Trẻ em vùng nông thôn "khát" sân chơi ngày hè

06:07, 08/07/2019

Sau một năm học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để các em học sinh thư giãn, vui chơi thỏa thích...

Sau một năm học tập căng thẳng, nghỉ hè là dịp để các em học sinh (HS) thư giãn, vui chơi thỏa thích. Tại thành thị, trẻ em được tham gia rất nhiều hoạt động, văn nghệ, thể thao, các lớp học năng khiếu, nhà thiếu nhi, công viên giải trí... Còn tại các vùng nông thôn, ngày hè đã và đang trôi qua một cách tẻ nhạt và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn với các em nhỏ bởi do thiếu những sân chơi bổ ích. 
 
Thiếu sân chơi dịp hè, trẻ em vùng nông thôn các huyện phía Nam thường tập trung vui đùa ở các bãi đất trống gần nhà. Ảnh: K.Phúc
Thiếu sân chơi dịp hè, trẻ em vùng nông thôn các huyện phía Nam thường tập trung vui đùa ở các bãi đất trống gần nhà. Ảnh: K.Phúc
Tai nạn luôn rình rập
 
Thực tế cho thấy, ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khá nhiều quỹ đất trống để xây dựng điểm vui chơi cho trẻ, nhưng hầu hết chưa thể quy hoạch do thiếu nguồn lực đầu tư. Cùng với đó, vào ngày hè, hầu hết các gia đình thường tất bật với công việc vườn rẫy, không có nhiều thời gian quan tâm tới con em mình, dẫn tới việc trẻ phải tự tìm kiếm trò chơi để thỏa mãn nhu cầu tối thiểu.
 
Ghi nhận tại các xã: Đạ P’Loa, Đoàn Kết, Phước Lộc (huyện Đạ Huoai) hay các xã: Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm và Lộc Tân (huyện Bảo Lâm)… là những địa phương có đông các em nhỏ người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống. Do cuộc sống còn nghèo khó, nên hàng ngày người lớn phải lên rẫy, vào rừng lao động kiếm thêm thu nhập đến chập choạng tối mới quay về nhà. Còn con trẻ, cứ thế tụm ba, tụm bảy mặt lem luốc thản nhiên nô đùa ở bất kỳ những chỗ nào có thể như lòng lề đường, gốc cây, bãi đất trống và cả sông suối, ao hồ. Bên cạnh đó, ngoài những trò chơi thường ngày như nhảy dây, trốn tìm, đi ô, thậm chí nguy hiểm hơn các em còn rủ nhau leo cây, tắm suối…
 
Em K’Quang (12 tuổi, ngụ Thôn 3, xã Đạ P’Loa, huyện Đạ Huoai) cho biết: “Hè nào cũng vậy, bọn cháu chỉ biết tụ tập nhau lại cùng chơi đùa dưới gốc cây ven đường như nhảy dây, trốn tìm nên chơi lắm cũng thấy chán. Bản thân cháu và nhiều bạn khác, nhiều lúc chơi trốn tìm bị ong chích sưng cả mặt. Những hôm trưa nắng, bọn cháu lại rủ nhau ra suối tắm cho mát”.
 
Còn ông K’Giáp, xã Lộc Lâm (huyện Bảo Lâm) bảo rằng: “Đi học thì thôi, chứ vào hè là 2 cháu nhỏ nhà tôi và mấy đứa trẻ con trong thôn chỉ biết quanh quẩn trong sân chơi bắn bi, đá banh, chứ muốn chơi trò khác cũng không có chỗ để chơi”.
 
Thiếu sân chơi, buộc trẻ phải tự nghĩ ra các trò chơi nguy hiểm như đá bóng dưới lòng lề đường, leo cây, tắm sông suối… là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm. 
 
Theo thống kê tại Lâm Đồng, từ đầu mùa hè đến nay, đã xảy ra 2 vụ đuối nước do tắm sông suối, ao hồ làm 3 HS tại TP Bảo Lộc tử vong thương tâm.
 
Trẻ em xã Lộc Tân (Bảo Lâm) thích thú tham gia các trò chơi tại công trình do Huyện đoàn xây dựng. Ảnh: K.Phúc
Trẻ em xã Lộc Tân (Bảo Lâm) thích thú tham gia các trò chơi tại công trình do Huyện đoàn xây dựng. Ảnh: K.Phúc
Cần nâng cao vai trò Đoàn ở cơ sở
 
Vào dịp hè, các nhà trường đều có giấy chuyển sinh hoạt Đoàn, Đội cho các HS về địa phương quản lý. Tuy nhiên, tại những vùng nông thôn, việc tổ chức, tập hợp cũng như tạo ra các sân chơi vẫn chưa được các tổ chức Đoàn chú trọng, nên không đủ sức thu hút đối với thanh, thiếu niên.
 
