Khiếu nại kéo dài, dựng nhà trên đất công trái pháp luật

10:06, 16/06/2020

(LĐ online) - Dù đã được nhiều cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng giải quyết thuận tình, đúng quy định pháp luật việc khiếu nại đòi 2.580 m2 đất nhưng một gia đình tại huyện Đức Trọng vẫn không chấp thuận, còn dựng nhà tiền chế trên đất công trái pháp luật. 

 

(LĐ online) - Dù đã được nhiều cấp chính quyền tỉnh Lâm Đồng giải quyết thuận tình, đúng quy định pháp luật việc khiếu nại đòi 2.580 m2 đất nhưng một gia đình tại huyện Đức Trọng vẫn không chấp thuận, còn dựng nhà tiền chế trên đất công trái pháp luật. 
 
Căn nhà tôn tiền chế hộ bà Huệ xây dựng trái phép trong khuôn viên Nhà văn hoá xã Hiệp Thạnh nhìn từ đường Quốc lộ 20 vào (Ảnh chụp ngày 2/6)
Căn nhà tôn tiền chế hộ bà Huệ dựng trái pháp luật trong khuôn viên Nhà văn hoá xã Hiệp Thạnh nhìn từ đường Quốc lộ 20 vào (Ảnh chụp ngày 2/6)
 
Nguồn gốc sự việc
 
Theo hồ sơ vụ việc, năm 1976, ông Phạm Thanh Hiệp nhận sang nhượng của bà Nguyễn Thị Hoài 7.770 m2 đất tại thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng.
 
Tới năm 1978, ông Hiệp chấp thuận đưa toàn bộ diện tích đất trên vào Hợp tác xã (HTX) Nam Hiệp theo chủ trương của Nhà nước. Trong 7.770 m 2 đất của ông Hiệp đưa vào làm ăn tập thể, HTX phân chia 5.190 m 2 cho 4 hộ khác để sản xuất. Sau khi HTX giải thể, ông Hiệp đã nhận tiền thành quả lao động của 4 hộ dân trên với số tiền 10.610.000 đồng; đồng thời, HTX Nam Hiệp giao lại 4.190 m 2 cho hộ ông Hiệp làm nhà ở và đất sản xuất.
 
Với diện tích 2.580 m 2 còn lại, UBND xã Hiệp Thạnh khi đó đưa vào làm trụ sở HTX, nay là Nhà văn hoá xã Hiệp Thạnh và quản lý theo dạng đất chuyên dùng phục vụ cho mục đích công cộng. 
 
Năm 1994, ông Hiệp bắt đầu có đơn khiếu nại đòi lại diện tích 2.580 m 2 nêu trên. UBND huyện Đức Trọng đã ban hành Quyết định số 388/QĐ-UBND (ngày 31/12/1994) với nội dung: "Chấp nhận điều chỉnh cho ông Hiệp 1 lô đất thổ cư có mặt tiền Quốc lộ 20 thay cho việc đền bù thành quả lao động đối với diện tích 2.580 m 2 nêu trên”. Tuy nhiên, suốt 6 năm sau đó, ông Hiệp không nhận lô đất trên với lý do “Diện tích đất quá ít, bề mặt sình lầy” và tiếp tục có đơn khiếu nại.
 
Đến ngày 12/12/2000, UBND huyện Đức Trọng ban hành Quyết định số 1123/QĐ-UB thu hồi Quyết định số 388/QĐ-UBND (ngày 31/12/1994) của UBND huyện. Theo đó, UBND huyện Đức Trọng chấp thuận cho ông Hiệp được hưởng thành quả lao động trên diện tích đất 2.580 m 2 tại thôn Phú Thạnh và giao UBND xã Hiệp Thạnh thực hiện việc trả thành quả lao động cho ông Phạm Thanh Hiệp. Do ông Hiệp không chấp thuận nhận số tiền trả thành quả lao động này nên đến năm 2008, UBND xã Hiệp Thạnh đã gởi số tiền 5.351.436 đồng vào Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long mang tên ông Hiệp với hình thức không kỳ hạn.
 
