Người dân chủ động thu gom túi ni long sau khi thả cá chép

04:02, 04/02/2021

(LĐ online) - Sáng 4/2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), sau khi làm lễ, người dân đã thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời theo tục lệ truyền thống.

(LĐ online) - Sáng 4/2 (nhằm ngày 23 tháng Chạp), sau khi làm lễ, người dân đã thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời theo tục lệ truyền thống.
 
Phần lớn người dân thả cá chép đều ý thức thu gom túi nilon bảo vệ môi trường
Phần lớn người dân thả cá chép đều ý thức thu gom túi nilon bảo vệ môi trường
 
Ghi nhận tại TP Bảo Lộc, từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 23 tháng Chạp, đông đảo người dân địa phương đã ra các hồ Đồng Nai thượng, Đồng Nai hạ và hồ Nam Phương thả cá chép để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Việc thả cá chép thể hiện tín ngưỡng tốt đẹp lâu đời của người dân Việt Nam.
 
Ghi nhận cho thấy, hầu hết người dân đều sử dụng túi nilon mang cá chép ra các hồ để thả. Sau khi thả xong cá chép, bà con đều ý thức tự giác gom túi nilon đưa về nhà hoặc tập kết đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Hồng Anh, ngụ Phường 2 (TP Bảo Lộc), cho hay: “Túi nilon là vật khó phân hủy và nếu không được thu gom, xử lý đúng cách sẽ gây nguy hại cho môi trường, làm biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Bản thân tôi và người thân trong gia đình luôn ý thức việc thu gom, tập kết túi nilon đúng nơi quy định. Mình mang túi nilon đi thả cá chép thì phải tự giác thu gom. Còn người nào vứt bỏ lại thì ý thức bảo vệ môi trường của họ chưa tốt, nên cần lên án”.
 
Tuy người dân sử dụng túi nilon đựng cá chép rất nhiều, nhưng nhờ ý thức bảo vệ môi trường được nâng cao nên hồ Đồng Nai Thượng nằm ngay trung tâm TP Bảo Lộc được đảm bảo sạch rác thải nhựa.
 
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều người thể hiện ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường chưa tốt. Tại hồ Đồng Nai hạ, sau khi thả cá chép xong, nhiều người vẫn vô tư vứt bỏ túi nilon nổi lềnh bềnh trên mặt hồ khiến nhiều người bức xúc.
 
KHÁNH PHÚC