Quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy vào thác Cam Ly

05:04, 16/04/2021

Thành phố Đà Lạt có tổng diện tích tự nhiên là 39.392 ha. Dân số thành phố đến cuối năm 2019 là 227.002 người...

Bài 1: Một số đặc điểm về nguồn thải 

 
Thành phố Đà Lạt có tổng diện tích tự nhiên là 39.392 ha. Dân số thành phố đến cuối năm 2019 là 227.002 người. Cùng sự phát triển của đô thị loại I, điểm du lịch nổi tiếng và trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bài toán quản lý nguồn thải nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nguồn nước chảy ở Đà Lạt ngày càng bức thiết. 
 
Đà Lạt cơ bản có các tuyến thoát nước mưa tại 181 tuyến đường phố
Đà Lạt cơ bản có các tuyến thoát nước mưa tại 181 tuyến đường phố
 
Đặc điểm tự nhiên
 
Thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận (xã Lát, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương) là đầu thượng nguồn hệ thống lưu vực sông Đồng Nai. Mật độ sông suối 1,2 km/km2, bắt nguồn từ sông Đa Nhim, Đa Dung. Nguồn nước sinh hoạt chính cung cấp cho thành phố Đà Lạt là hồ Đan Kia, có lưu vực 141 km2. Nguồn tiếp nhận nước thải của thành phố Đà Lạt là tại thác Cam Ly, địa bàn Phường 5. Trong đó, suối Cam Ly có chiều dài 64,1 km, bắt nguồn từ khu vực Đarahoa (Lạc Dương), nhận nước từ các núi Lápbê Nam, Lápbê Bắc. Ngoài đóng góp về cảnh quan, suối là trục chính thoát nước cho khu vực trung tâm thành phố. Nguồn tiếp nhận nước thải của thành phố Đà Lạt thứ 2 là từ suối Phan Đình Phùng, chiều dài 5,7 km, bắt nguồn từ khu vực Thánh Mẫu, Phường 8. Tuyến thoát nước này qua một số địa bàn Phường 1, 2 và 6. Toàn bộ lưu vực suối Cam Ly trên địa bàn thành phố Đà Lạt khoảng 34 km2; tổng lượng nước trung bình hàng năm qua suối khoảng 34 triệu m3 nước. 
 
Qua kiểm tra chất lượng nước nhiều năm, suối Cam Ly đã bị ô nhiễm rất nặng, thể hiện qua các thông số COD, BOD5, SS, kim loại và coliform. Tại vị trí cầu Cẩm Đô, cầu Cam Ly có nồng độ N-NO2, N-NO3, (Nitrit ), N-NH4 (Amôni) vượt quy chuẩn cho phép nhiều lần. Năm 2013, thành phố Đà Lạt đã cơ bản có các tuyến thoát nước mưa tại 181 tuyến đường phố với chiều dài mương thoát nước 160.940 m và 6.371 m cống thoát nước. Trên toàn bộ địa bàn thu gom nước thải của nhà máy đã có hệ thống thu gom tiêu thoát nước mưa riêng biệt với nước thải.
 
Đặc điểm kinh tế - xã hội
 
Trong những thập niên qua, thành phố Đà Lạt đã nỗ lực nhiều về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa phương. Theo đó, Đà Lạt đã nâng nhịp độ và chất lượng tăng trưởng ở từng ngành, từng lĩnh vực. Ngoài chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng du lịch - dịch vụ, công nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển du lịch chất lượng cao, Đà Lạt đồng thời gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. 
 