Không đồng ý với Quyết định trên, ông Hiệp tiếp tục khiếu nại lên UBND tỉnh Lâm Đồng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Thanh tra tỉnh phúc tra, giải quyết vụ việc nhiều lần và đều bác đơn khiếu nại của gia đình ông Phạm Thanh Hiệp nội dung trả lời: “Không chấp nhận việc khiếu nại của ông Phạm Thanh Hiệp đòi lại 2.580 m 2 đất cũ tại thôn Phú Thạnh vì toàn bộ diện tích đất này trước đây do HTX nông nghiệp quản lý và hiện nay chính quyền địa phương đang sử dụng theo dạng đất chuyên dùng phục vụ cho lợi ích công cộng; giữ nguyên Quyết định số 1174/QĐ-UB ngày 27/12/2000 của UBND huyện Đức Trọng”.
 
Sau khi ông Phạm Thanh Hiệp mất, bà Trần Thị Huệ (vợ ông Hiệp) tiếp tục khiếu nại nhiều lần lên các cấp đòi lại 2.580 m 2. Tất cả các lần khiếu nại, các cấp chính quyền đều bác bỏ vì không có căn cứ để giải quyết.
 
Dựng nhà tiền chế trên đất công
 
Cho rằng các cấp chính quyền giải quyết không thoả đáng, trong thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5, vào đêm 2/5/2020, gia đình bà Trần Thị Huệ đã tiến hành dựng 1 nhà tiền chế bằng khung sắt, vách lợp tôn, mái tôn, nền xi măng, diện tích 30 m 2 trên đất công đang làm Nhà văn hóa xã Hiệp Thạnh (thửa đất số 2002, tờ bản đồ số 04, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng). Bên trong căn nhà tiền chế, gia đình Bà Huệ bố trí 1 chiếc giường và 1 chiếc võng xếp.
 
Theo giải thích của bà Trần Thị Huệ trong “Đơn cầu cứu” gửi UBND huyện Đức Trọng ngày 8/5, hành động dựng căn nhà của gia đình là do: “Từ năm 1978 tới nay, gia đình tôi nhiều lần khiếu nại yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền trả lại phần đất nhưng không được giải quyết. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của gia đình, tôi đã dựng 1 căn nhà có diện tích 30 m 2…”. 
 
XÁC ĐỊNH ĐÚNG HÀNH VI VI PHẠM ĐỂ XỬ LÝ THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT
 
Liên quan đến việc dựng nhà trái phép trên đất công của gia đình bà Huệ, ngày 10/6/2020, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo, yêu cầu trả lại toàn bộ hồ sơ vụ việc cho UBND huyện Đức Trọng. UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Đức Trọng chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương xác định đúng hành vi vi phạm để có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật nhằm ổn định tình hình và đảm bảo trật tự tại địa phương.

 

Liên quan tới vụ việc đòi đất kéo dài nhiều năm qua của gia đình ông Hiệp và bà Huệ, qua trao đổi với Thanh tra tỉnh Lâm Đồng ngày 27/5, đơn vị cho biết trong 2 lần thẩm tra, xác minh đơn khiếu nại, thì nội dung khiếu nại của gia đình ông Hiệp không có cơ sở để giải quyết. 

Trong kết luận xác minh Thanh tra tỉnh báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng vào tháng 12/2006 nhận định rõ: “Việc gia đình ông Phạm Thanh Hiệp đòi lại 2.580 m 2 đất là không thể chấp nhận được vì diện tích đất này trước kia gia đình ông Hiệp đưa vào HTX nông nghiệp và hiện do UBND xã Hiệp Thạnh quản lý. Hơn nữa, qua xem xét, thực tế gia đình ông Hiệp đưa vào HTX 7.770 m 2 nhưng đã được HTX giao lại 4.190 m 2 để làm nhà ở và đất sản xuất; được 4 hộ sử dụng đất của gia đình (HTX giao trước đây) thanh toán thành quả lao động trên diện tích 5.190 m 2. Như vậy, hộ ông Hiệp đã nhận vượt 1.610 m 2 so với diện tích gia đình ông đưa vào HTX.
 
Tuy nhiên, UBND huyện Đức Trọng vẫn chấp nhận cho gia đình ông Hiệp được hưởng thành quả lao động trên diện tích 2.580 m 2 đất là thoả đáng”.
 
Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Đức Trọng tiếp tục thực hiện Quyết định giải quyết số 472/QĐ-UB ngày 26/2/2002 của UBND tỉnh về giải quyết đơn khiếu nại của ông Phạm Thanh Hiệp. 
 