Anh Điểu K’Viên - Bí thư Huyện đoàn Cát Tiên cho biết: “Hàng năm, cứ vào mỗi dịp hè, chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng cho cán bộ Đoàn cơ sở; đồng thời, giao trách nhiệm để các Đoàn xã, thị trấn tổ chức các chương trình, hoạt động như văn nghệ, thể thao, dọn vệ sinh bảo vệ môi trường… thu hút thanh, thiếu niên tham gia sinh hoạt. Nhưng, do kinh phí hạn hẹp và một số cán bộ đoàn còn chưa phát huy hết vai trò, nhiệt huyết nên kết quả mang lại chưa cao. Để tạo sân chơi cho các em nhỏ, thời gian qua, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) địa phương đã đóng góp kinh phí, vật dụng xây dựng một sân chơi cho các em nhỏ tại xã Mỹ Lâm. Hiện tại, sân chơi này đang thu hút đông đảo thiếu niên vui chơi trong dịp hè”.
 
Tại huyện Đạ Tẻh, tuy vẫn còn đó nhiều thiếu thốn trong việc tìm kiếm sân chơi cho trẻ em, nhưng với phương châm “không nói suông, làm thực tế”, tuổi trẻ địa phương đã xây dựng được 3 sân chơi cho thiếu nhi tại thôn Tôn K’Long (xã Đạ Pal), Nhà văn hóa xã Quốc Oai và Tổ dân phố 8A, 8B (thị trấn Đạ Tẻh). “Ngoài nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ, lực lượng ĐVTN địa phương đã góp công san gạt mặt bằng, tận dụng lốp xe và sơn sửa các vật dụng cũ để xây dựng các sân chơi cho trẻ các vùng khó khăn. Mỗi công trình được xây dựng, với rất nhiều trò chơi như đu quay, xích đu, xà đơn, máng trượt… với kinh phí thực hiện từ 40 - 50 triệu đồng/sân chơi. Hiện nay, các sân chơi đang thu hút đông đảo thiếu nhi đến vui chơi, giải trí trong những ngày hè. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thêm các công trình sân chơi ở các địa phương khác để phục vụ các em nhỏ” - anh Trần Thế Hoàng, Bí thư Huyện đoàn Đạ Tẻh cho hay.
 
Cũng theo anh Hoàng, ngoài việc xây dựng các sân chơi cho trẻ, ĐVTN địa phương còn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao…
 
Tương tự, đến nay, lực lượng ĐVTN huyện Bảo Lâm cũng đã xây dựng được 4 sân chơi phục vụ các em thiếu nhi trong dịp hè tại nhà văn hóa các xã Lộc An, Lộc Tân, thôn Hang Ka và Thôn 2 (xã Lộc Bảo). Ngoài ra, tại các Đoàn cơn sở còn thành lập nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm và tổ chức nhiều chương trình, hội thi văn nghệ, thể dục, thể thao, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia.
 
Có thể thấy, chính quyền địa phương và các cấp bộ Đoàn tại cơ sở đã rất nỗ lực trong việc tổ chức các sân chơi cho thanh, thiếu niên nhưng vẫn còn đó rất nhiều khó khăn. Ngoài việc kỹ năng tổ chức của cán bộ Đoàn tại cơ sở còn hạn chế thì thiếu kinh phí đầu tư xây dựng sân chơi vẫn là nguyên nhân chính. Vì thế, Đoàn thanh niên không thể vừa tạo phong trào, vừa đóng góp kinh phí để duy trì hoạt động các sân chơi một cách có hiệu quả. Đây chính là một vấn đề đáng lo ngại vào mỗi dịp nghỉ hè tại các vùng nông thôn.
 
Vì vậy, để tạo ra những sân chơi “đúng nghĩa” lành mạnh, bổ ích cho các em thanh, thiếu niên ở nông thôn vào mỗi dịp hè, rất cần sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, cũng như toàn xã hội; cần đầu tư xây dựng những khu vui chơi giải trí, những lớp dạy bơi vào mỗi dịp hè cho trẻ em vùng nông thôn; đồng thời, các tổ chức Đoàn cơ sở cần phát huy tốt vai trò xung kích và trau dồi kỹ năng để tập hợp, tuyên truyền và định hướng cho các em tránh xa các trò chơi mạo hiểm.
 
KHÁNH PHÚC