Về ảnh hưởng đối với khu vực thác Cam Ly có thể nêu một số thông tin cụ thể sau. Trước hết là các hoạt động vùng dân cư tập trung (khoảng 202.000 người, với 46.000 hộ). Cùng đó, số lao động trong các doanh nghiệp và cơ sở cá thể khoảng 51.000 người; số trường học phổ thông có 878 trường; số cơ sở y tế là 20 (gồm các bệnh viên và các trung tâm y tế). Mật độ xây dựng trung bình trong trung tâm thành phố 15.397 m2/ha; trong đó diện tích trung bình khách sạn, nhà hàng, khu thương mại 6.159 m2, diện tích nhà ở 9.238 m2 với hệ số sử dụng đất trung bình 1,5. Về các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ảnh hưởng thác Cam Ly khoảng 2.800 ha; khoảng 450 ha đất chuyên dùng là vùng thu gom nước đến thác. Đối với các hoạt động kinh doanh, du lịch - dịch vụ và thương mại, trên địa bàn thành phố hiện có trên 2.200 cơ sở lưu trú, (có sao 383, biệt thự 134, khách sạn đạt chuẩn 196, nhà nghỉ 320 và còn lại căn hộ du lịch, các mô hình khác); tổng số có 29.282 phòng, khoảng 43.000 giường. Giai đoạn 2016 - 2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng tăng trưởng bình quân 8,9%; lượt khách lưu trú tăng trưởng bình quân 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng lượng khách lưu trú. Năm 2019, Đà Lạt đón gần 6 triệu lượt khách du lịch; năm 2020, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên lượng khách du lịch đến Đà Lạt-Lâm Đồng giảm 44,1% so cùng kỳ năm 2019.
 
Mấy nhận định chung 
 
Với sự phát triển kinh tế - xã hội của đô thị loại I, nghiêm túc nhìn nhận đối với mặt trái là thành phố Đà Lạt đang bị quá tải về chức năng, dân số và chịu sức ép về dự án đầu tư phát triển đô thị và du lịch, chịu hàng loạt áp lực của quá trình đô thị hóa. Riêng khu vực đô thị nằm trong lưu vực của thác Cam Ly có mật độ dân cư tập trung; các cơ sở thương mại, du lịch, khách sạn, nhà hàng, cơ sở chế biến và sản xuất có mật độ cao hơn các khu vực khác trong thành phố. 
 
Chúng tôi nêu mấy điểm khái quát sau. (1) Phát triển chưa được quản lý theo quy hoạch, thiếu kiểm soát chặt chẽ dễ gây tổn thương cho môi trường tự nhiên và gây ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. (2) Công tác quản lý đô thị cũng như quản lý các dự án đầu tư còn thiếu chặt chẽ; thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan đô thị và môi trường tự nhiên. Tình trạng xây dựng lộn xộn, sử dụng đất đô thị chưa hợp lý và diễn biến quá nhanh, hơn nữa việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ hoặc chưa theo kịp. Thách thức lớn nhất hiện nay là việc chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng trong các vùng đường vành đai chuyển sang đất ở đô thị. (3) Hạ tầng kỹ thuật trong công tác bảo vệ môi trường còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị như: thiếu nhà máy xử lý rác thải, chủ yếu vẫn là chôn lấp; nhà máy xử lý nước thải đã đầu tư xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả (chúng tôi sẽ bàn kỹ ở kỳ sau). Các khu chung cư, công viên, khu vui chơi giải trí, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, biệt thự, các cơ sở lưu trú, các căn hộ có hệ thống xử lý nước thải trong từng cơ sở chưa đạt hiệu quả; thậm chí nhiều nơi không có hệ thống xử lý nên xả thẳng nước thải ra môi trường. Nước thải và nước mưa chưa được riêng biệt nên vào mùa mưa, các hệ thống xử lý nước thải dọc theo suối Phan Đình Phùng, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Cừ, Lê Quý Đôn... hoạt động chưa đúng chức năng. (4) Mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là giữa phát triển đô thị và phát triển bền vững, sự cân bằng giữa đất, nước và đất rừng đang đòi hỏi tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách và tầm nhìn phát triển đô thị phù hợp. 
 
Gia tăng dân số, mật độ dân cư trong quá trình đô thị hóa; các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; các hiện tượng thiên tai cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên nước, bị biến đổi liên tục theo chiều hướng ngày càng xấu, cả không gian, thời gian, cả chất và lượng.
 
PHAN MINH ĐẠO - LƯƠNG VĂN NGỰ