Còn ít ứng viên tham gia dự tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở

06:05, 08/05/2020

Trong 2 năm Lâm Đồng triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, vẫn còn rất ít người tham gia dự tuyển vào các chức danh này.

Trong 2 năm Lâm Đồng triển khai thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, vẫn còn rất ít người tham gia dự tuyển vào các chức danh này.
 
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tặng hoa cho các ứng viên thi chức danh Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Diệu Hiền
Lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ tặng hoa cho các ứng viên thi chức danh Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Diệu Hiền
 
Đổi mới cách tuyển chọn
 
Là một trong 22 tỉnh, thành trong cả nước được chọn thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp sở, cấp phòng ở cấp địa phương, Lâm Đồng đã thực hiện đề án này từ năm 2017. 
 
Với tên gọi đầy đủ “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”, đề án này chính là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước hiện nay trong việc đổi mới công tác cán bộ, được thực hiện ở 2 cấp: cấp Trung ương và cấp địa phương. 
 
Như mục tiêu mà Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đã đặt ra, triển khai đề án nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng những người có đức, có tài, phát huy được phẩm chất, trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác, đóng góp trí tuệ, sức lực cho sự phát triển bền vững của đất nước; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; góp phần thực hiện tốt chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
 
Cùng đó, việc thi tuyển các chức danh cũng góp phần tạo dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh; từng bước đổi mới quy trình bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế và loại trừ dần dần tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lâu nay.
 
Tại cấp trung ương có 14 cơ quan được chọn thí điểm đề án, cấp địa phương có 22 tỉnh, thành được chọn. Với cấp trung ương, trong 14 cơ quan được chọn thì đã có 12 cơ quan tổ chức thi tuyển trong 3 năm gần đây với 29 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ và cấp phòng. Kết quả có 42 ứng viên trúng tuyển trong đó có 32 ứng viên cấp vụ; 10 ứng viên cấp phòng.
 
Còn tại địa phương, trong 22 tỉnh, thành được chọn, đã có 17 địa phương mà Lâm Đồng nằm trong số ấy đã tổ chức thi tuyển 86 chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở và cấp phòng; kết quả có tổng cộng 368 ứng viên trúng tuyển, trong đó có 33 ứng viên cấp sở và 335 ứng viên cấp phòng.
 
Vì sao còn quá ít ứng viên? 
 
Với Lâm Đồng, sau khi có kết luận của Bộ Chính trị, tỉnh đã ban hành đề án số 01-ĐA/TU và bắt đầu thực hiện đề án này từ năm 2017.
 
Trong năm 2017, tỉnh đã thông báo tổ chức thi tuyển vào 4 chức danh cấp sở, gồm 1 Phó Giám đốc Sở Y tế, 1 Phó Giám đốc Sở Tư pháp, 1 Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu Công nghiệp và 1 Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong năm 2018 tỉnh tiếp tục thông báo tổ chức thi tuyển cho 3 chức danh cấp sở, gồm 1 Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; 1 Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1 Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Du lịch hồ Tuyền Lâm. Sau khi tổ chức thi tuyển, Lâm Đồng đã chọn được 3 chức danh đó là Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng ban Quản lý các Khu công nghiệp và Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
 
Với cấp phòng, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã ban hành Quy chế thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay mới chỉ có 1 đơn vị là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng tổ chức thi tuyển được 1 chức danh lãnh đạo cấp phòng.
 
Theo đánh giá của tỉnh, việc thi tuyển chức danh lãnh đạo được xã hội đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong bổ nhiệm cán bộ. Tuy nhiên, Lâm Đồng vẫn gặp phải những bất cập, khó khăn nhất định. 
 
Trước nhất, cứ mỗi lần thi tuyển một chức danh tỉnh lại phải thành lập riêng một hội đồng, mỗi hội đồng này phải thành lập tổ giúp việc, ban đề thi, ban coi thi, ban phách, ban phúc khảo... rất cồng kềnh, tốn kém và mất thời gian. Chính vì vậy, tỉnh đã đề nghị với Trung ương, cụ thể là với Bộ Nội vụ thống nhất thay đổi theo hướng cho phép thành lập chung 1 hội đồng để thi tuyển các chức danh theo đợt hay theo năm. Hội đồng này sau đó sẽ vận hành chung cho các chức danh cần thi tuyển. 
 
Nhưng khó khăn nhất của tỉnh trong thi tuyển chức danh trên chính là việc có quá ít ứng viên đăng ký dự tuyển vào các vị trí này. Cụ thể, trong 6 chức danh được thông báo trên, chỉ có 3 chức danh có đủ số lượng ứng viên để tổ chức thi tuyển, trong đó có chức danh chỉ có 2 người đăng ký thi tuyển cho 1 vị trí, chính vì vậy tính cạnh tranh qua thi tuyển không cao. 
 
Tuy nhiên, như Bộ Nội vụ cho biết, tình trạng ít ứng viên dự tuyển này không chỉ xảy ra ở Lâm Đồng mà nhiều tỉnh, thành khác trong nước và ngay cả ở các cơ quan Trung ương cũng gặp phải. Nhiều cán bộ, công chức e ngại dự thi vì nếu dự thi mà không trúng tuyển sẽ ảnh hưởng đến uy tín và công việc. Ngay cả những cán bộ, công chức trong diện quy hoạch chức danh và tương đương của các cơ quan, đơn vị cũng ngại đăng ký dự thi. Điều này đã dẫn đến nhiều nơi số lượng ứng viên đăng ký tham dự thi tuyển một số chức danh rất ít, thậm chí có nơi chỉ một ứng viên đăng ký thi tuyển cho 1 vị trí.
 
Cùng đó, lãnh đạo nhiều cơ quan, đơn vị lại có xu hướng định hướng các ứng viên nằm trong quy hoạch chức danh cán bộ cần tổ chức thi tuyển, cho nên phần lớn những người đăng ký dự tuyển cho các kỳ thi thường nằm trong quy hoạch các chức danh này. Nhưng như đánh giá của Bộ Nội vụ, nếu tổ chức thi tuyển với những ứng viên như thế, sẽ ít thiết thực và rất lãng phí thời gian cùng kinh phí.
 
Vẫn còn rất nhiều điều cần điều chỉnh từ cấp Trung ương để các cuộc thi tuyển này phù hợp với thực tiễn, phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương đang đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển đến các bộ, ngành và địa phương trong thời gian đến mà điểm nổi bật phải xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển. 
 
GIA KHÁNH