Người đắc lực giữ rừng

08:06, 04/06/2019

Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng một số hộ dân trên địa bàn xã Sơn Ðiền, huyện Di Linh vẫn quyết tâm trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, mà điển hình  trong công tác này đó là ông K'Mồi. 

Tuy đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng một số hộ dân trên địa bàn xã Sơn Ðiền, huyện Di Linh vẫn quyết tâm trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng, mà điển hình  trong công tác này đó là ông K’Mồi. 
 
Cánh rừng thông của ông K’Mồi phát triển tốt. Ảnh: N.Brừm
Cánh rừng thông của ông K’Mồi phát triển tốt. Ảnh: N.Brừm
 
Những năm qua, ngoài việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Điền còn nhận trồng rừng. Theo một số hộ nhận trồng rừng, nhận thấy được những khó khăn mà người dân trên địa bàn xã thường gặp phải: kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào canh tác nương rẫy, còn lúa nước thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các trận lũ quét từ đầu nguồn. Mặt khác, do địa hình đồi núi cao, điều kiện thổ nhưỡng khá phức tạp, nên có những khu vực cây cà phê kém phát triển… “Khi có chủ trương của Chính phủ giao đất cho người dân phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo Chương trình 135, tôi và các hộ dân trong xã xin nhận trồng rừng keo. Tuy nhiên, do khu đất xưa kia là đồn Mỹ đóng quân, lại là đất bô-xít, việc trồng cây keo cũng khá gian nan và thường xuyên bị con chuột phá hoại, nên nhiều hộ sinh ra nản rồi từ bỏ”, ông K’Mồi chia sẻ.
 
Là hộ đông con, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào 3 sào lúa 2 vụ và 3 ha cà phê. Sau 3 năm liên tiếp trồng rừng thất bại, tưởng rằng ông K’Mồi cũng nản chí rồi sẽ buông xuôi như một số hộ khác. Nhưng với ý chí, nghị lực của người cựu chiến binh và không cam chịu trước hoàn cảnh khó khăn, năm 2009, ông K’Mồi làm tờ trình gửi lên UBND xã Sơn Điền, Công ty Lâm nghiệp Di Linh xin nhận tất cả diện tích của 4 hộ bỏ hoang với tổng số trên 20 ha, đồng thời chuyển sang trồng rừng thông.
 
Ông K’Mồi cho biết: “Kinh tế gia đình tôi cũng khó khăn, để có kinh phí trồng rừng, ngoài số tiền tích góp hằng năm từ nguồn thu cà phê, tôi còn đi vay của bà con hàng xóm. Đến nay, ước tính tôi đã đầu tư vào việc trồng rừng trên 200 triệu đồng”.
 
Sau nhiều năm miệt mài với nghề trồng rừng, hơn 20 ha đất trống đồi núi trọc ngày nào nay đã được gia đình ông K’Mồi khoác lên những “tấm áo” xanh của rừng thông.
 
Những diện tích được gia đình ông trồng từ năm 2009, đến nay cây thông đã phát triển có chiều cao khoảng 10 m, đường kính thân cây đạt đến 15 cm. 
 
Ông K’Mồi chia sẻ thêm với chúng tôi về kinh nghiệm trồng, chăm sóc rừng thông, từ khi bắt đầu trồng ông luôn tuân thủ theo qui trình kỹ thuật của ngành lâm nghiệp như: mật độ trồng cách từ 1,5 x 2 m, 2.220 cây/ha; sau khi trồng, 3 năm đầu là thời gian gặp nhiều khó khăn nhất trong việc chăm sóc, bởi đây là giai đoạn cây còn nhỏ, đòi hỏi phải thường xuyên phát dọn thực bì, xịt thuốc cỏ và kết hợp với việc tỉa cành. Vào mùa khô mình phải canh gác để phòng cháy chữa cháy rừng… Đến khi cây 15 năm tuổi mới được tỉa thưa và từ 25 năm tuổi trở lên mới cho khai thác”.
 
Với lối suy nghĩ khá đơn giản, sống gắn bó với rừng, yêu rừng, chăm lo tương lai con cháu…, nên ông K’Mồi dành hết tâm huyết với việc trồng rừng. Bởi theo ông Mồi, việc trồng rừng là một ước mơ nhằm góp sức bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ, hạn chế xói mòn đất, bởi thực tế nhiều cánh rừng ngày càng bị thu hẹp, cây cối bị chặt hạ là nguyên nhân chính gây nên các hiện tượng lũ lụt, lũ quét, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân… Bên cạnh đó, ông K’Mồi còn tích cực vận động bà con trên địa bàn xã nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường rừng. Trước đây, gia đình ông K’Bảy ở thôn Kon Sỏ có hơn 5 sào đất sau nhà, nhưng do độ dốc cao, không phù hợp canh tác cây cà phê, nên ông cũng đã chuyển sang trồng cây thông và hiện cánh rừng thông của gia đình ông K’Bảy phát triển tốt.  
 
Ông K’Vít - Chủ tịch UBND xã Sơn Điền nhận xét: “Thực hiện các văn bản của Chính phủ về việc giao đất rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trồng rừng, ông K’Mồi là người đi đầu trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc. Tuy lúc đầu ông K’Mồi gặp nhiều khó khăn, thất bại, nhưng với quyết tâm cao, đến nay cơ bản đã thành công. Đây là động lực quan trọng giúp cho các hộ dân trên địa bàn xã nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường”.
 
Với vai trò, trách nhiệm của hội viên cựu chiến binh, bên cạnh việc vận động người dân hăng say lao động sản xuất, vận động nhận chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng, ông K’Mồi còn là một trong những nhân tố tích cực trong các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Nhờ đó, đã hạn chế đáng kể tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự, mang lại cuộc sống bình yên ở xã Anh hùng Sơn Điền. 
 
NDONG BRỪM