Bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ

07:09, 13/09/2019

Là một xã thuần nông nên lượng rác thải và các loại vỏ thuốc bảo vệ thực vật trên các cánh đồng của xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) ngày càng nhiều và tràn lan. Trước tình trạng đó, địa phương đã xây dựng mô hình "Bảo vệ môi trường" bằng các cống bi nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân.

Là một xã thuần nông nên lượng rác thải và các loại vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên các cánh đồng của xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) ngày càng nhiều và tràn lan. Trước tình trạng đó, địa phương đã xây dựng mô hình “Bảo vệ môi trường” bằng các cống bi nhằm bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức người dân.
 
Các cống bi được đặt nhiều chỗ trên các cánh đồng của xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) nhằm đựng chai, lọ thuốc trừ sâu sau khi được sử dụng.
Các cống bi được đặt nhiều chỗ trên các cánh đồng của xã Nam Ninh (huyện Cát Tiên) nhằm đựng chai, lọ thuốc trừ sâu sau khi được sử dụng.
 
Thay đổi từ ý thức 
 
Cách đây vài năm, khi đến với xã Nam Ninh nhiều người không khỏi ngỡ ngàng và ám ảnh trước lượng rác thải và các loại vỏ thuốc bảo vệ thực vật nằm chất đống trên những cánh đồng. Suốt một thời gian dài không được cảnh báo nguy hiểm nên việc vứt bừa bãi vỏ bao thuốc BVTV đã qua sử dụng ngay tại cánh đồng và mương nước đã trở thành thói quen của nhiều nông dân. 
 
Trên thực tế, những loại bao bì này sản xuất bằng các chất liệu nhựa, ni - long vẫn còn dư lượng thuốc khi bị vùi xuống lòng đất, dù theo thời gian dài cũng không phân hủy. Tồn dư thuốc ngấm vào đất, mạch nước ngầm gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân. Thế nhưng giờ đây, cảnh tượng những vỏ bao bì thuốc BVTV nằm chất đống trên cánh đồng Nam Ninh giờ chỉ là câu chuyện của những năm về trước. 
 
Nhờ mô hình “Bảo vệ môi trường” do chính quyền địa phương phát động, xã Nam Ninh ngày nay đã khoác trên mình chiếc áo mới, sạch sẽ và trong lành hơn.
 
Hơn nửa đời người gắn bó với nghề nông, ông Lê Văn Toàn (55 tuổi, thôn Ninh Hạ) giờ đã có thói quen thu gom tất cả các vỏ chai, vỏ thuốc BVTV đã sử dụng để bỏ vào các cống bi chứa rác thải BVTV trên cánh đồng của xã. “Hồi trước, theo thói quen hễ xịt thuốc xong là tôi bỏ vỏ chai luôn ở ngoài ruộng. Nhưng những năm gần đây, nhờ tham gia mô hình “Bảo vệ môi trường” tôi cùng bà con cũng được tập huấn, hướng dẫn thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đúng cách. Vì thế, giờ đây xịt thuốc xong là bà con chúng tôi có thói quen bỏ ngay vào cống bi” - ông Toàn chia sẻ.
 
Có thể nói, từ khi triển khai thực hiện mô hình “Bảo vệ môi trường” đã giúp nông dân sử dụng các loại thuốc BVTV một cách khoa học, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, vừa không gây ô nhiễm cho môi trường. Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn đã phần nào thay đổi được thói quen lạm dụng thuốc BVTV cho cây trồng, bảo vệ môi trường xung quanh.
 
Ông Trần Mạnh Trọng (43 tuổi, thôn Ninh Thủy) vui vẻ nói: “Trước đây, cứ hễ mỗi lần sau đợt xịt thuốc là cả cánh đồng tràn lan vỏ chai, bao bì thuốc BVTV. Bởi khi đó bà con chưa ý thức và chưa hiểu được hết tác hại của việc vứt bừa bãi chai lọ, bao bì thuốc BVTV. Nhưng 4 năm trở lại đây, sau khi xuất hiện những cống bi đựng rác trên các cánh đồng thì chúng tôi đã có ý thức vứt vào cống bi để đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe của bản thân và cộng đồng”.
 
Không ngừng tuyên truyền
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Văn Tam - Chủ tịch UBND xã Nam Ninh cho biết, mỗi năm, UBND xã đều có cách xử lí khối lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV riêng bằng việc đốt hoặc có xe chuyên chở rác đến xử lý. 
 
“Điểm đáng ghi nhận của mô hình là tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cũng như sự lan tỏa đến cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Người nông dân đã bắt đầu thấy được những tín hiệu về hiệu quả của mô hình mà trong đó ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên rõ rệt”, ông Tam nói.
 
Năm 2015, với mô hình “Bảo vệ môi trường”, UBND xã đã lên kế hoạch và đầu tư kinh phí là 12 triệu đồng để xây dựng 45 bể chứa bao bì thuốc BVTV bằng bê tông, đặt ngay trên các cánh đồng của địa phương. Nhìn chung, bước đầu mô hình này đã cho thấy những hiệu quả nhất định và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương.
 
Có thể thấy, không xả rác thải, bao bì thuốc BVTV ra cánh đồng chỉ là một hành động nhỏ, nhưng hành động nhỏ ấy nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân xã Nam Ninh sẽ tạo nên một nét đẹp mới. Từ đó, câu chuyện đảm bảo môi trường nông nghiệp nông thôn hay bảo vệ sức khỏe nhà nông cũng chỉ là một vấn đề rất nhỏ, nếu người dân ý thức hơn về công tác bảo vệ môi trường.
 
Để phát huy hiệu quả của mô hình các cống bi trên đồng ruộng, trong thời gian tới, xã Nam Ninh không ngừng tuyên truyền để nâng cao ý thức của người nông dân về trách nhiệm tự thu gom các loại vỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV sau khi sử dụng cần bỏ vào các cống bi trên đồng ruộng và không vứt rác bừa bãi ra các kênh mương, đồng ruộng.
 
THÂN THU HIỀN