Bản Brun bảo vệ rừng

05:05, 26/05/2021

Ở bản Brun, xã Gia Viễn (Cát Tiên), ngoài sản xuất nông nghiệp, hàng năm người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 658 ha, được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia đánh giá rất cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao độ che phủ rừng.

Ở bản Brun, xã Gia Viễn (Cát Tiên), ngoài sản xuất nông nghiệp, hàng năm người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 658 ha, được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia đánh giá rất cao trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần cải thiện môi trường và nâng cao độ che phủ rừng.
 
Nhờ tuần tra rừng thường xuyên của các thành viên tổ giao khoán bảo vệ rừng bản Brun mà những năm gần đây trên địa bàn không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào
Nhờ tuần tra rừng thường xuyên của các thành viên tổ giao khoán bảo vệ rừng bản Brun mà những năm gần đây trên địa bàn không xảy ra vụ vi phạm lâm luật nào
 
Nếu trước kia, rừng được giao cho lực lượng chuyên trách về quản lý bảo vệ, thì nay rừng được giao cho cộng đồng thôn bản, tất cả mọi người đều có trách nhiệm quản lý và bảo vệ.
 
Già Điểu K’Ít - Trưởng ban Công tác Mặt trận bản Brun cho biết, trước đây, đồng bào ở đây có lối sống du canh, lang thang du mục giữa đại ngàn, tách biệt với thế giới bên ngoài. Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên, bằng cách săn bắn, hái, lượm, phát rừng làm nương rẫy... Từ khi được về khu tái định cư mới, người dân có đất sản xuất, ngoài ra còn được giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, đã tạo cơ hội cho mọi người trong thôn được cùng tham gia, chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm, nhất là sử dụng tiền bảo vệ rừng hiệu quả, công khai, minh bạch. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi thành viên trong cộng đồng đối với việc bảo vệ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.
 
Những chuyến đi tuần tra rừng với ông Điểu K’Siêu (bản Brun, Gia Viễn) dần trở nên quen thuộc. Đều đặn một tháng tuần tra rừng 2 lần, mỗi đợt tuần tra trong khoảng 4-5 ngày. Khi đi tuần tra rừng trong nhiều ngày, ông và các thành viên trong tổ quản lý bảo vệ rừng (BVR) cùng cán bộ kiểm lâm của Trạm Gia Viễn có sự chuẩn bị chu đáo về bản đồ khu vực tuần tra, la bàn, máy GPS, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị làm trại và tư trang cá nhân đi rừng. Ngoài ra, còn phải ghi chép nhật ký tuần tra chu đáo. 
 
Ông K’Siêu cho biết: “Nhân dân bản Brun rất vui mừng và phấn khởi khi được Vườn Quốc gia Cát Tiên tin tưởng giao khoán bảo vệ rừng với diện tích lớn. Tôi cùng hàng chục thành viên khi tham gia vào tổ BVR có nhiệm vụ tuyên truyền, bảo vệ những khu rừng mình quản lý, chính vì vậy, người dân trong bản ai cũng có ý thức trách nhiệm, không có trường hợp tự ý lên rừng chặt cây lấn chiếm đất sản xuất. Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), đời sống của tôi và bà con trong bản đã được cải thiện, bà con đóng góp xây sửa nhà văn hóa, sân thể thao của bản...”. 
 
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra BVR, tổ nhận khoán bản Brun còn tham gia công tác phòng chống chữa cháy, huy động lực lượng phản ứng nhanh, tại chỗ, kịp thời, do vậy, trong nhiều năm qua trên địa bàn không để xảy ra cháy lớn, cho nên thiệt hại về tài nguyên rừng không đáng kể.
 
Từ chính sách chi trả DVMTR, nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng ở Brun từng bước được nâng cao. Đồng thời, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Lực lượng nhận khoán tham gia công tác BVR là đồng bào DTTS, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền và công tác tuần tra kiểm tra của các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng đã kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm lâm luật mới phát sinh. Nhờ đó, các vụ vi phạm có chiều hướng giảm dần, giảm về số lượng, giảm về diện tích và khối lượng gỗ thiệt hại.
 
Ông Phạm Hồng Thái, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Gia Viễn, Vườn Quốc gia Cát Tiên cho biết, hiện nay bản Brun có 22/25 hộ tham gia tổ nhận khoán BVR với diện tích 658,6 ha, thu nhập bình quân của tổ viên là 5 triệu đồng/người/quý (20 triệu đồng/người/năm). Ngoài ra, các hộ dân trong bản còn được Vườn Quốc gia Cát Tiên cho tận thu, thu hoạch 50% diện tích điều còn lại tại khu định cư cũ.
 
Từ khi nhận khoán BVR, ý thức của bà con trong việc quản lý, bảo vệ rừng rất tốt. Nhờ những lực lượng này mà ngành chức năng thu thập và xác minh được nguồn tin về các hoạt động phạm pháp đã và đang xảy ra trên địa bàn. Việc BVR được người dân thỏa thuận thực hiện, phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng; góp phần nâng cao năng lực nhận thức, kiến thức, kỹ năng của người dân và cán bộ địa phương trong tổ chức BVR. Công tác tuần tra rừng được tiến hành thường xuyên, các hành vi vi phạm về BVR được phát hiện sớm và ngăn chặn hiệu quả ngay từ cơ sở. 
 
Ngoài ra, tổ nhận khoán bản Brun còn phối hợp với tổ nhận khoán BVR khác có diện tích lân cận cùng thực hiện nhiệm vụ. Nhờ những thành tích đã đạt được, hằng năm tổ BVR bản Brun được Vườn Quốc gia Cát Tiên và UBND xã Gia Viễn khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác BVR.
 
HOÀNG YÊN