Sau những ngày tháng dài chờ đợi điện lưới quốc gia, những thôn buôn cuối cùng của Lâm Đồng đã được soi sáng ánh điện đêm về...
Sau những ngày tháng dài chờ đợi điện lưới quốc gia, những thôn buôn cuối cùng của Lâm Đồng đã được soi sáng ánh điện đêm về. Thăm lại 7 thôn cuối cùng trên địa bàn tỉnh đón nhận nguồn sáng mới thấy, điện lưới quốc gia đã làm thay đổi bộ mặt của những làng quê xa xôi.
|
Cô và trò phân trường Phúc Cát, Trường TH Phúc Thọ 2 vui mừng dạy và học trong ánh điện sáng |
30 năm chờ đợi điện về
Cô giáo Nguyễn Thị Túc, giáo viên lớp 1 phân trường Phúc Cát, Trường Tiểu học Phúc Thọ 2, Lâm Hà vui mừng khi sử dụng máy chiếu dạy các bạn học sinh của mình. Cô tâm sự, so với học trò ở trung tâm, phân trường Phúc Cát thiệt thòi vô cùng. Điện không có, cô và trò toàn học “chay”. Thậm chí vào mùa nắng, lớp học không có quạt, không có nước phục vụ việc vệ sinh. Và khi điện lưới quốc gia về với Phúc Cát, cô và trò của phân trường thật sự vui mừng. Có điện nên trường lắp quạt, lắp bóng chiếu sáng, có máy bơm nước phục vụ cô trò. Các dụng cụ phục vụ việc dạy và học theo phương pháp mới như máy chiếu, máy tính...được đưa vào giảng dạy, các con lần đầu được học hỏi, tìm hiểu thế giới bên ngoài thông qua màn hình, không chỉ là lời giảng của cô hay những bức ảnh tĩnh.
Và cùng với niềm vui của cô trò phân trường Phúc Cát, những người nông dân trong thôn cũng rất phấn khởi. Ông Hoàng Văn Dương, Trưởng thôn Phúc Cát phấn khởi khoe, người Tày, Nùng Phúc Cát đã chờ điện sáng tròn 30 năm. Từ năm 1991, khi những người dân Tày, Nùng từ Cao Bằng, Bắc Kạn vào Phúc Cát, bà con đã mong mỏi điện lưới quốc gia đến với quê mới. Không có điện, không thể tưới cà phê ở những đồi cao, con cháu phải học trong đèn dầu, ông mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi là cả thôn chìm trong bóng đêm sâu thẳm của cao nguyên. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, giờ đây bà con trong thôn đã mua máy bơm nước về tưới cây ở rẫy cao, máy xay xát, ti vi, tủ lạnh... phục vụ đời sống gia đình. Dù đi nương, đi rẫy về muộn, gia đình ông không còn phải lo nhóm bếp củi nấu cơm, thắp đèn dầu chiếu sáng. Nói như ông Dương là “chỉ cần bật một cái là sáng cả nhà, giờ ban đêm Phúc Cát sáng trưng, cả thôn đều vui”.
Cùng vui niềm vui với Phúc Cát là thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ; là Thôn 3, Thôn 4, thôn Vĩnh Ninh của xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên hay Nao Quang, thôn giữa rừng thuộc xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm nằm cách trụ sở xã tới gần 20 km. Các thôn trên đều mang đặc điểm xa trung tâm, đời sống còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt. Nếu chỉ chờ vào sức của dân thì không biết đến bao giờ mới có điện để sử dụng. Không có điện, từ sản xuất kinh doanh cho tới đời sống sinh hoạt, việc học hành của con trẻ đều rất khó khăn. Cà phê không tưới được vào mùa khô, trồng cây trồng rau chỉ trông vào nước trời. Không có điện khiến đời sống của bà con bị bó hẹp trong “vùng tối”, khó tiếp cận thông tin để cải thiện cuộc sống.
Và theo những đường dây điện về
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lâm Đồng vô cùng vui mừng với sự thay đổi của 7 thôn cuối cùng có điện trong tỉnh. Ông cho biết: “Đưa điện lưới quốc gia về 7 thôn cuối cùng chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là nhiệm vụ được Công ty đặt lên hàng đầu. Thực sự tính về mặt kinh tế, việc kéo điện lưới quốc gia về 7 thôn là bài toán rất khó khăn. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ để nâng cao quyền lợi của bà con, thực hiện nhiệm vụ được ngành điện giao phó”.
Ông Nguyễn Văn Dũng chia sẻ, Dự án Cấp điện cho các thôn chưa có điện trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có tổng kinh phí xấp xỉ 30 tỷ đồng. Dự án thực hiện từ năm 2017 đến nay đã cấp điện cho 7 thôn cuối cùng gồm: Thôn 3, Thôn 4, thôn Vĩnh Ninh (xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên), tổng mức đầu tư trên 6,9 tỷ đồng; thôn Nao Quang (xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm) với tổng mức đầu tư trên 10 tỷ đồng; thôn R'Hang Trụ, thôn Phúc Cát (xã Phúc Thọ), thôn Phúc Thạch (xã Liên Hà), cùng huyện Lâm Hà, tổng mức đầu tư trên 11 tỷ đồng.
Dự án đã xây dựng trên 50 km đường dây trung thế 1 pha; trên 50 đường dây hạ thế 1 pha độc lập, 1 pha hỗn hợp; 21 trạm biến áp đưa điện tới 670 hộ dân. Chưa kể tới đây còn lắp đặt công tơ, nhánh rẽ vào các hộ dân cũng như Công ty tặng mỗi hộ dân 2 bóng đèn thắp sáng tiết kiệm năng lượng. Trung bình, xuất đầu tư mỗi hộ xấp xỉ 50 triệu đồng/ hộ. Nếu chỉ tính đơn thuần về mặt kinh tế, việc kéo điện tới các thôn vùng sâu, vùng xa là một bài toán vô cùng khó khăn vì việc thu hồi vốn đã là chuyện rất khó, chưa kể tới tính lãi. Vì nhiệm vụ chính trị, phục vụ bà con nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện sống, điều kiện sản xuất nên Công ty Điện lực Lâm Đồng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ này.
Từ thời điểm điện lưới quốc gia về trên 7 thôn, buôn cuối cùng của Lâm Đồng, đời sống của các thôn, buôn đã thay đổi rõ rệt. Nói như ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, từ khi có điện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, đặc biệt là phục vụ tưới nước cho sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cũng quan tâm đầu tư về đường giao thông và cơ sở hạ tầng trong toàn xã. Đến hết năm 2019, xã Phúc Thọ là một trong 14 xã của huyện được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Những năm dài chờ đợi ánh sáng của bà con để rồi hôm nay được đền đáp chỉ với một cái bật công tắc đơn giản, mỗi ngôi nhà, mỗi mái trường, mỗi thôn xóm đều sáng bừng trong ánh điện.
|
Công nhân ngành điện đưa ánh sáng về vùng sâu |
DIỆP QUỲNH