“Người dân không thiệt thòi”
 
Qua xem xét hồ sơ vụ việc, Luật sư Trương Văn Hoàng, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng, nhận định: Qua quá trình tìm hiểu để làm rõ vấn đề từ nhiều phía, có thể thấy rằng vụ việc khiếu nại của gia đình ông Phạm Thanh Hiệp - bà Trần Thị Huệ đòi lại 2.580 m 2 đất tại thôn Phú Thạnh đã được các cấp chính quyền giải quyết theo đúng trình tự quy định của pháp luật.
 
Theo Luật sư Hoàng, thứ nhất, ông Phạm Thanh Hiệp đưa vào HTX 7.770 m 2, nhưng đến nay trên thực tế ông Hiệp đã nhận lại đất và tiền thanh toán thành quả trên đất tổng cộng diện tích là 9.380 m 2, nhiều hơn diện tích đất của gia đình ông đưa vào HTX là 1.610 m 2 đất. Do đó, gia đình ông không hề bị thiệt thòi gì cả. 
 
Thứ hai, căn cứ Điều 75, Luật Đất đai 2013 và các văn bản dưới luật liên quan đến việc thu hồi và đền bù thì 2.580 m 2 đất tại thôn Phú Thạnh là quy hoạch đất công, xây dựng Nhà văn hóa xã, được Nhà nước giao cho UBND xã Hiệp Thạnh quản lý, thì gia đình bà Huệ không được nhận đền bù trên diện tích 2.580 m 2 đất này.
 
Ở đây, có một vấn đề cần quan tâm, đó là thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hiệp Thạnh phối hợp với các ngành liên quan tổ chức chi trả tiền thành quả lao động cho ông Hiệp, nhưng ông Hiệp không nhận. Do vậy, ngày 3/6/2008, UBND xã Hiệp Thạnh đã gởi số tiền 5.351.436 đồng vào Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long mang tên ông Hiệp với hình thức không kỳ hạn, là việc làm rất nhân văn. 
 
Thứ ba, theo Khoản 5, Điều 26 và Khoản 1, Điều 12 Luật Đất đai 2013 và theo quy định tại Điều 3, Nghị định 102/2014/NĐ-CP xử lý hành chính trong lĩnh vực đất đai thì việc gia đình bà Trần Thị Huệ tiến hành dựng nhà trên khuôn viên Nhà văn hoá xã Hiệp Thạnh là hành vi vi phạm pháp luật. Về phía gia đình bà Huệ cho đến nay vẫn không chấp hành tháo dỡ căn nhà tạm thì căn cứ theo quy định tại Điều 132, Luật Đất đai 2013 quy định về đất công ích thì UBND xã Hiệp Thạnh là đơn vị quản lý cho nên UBND xã ra thông báo yêu cầu gia đình bà Trần Thị Huệ tự tháo dỡ công trình tiền chế đã lắp dựng trái phép và bàn giao mặt bằng cho UBND xã Hiệp Thạnh là đúng chức năng quản lý của mình.
 
“Chúng tôi nghĩ rằng việc làm phù hợp nhất lúc này là gia đình bà Huệ nên tự tháo dỡ căn nhà tiền chế dựng trái phép trên đất công, chấp hành các quyết định của chính quyền đã giải quyết. Làm thủ tục thừa kế của ông Hiệp để ra ngân hàng nhận số tiền Nhà nước hỗ trợ gửi không kỳ hạn mang tên ông Hiệp là 5.351.436 đồng tiền gốc, tại Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long” - Luật sư Hoàng nhận xét.
 
GIA ĐÌNH ĐÃ CÓ NHÀ Ở ỔN ĐỊNH
 
Liên quan tới thông tin gia đình bà Huệ khó khăn về nhà ở, đất sản xuất, bà Phạm Thị Thanh Thuý - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng thông tin: Gia đình ông Phạm Thanh Hiệp và bà Trần Thị Huệ đã có nhà ở ổn định. Gia đình bà Huệ đang sử dụng diện tích khoảng 12.000 m2; trong đó, có 800 m2 đất ở tại xã Hiệp Thạnh. Vì vậy, gia đình ông Hiệp, bà Huệ không khó khăn về nhà ở, đất ở và đất sản xuất nông nghiệp.
 
Ngoài ra, ông Phạm Thanh Hiệp là thương binh, các chế độ liên quan đều được hưởng theo quy định của Nhà nước. Tháng 10/2019, UBND xã Hiệp Thạnh đã hỗ trợ cho gia đình ông Hiệp số tiền 25 triệu đồng để sửa nhà..
 
Nhóm PV