Ka Dis: Luôn trăn trở vị thế của người phụ nữ K'Ho

06:09, 19/09/2019

Cô gái K'Ho xuất thân từ buôn Ka Ming, thị trấn Di Linh, Ka Dis giản dị như bất cứ người con gái K'Ho Srê nào từ buôn làng cao nguyên. Nhưng với 15 năm gắn bó với công tác dân tộc, nỗi trăn trở về thân phận, địa vị của người phụ nữ K'Ho chưa bao giờ ngưng nghỉ trong lòng cô.

Cô gái K’Ho xuất thân từ buôn Ka Ming, thị trấn Di Linh, Ka Dis giản dị như bất cứ người con gái K’Ho Srê nào từ buôn làng cao nguyên. Nhưng với 15 năm gắn bó với công tác dân tộc, nỗi trăn trở về thân phận, địa vị của người phụ nữ K’Ho chưa bao giờ ngưng nghỉ trong lòng cô.
 
Ka Dis trong trang phục thổ cẩm của người K’Ho Srê
Ka Dis trong trang phục thổ cẩm của người K’Ho Srê
Ngay từ những giây đầu tiên gặp Ka Dis, cô đã rất vui vẻ giới thiệu, em tới từ buôn Ka Ming của Di Linh, buôn rất tự hào được gọi là “Buôn đại học”. Sinh năm 1981, năm 2003, sau khi học xong cao đẳng, cô gái K’Ho đăng ký vào đội trí thức trẻ tình nguyện và công tác ở Đạ Huoai hai năm cho tới năm 2005, cô vào làm việc tại Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Suốt 15 năm công tác, cô được giao nhiều nhiệm vụ, từ lập kế hoạch hàng năm và trực tiếp theo dõi việc cấp phát trợ cấp xã hội cho học sinh sinh viên DTTS đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; mô hình thí điểm về Bình đẳng giới; Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS cho tới hàng chục các công việc lớn nhỏ khác do cơ quan giao trách nhiệm. Với công việc nào cô cũng hết lòng, với sự nhiệt tình của tuổi trẻ và tinh thần được rèn luyện qua khó khăn. Anh Bonyo Soan, Phó Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng đánh giá, Ka Dis nhiệt tình, năng nổ, dấn thân vào công việc, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với gia đình, cô là người vợ đảm, người mẹ hiền và là người con hiếu thảo. 
 
Nhiệm vụ được giao với vai trò công chức nhưng với Ka Dis, những nhiệm vụ ấy còn mang ý nghĩa đặc biệt. Bởi thực hiện mỗi công việc, Ka Dis lại thấy cuộc sống của người phụ nữ K’Ho thay đổi một chút theo chiều hướng tốt hơn. Ka Dis bảo, người K’Ho theo mẫu hệ nhưng phụ quyền, vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng bị đánh giá thấp hơn người đàn ông nhiều. Là con gái đi ra từ buôn, cô thấu hiểu nỗi buồn đó hơn ai hết. Cô kể, cô được giao phụ trách Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025. Qua khảo sát sơ bộ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng các giai đoạn: 5 năm từ 2010-2016 có 739 cặp tảo hôn và 25 cặp hôn nhân cận huyết thống; giai đoạn 2017-2018 có 277 cặp tảo hôn và 2 cặp hôn nhân cận huyết thống. Mỗi con số trên là một sự vất vả, khó khăn của cả gia đình, trong đó chịu hậu quả nặng nhất là người phụ nữ và những đứa trẻ. Vì vậy, dù vất vả nhưng cô vẫn lao vào công việc, đi đến từng buôn nằm trong đề án, tìm hiểu tâm tư của bà con, thuyết phục, vận động để có thông tin, từ đó tham mưu những ý kiến phù hợp với thực tế. Bà con thôn Tupoh và Long Lanh, xã Đạ Chais vẫn không quên cô cán bộ nhanh nhẹn, xuống từng nhà, đọc trên loa phát thanh các nội dung về bình đẳng giới với những mục rất cụ thể: không đánh vợ, đánh con, cho con gái đi học hay bớt uống rượu. 
 
Với mỗi công việc của mình, Ka Dis thấy được số phận của người phụ nữ K’Ho ngày càng thay đổi, được tôn trọng hơn, có kinh tế hơn, được tham gia vào việc quyết định những công việc trong cộng đồng và gia đình. Với mỗi bé gái được tới trường, được kết hôn đúng tuổi, được kết hôn với bạn đời tự nguyện sẽ có thêm cơ hội cho một gia đình ấm áp và thêm những đứa trẻ hạnh húc. Cô cười, may mắn em là người K’Ho, hiểu biết tâm tư tình cảm của bà con, hiểu thấu cuộc sống của bà con, nói tiếng nói của bà con nên việc tuyên truyền, vận động cũng dễ dàng hơn rất nhiều. Mỗi ngày, bước chân của cô gái Srê Ka Dis càng vươn xa hơn, tới nhiều buôn làng hơn, thực hiện thêm nhiều hoạt động hơn. Và trong mỗi việc làm ấy, hành động ấy ẩn chứa khát khao của cô gái: nâng cao vị thế của người phụ nữ K’Ho trong gia đình, trong cộng đồng nhỏ và ngoài xã hội.
 
DIỆP QUỲNH