý thức để chấn chỉnh, việc “gắn” nhãn mác Đà Lạt lên nông sản ngoại vì lợi nhuận của các nhà buôn, nhà phân phối là hành vi đẩy hàng Đà Lạt tới việc “thua” trên sân nhà.
 
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng: Vấn đề lớn nhất  là do nông sản Đà Lạt khi đưa ra thị trường chưa có nhãn mác xuất xứ. Hơn 80% sản lượng rau Đà Lạt được tiêu thụ ở các chợ truyền thống, được bày bán chung với nông sản của các tỉnh, thành khác và nông sản nhập từ Trung Quốc, người tiêu dùng rất khó phân biệt dẫn đến mua nhầm và vì thế mà rau Đà Lạt đang mất dần thị trường. Hiểu rõ nguyên nhân đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đưa ra lộ trình đến hết năm 2017 để bảo vệ thương hiệu nông sản Lâm Đồng, toàn bộ nông sản Đà Lạt và vùng lân cận trước khi xuất đi tiêu thụ buộc phải gắn nhãn mác xuất xứ. Tỉnh cũng đang tích cực hoàn thành việc xây dựng các thương hiệu, chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho các rau, hoa, cà phê… Đà Lạt.
 
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng phân tích: Khi các hiệp định thương mại được thông qua, là thách thức cũng là cơ hội cho nông sản Lâm Đồng vươn ra thế giới, chiếm lĩnh thị phần bằng chất lượng. Khách quan mà nói thì thị trường nội địa với sự cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại là vấn đề tất yếu của quy luật cạnh tranh, và để tồn tại và giữ thị phần nông sản Lâm Đồng phải không ngừng thay đổi chất lượng, thay đổi tư duy kinh doanh để không “tự hại mình” vì lợi nhuận trước mắt mà mất thị trường, mất thương hiệu.
 
Về phía doanh nghiệp cũng có nhiều trăn trở, ông Nguyễn Công Thừa - Giám đốc Hợp tác xã Anh Đào chia sẻ: Doanh nghiệp như chúng tôi cũng rất băn khoăn về vấn đề này, vẫn biết mình có chất lượng tốt hơn nhưng giá thành mình cao hơn nên khả năng cạnh tranh sẽ kém vì nhiều người tiêu dùng có thói quen chọn giá “rẻ” hơn để mua. Mong rằng với thị trường mở cửa, các bộ, ngành chức năng cũng mau chóng hoàn thiện các quy định cho phù hợp, làm sao để khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ thì hàng rào kỹ thuật cho hàng ngoại vào Việt Nam phải chặt chẽ, khắt khe hơn để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những doanh nghiệp chân chính trong nước.
 
Xây dựng thương hiệu là chuyện khó, “giữ” và bảo vệ thương hiệu nông sản lại còn gian nan hơn. Và câu chuyện về nông sản ngoại nhập “đội lốt” nông sản Đà Lạt vẫn là câu chuyện dài mà các ngành chức năng cần quan tâm với những giải pháp quyết liệt hơn nữa. Bởi thực tế, giải pháp phòng vệ bằng hàng rào an toàn vệ sinh thực phẩm ở khâu nhập khẩu chỉ một phần, quản lý chặt ngay trong nước mới quan trọng. Trước áp lực thuế ngoại nhập chỉ còn 0% và môi trường cạnh tranh ngày càng thay đổi, các tiểu thương kinh doanh, người làm nông nghiệp cũng cần thay đổi tư duy bắt kịp xu thế, để tăng năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng như bảo vệ thương hiệu uy tín mà Lâm Đồng đang xây dựng cho nông sản.
 
DIỄM THƯƠNG