Nâng chất lượng nông sản, mở rộng kênh phân phối

05:09, 22/09/2020

Đưa nông sản vào siêu thị, xuất khẩu… luôn là bài toán khó đối với người nông dân, bởi những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Nông dân Lâm Đồng đã chủ động hơn trong "cuộc chơi" này, họ đã thay đổi tư duy sản xuất, nhằm tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra.

Đưa nông sản vào siêu thị, xuất khẩu… luôn là bài toán khó đối với người nông dân, bởi những yêu cầu khắt khe, nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Nông dân Lâm Đồng đã chủ động hơn trong “cuộc chơi” này, họ đã thay đổi tư duy sản xuất, nhằm tìm kiếm đối tác để tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra.
 
Xuất khẩu rau sang thị trường Hàn Quốc của Trang trại Trường Phúc
Xuất khẩu rau sang thị trường Hàn Quốc của Trang trại Trường Phúc
 
Hộ bà Đinh Thị Xuân Mai, ở thôn Suối Thông B2, xã Đạ Ròn (Đơn Dương) đã liên kết với Công ty MM Mequa Market để sản xuất 1,7 ha rau sạch cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, bà còn liên kết được với nhiều hộ nông dân khác cùng chuyển hướng làm rau sạch để giá cả và đầu ra không còn bấp bênh. Gia đình bà Mai bắt đầu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP ngay từ năm 2007 - khi hệ thống METRO mở trụ sở ở Đức Trọng và “khoanh vùng” nguyên liệu đến tận Đơn Dương. Theo lời tâm sự của bà Mai, lúc đầu thực tình bà thấy khó chịu với việc  ghi ghi chép chép, làm đến đâu thì kiểm tra kỹ thuật có đạt hay không đạt đến đó..., nhưng riết rồi cũng quen, vả lại, đây là lối canh tác hiện đại để cho ra sản phẩm rau đạt tiêu chuẩn nên phải áp dụng. Hiện Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B có 20 thành viên và liên kết thêm 12 hộ với diện tích sản xuất 40 ha, trồng nhiều loại rau, củ cung ứng cho hệ thống siêu thị MM Mega Market.
 
Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh rau an toàn Hội Toàn (xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng) là một đơn vị sản xuất áp dụng các quy trình trồng rau VietGAP. Họ là một trong những đơn vị trên địa bàn có số lượng sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị với khoảng 3 tấn/tuần. Hiện tại HTX có diện tích 18 ha với 14 hộ nông dân để trồng các loại rau màu cung ứng cho hệ thống siêu thị VinMart. Giám đốc HTX Trương Văn Hội chia sẻ, điều quan trọng nhất để đưa sản phẩm của mình vào hệ thống bán lẻ của các siêu thị là người nông dân phải tạo niềm tin đối với khách hàng cũng như tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường bằng việc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, cam kết sản xuất các loại sản phẩm nông sản an toàn, đảm bảo theo yêu cầu của nhà phân phối. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, quảng bá sản phẩm có vai trò quan trọng để đưa sản phẩm vươn xa tới đông đảo người tiêu dùng.
 
Thị trường xuất khẩu cũng được nông dân coi trọng, Trang trại Trường Phúc (xã Đạ Sar, Lạc Dương) là một đơn vị như vậy, đơn vị đã xuất khẩu hàng trăm trấn rau thủy canh qua thị trường này. Ông Tô Quang Dũng, Giám đốc trang trại cho biết, ông tìm hiểu thông tin mùa Đông trên xứ Hàn thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 3, thời tiết lạnh giá nên nhiều vùng nông nghiệp gặp bất lợi trong sản xuất rau xanh. Trong khi đó, thời điểm này ở Đà Lạt và các vùng phụ cận có thời tiết dịu mát, rất thuận lợi cho sản xuất rau, nên việc xuất khẩu rau sang Hàn Quốc rất tiềm năng. Hiện nay, sản lượng sản xuất rau thủy canh của công ty là 300 tấn/năm, 20% rau sản xuất ra để xuất khẩu, còn lại, công ty tập trung khai thác thị trường nội địa bằng cách cung cấp cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh và hệ thống siêu thị BigC trên toàn quốc. 
 
Cũng theo Giám đốc Tô Quang Dũng, để đáp ứng được các tiêu chí, tiêu chuẩn xuất khẩu qua thị trường khó tính Hàn Quốc thì chất lượng là điều kiện tiên quyết, bao gồm chất lượng về hóa lý, côn trùng và đặc biệt là ngoại quan của sản phẩm. 
 
Khi sản xuất nông nghiệp phát triển thì vấn đề tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho nông sản là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của nông sản đó. Vì vậy, việc kết nối cung - cầu được coi là mắt xích liên kết không thể thiếu giữa nhà sản xuất và nhà phân phối.
 
 Đại diện của hệ thống siêu thị MM Mega Market chia sẻ, hiện nay đơn vị mong muốn có thêm nhiều buổi gặp gỡ đối thoại giữa nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến nông sản, để nắm bắt thông tin, tìm hiểu nhu cầu của nhau cũng như tìm phương án gỡ những “nút thắt” về điều kiện cung ứng sản phẩm vào siêu thị, một số khúc mắc trong hợp đồng... Từ đó, có thể phát triển thêm các kênh bán nông sản chất lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn đối với các loại nông sản thế mạnh của địa phương,
 
Thời gian qua, Sở Công thương đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tỉnh với các địa phương khác, cũng như nhiều hệ thống bán lẻ. Trong đó, có triển khai hoạt động xúc tiến thương mại chuyên đề Nông dân - nông nghiệp - nông thôn với các chương trình về liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa các hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ, trang trại, nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh… Đồng thời, phối hợp với các siêu thị, hệ thống bán lẻ và các địa phương có thêm những chuyên đề, phương án tìm hướng phát triển thêm các kênh phân phối đối với các mặt hàng, nông sản của địa phương thông qua những cuộc hội thảo, trao đổi giữa các bên.
 
HOÀNG YÊN