Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ

05:05, 19/05/2021

Đó là tên của cơ sở giáo dục đặc biệt do vợ chồng người Hàn Quốc xây dựng tại đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt...

Đó là tên của cơ sở giáo dục đặc biệt do vợ chồng người Hàn Quốc xây dựng tại đường Hoàng Hoa Thám, thành phố Đà Lạt. Không gian yên tĩnh, rất nhiều giáo cụ chuyên biệt, đặc biệt, năng lực và tình yêu thương của chủ nhà trở thành tài sản lớn đối với trẻ em khuyết tật.
 
 Vợ chồng ông bà Kwon-Choi trong phòng học chuyên biệt
Vợ chồng ông bà Kwon-Choi trong phòng học chuyên biệt
 
Tạo lập cuộc sống thứ 2 có ý nghĩa
 
Vợ chồng đều ngoài 60 tuổi, bà Choi Young Sook là tiến sĩ giáo dục đặc biệt, nguyên là giảng viên Trường Đại học Inje, còn chồng, ông Kwon Jang Soo nguyên là Giám đốc đại lý xe hơi ở thành phố Busan. Cuộc sống đủ đầy, công việc ổn định, thu nhập cao, nhưng vợ chồng quyết định xa gia đình người con trai duy nhất đang công tác trong lực lượng không quân ở quê hương để định cư tại Việt Nam với cuộc sống thiếu nhiều điều kiện. Lý do đơn giản và là động lực đó là “chúng tôi cùng trò chuyện với nhau, về hưu là cuộc sống thứ 2, cần phải làm gì để có ý nghĩa phần đời còn lại”, bà Choi nói. 
 
Năm 2005, lần đầu tiên bà Choi cùng đoàn chuyên gia giáo dục Hàn Quốc đến Việt Nam, trong đó có Trường Khiếm thính Lâm Đồng (KTLĐ). Nhận thấy ở đây có những điều kiện ban đầu để phát triển giáo dục trẻ khiếm thính như trường lớp, giáo viên, nhưng còn thiếu chương trình, phương pháp dạy học của quốc tế. Là nhà khoa học và chuyên gia nổi tiếng, Tiến sĩ Choi hiểu khi phương pháp dạy học trẻ khiếm thính chung với mọi trẻ khuyết tật, trong đó có cả trẻ bình thường như ở Việt Nam sẽ đạt hiệu quả thấp. Vợ chồng bà quyết định nghỉ hưu trước tuổi để sang Việt Nam giúp đỡ. Năm 2009, ông bà cùng giảng viên, chuyên gia Hàn Quốc tổ chức hội thảo khoa học về phương pháp dạy học trẻ khuyết tật tại Đà Lạt để chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên dạy trẻ khuyết tật Việt Nam. 10 năm nay, ông bà và các đồng nghiệp tổ chức 8 lần hội thảo tại Việt Nam, chủ yếu ở Đà Lạt, ngoài ra tổ chức ở Hà Nội. Mỗi hội thảo thu hút từ hơn 130 người đến hơn 340 người, đến từ các trường phổ thông, trường chuyên nghiệp và cả cha mẹ học sinh…
 
Theo Tiến sĩ Choi Young Sook, ngoài việc giúp đỡ truyền thụ kiến thức của bà, Việt Nam cần tổ chức cho nhiều giáo viên sang Hàn Quốc tham quan, học tập trực tiếp các mô hình. Tiến sĩ Choi cũng ghi nhận, địa phương Lâm Đồng, nhất là Sở Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay đã tích cực phối hợp với vợ chồng bà. Nhờ vậy mà ông bà đã tổ chức mời được khá nhiều lãnh đạo Sở, Trường KTLĐ, Trường Hoa Phong Lan, Phòng Giáo dục và Đào tạo Đà Lạt đến Hàn Quốc. Còn cô giáo Nguyễn Thị Lợi, Phó Hiệu trưởng Trường KTLĐ thì nhận xét với tôi: “Suốt 11 năm nay, ông bà thường xuyên lui tới để giúp đỡ rất nhiều cho nhà trường từ vật chất đến phương pháp dạy học. Học sinh xem ông bà như cha mẹ thân thiết. Trường KTLĐ còn được ông bà hỗ trợ dạy các học sinh hướng nghiệp thông qua mở quán cà phê, mô hình duy nhất tại trường chuyên biệt ở Việt Nam”.  
 
“Người khuyết tật chúng tôi cũng có thể làm được tất cả”
 
Đây là sologan mà ông Kwon chỉ cho tôi trong bức ảnh dài mấy mét về cán bộ, giáo viên Đà Lạt cùng ông bà treo bên cổng “Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ”. Trước khi thành lập “ngôi nhà” này, ông bà là tình nguyện viên của Trung tâm Hỗ trợ giáo dục đặc biệt của Hàn Quốc tại tỉnh Lâm Đồng. Năm 2015, sau khi bàn giao Trung tâm cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, ông bà tiếp tục làm giáo viên tình nguyện cho Trường KTLĐ. Để đạt tâm nguyện cống hiến lĩnh vực giáo dục đặc biệt cho Việt Nam đến cuối đời, năm 2020, vợ chồng Tiến sĩ Choi tìm cách mở cơ sở. Từ đề nghị của Hiệp hội bạn bè toàn cầu Sarang (SGF) Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam đồng ý cấp giấy chứng nhận cho Tiến sĩ Choi Young Sook hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục đặc biệt, hỗ trợ người khuyết tật và người nghèo tại Việt Nam. 
 
“Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ” do Tiến sĩ Choi làm Trưởng đại diện phụ trách quản lý điều hành cho công ty tại Hà Nội. Mục đích là tạo cơ hội cho trẻ em khuyết tật dưới 5 tuổi được vui chơi và học tập; phát hiện sớm trẻ sơ sinh khuyết tật và đánh giá cụ thể; giáo dục trị liệu về ngôn ngữ, tâm lý và liệu pháp tích hợp giác quan; hướng dẫn phụ huynh phương pháp cùng dạy trẻ và đào tạo giáo viên chuyên nghiệp. Đây cũng là thế mạnh của Thạc sĩ Mầm non, tiến sĩ giáo dục đặc biệt Choi Young Sook. Tiến sĩ Choi chia sẻ: “Muốn trẻ khiếm thính hay trẻ tự kỷ, trẻ thiểu năng tiến bộ trong quá trình đến với hòa nhập quan trọng nhất và trước tiên là phát triển ngôn ngữ của trẻ. Phải hiểu nhau, giữa trẻ với trẻ, giữa người khác với trẻ thì mới đưa trẻ đến với hòa nhập được. Vì vậy, trẻ cần được can thiệp sớm càng tốt, sau này tuổi lớn hơn thì dạy hướng nghiệp cho trẻ”. Bà đưa tôi xem các tập hồ sơ theo dõi rất kỹ lưỡng và khoa học từng trẻ khuyết tật đang học tại đây. Để xác minh thêm, tôi đề nghị được trao đổi qua điện thoại với một phụ huynh học sinh. Mẹ của K. (sinh năm 2019, học sinh tự kỷ) cho biết: “So với khi chưa được học với cô Choi, giờ bé đã tiến bộ rất khả quan, tôi rất vui. Đặc biệt rất quan trọng là cô chỉ phương pháp dạy trẻ cho mẹ, hàng ngày con chỉ đến cô học một giờ, tôi ở với bé nên dạy con được rất nhiều”.    
 
Bà Choi và ông Kwon dẫn tôi tham quan các phòng của “Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ”. Không gian rất yên tĩnh, bố trí nhiều phòng nhỏ: giáo viên sinh hoạt và làm giáo cụ; các phòng chuyên biệt cho trẻ như vận động, nghỉ ngơi, học tập, các phòng dạy nghề hướng nghiệp… Những thiết bị hiện đại chuyên dụng và hàng trăm giáo cụ Hàn Quốc và Việt Nam. Cô Choi vừa “thị phạm” vừa giới thiệu những giáo cụ rất say sưa, và bất ngờ nữa là cô hát những bài hát trẻ mẫu giáo bằng tiếng Việt kết hợp với điệu bộ. “Chúng tôi mong muốn sống đến cuối đời ở đây để giúp đỡ và giáo dục trẻ em khuyết tật Việt Nam”, cô Choi nói. Ông Kwon tâm tư thêm: “Chúng tôi rất muốn được các cơ quan chức năng hỗ trợ giúp đỡ về mặt pháp lý. Chúng tôi nghiêm túc tuân thủ các quy định của luật pháp Việt Nam nhưng là người nước ngoài nên không hiểu được nhiều”. 
 
Nối kết tích cực với bạn bè Hàn Quốc, ông bà đã tham gia nhiều chuyến từ thiện đối với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vùng sâu, vùng xa ở Lâm Đồng và trường học. Hàng chục xe lăn, xe đạp, sửa chữa nhà ở, học bổng, trợ cấp tiền hàng tháng, hỗ trợ máy lọc nước và gạo cho trường học,… là kết quả của “muốn đi xa thì cùng đi với nhau” như ông Kwon nói. Năng lực chuyên môn, tấm lòng cao cả, tâm huyết và nhiệt tình của vợ chồng Choi Young Sook - Kwon Jang Soo đã được ghi nhận 7 bằng khen của UBND và Mặt trận Tổ quốc tỉnh Lâm Đồng, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam. Ông bà đang tích cực hoàn thiện “Ngôi nhà yêu thương và chia sẻ”, mở rộng cửa và vòng tay nhân ái đón nhận trẻ khuyết tật Việt Nam.
 
MINH ĐẠO