Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế

04:06, 15/06/2021

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động...

Với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, trong 10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cát Tiên đã được tổ chức gắn với nhu cầu của người lao động và từng địa phương, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực.
 
Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, anh Điểu K’Du mạnh dạn chuyển đổi vườn điều sang trồng bơ xen cà phê
Nhờ tham gia các lớp đào tạo nghề, anh Điểu K’Du mạnh dạn chuyển đổi vườn điều sang trồng sầu riêng xen cà phê
 
Gắn với nhu cầu của người dân
 
Tại xã Đồng Nai Thượng, với tổng diện tích đất canh tác chiếm 1.353 ha/1.487 ha, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò chính trong cơ cấu kinh tế. Do đó, các lớp đào tạo nghề về nông nghiệp là vô cùng hữu ích và cần thiết cho bà con nông dân.
 
Bà Điểu Thị Prợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, cho biết: Trước khi mở lớp đào tạo nghề, thông qua các cuộc họp dân ở các thôn, chính quyền địa phương sẽ nắm bắt nhu cầu của người dân, sau đó sẽ phối kết hợp để mở các lớp phù hợp. Những năm gần đây, các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây điều, cà phê, sầu riêng,... thu hút đông học viên. Tín hiệu đáng mừng là bà con đã biết áp dụng vào sản xuất, từ đó năng suất cây trồng, vật nuôi ngày càng được nâng lên. Đời sống của bà con ngày càng cải thiện rõ rệt.
 
Cũng từ những lớp đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật mà từ 2 năm nay, anh Điểu K’Du (thôn Đạ Cọ, xã Đồng Nai Thượng) đã mạnh dạn chuyển đổi 2 sào đất trồng điều sang trồng bơ và cà phê. Anh K’Du chia sẻ: “Ngày trước, chúng tôi trồng điều theo thói quen từ lâu, không chú tâm lắm đến kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ, khi chuyển sang trồng bơ và sầu riêng, chúng tôi phải học mới biết được lúc nào bón phân, lúc nào tưới nước thì hợp lý. Dù phức tạp và vất vả, tốn công hơn, nhưng nhìn cà phê ra trái nhiều và sầu riêng phát triển tốt nên chúng tôi phấn khởi lắm”.
 
Giai đoạn 2010 - 2020, UBND huyện Cát Tiên đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, UBND các xã, thị trấn đào tạo nghề cho 4.137 lao động/142 lớp nghề. Trong đó, lĩnh vực phi nông nghiệp có 847 lao động, chiếm 20,47%; lĩnh vực nông nghiệp có 3.290 lao động, chiếm 79,52%.
 
Ông Nguyễn Bình - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên cho biết: Qua khảo sát, sau khi học nghề, trên 80% người lao động đã áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế lao động sản xuất trên đồng ruộng và đàn vật nuôi tại gia đình. Cụ thể như kỹ thuật chăn nuôi, trồng lúa chất lượng cao, trồng và chăm sóc cây điều, móc len, dệt thổ cẩm,... Từ đó nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Một số lao động đã mạnh dạn vay vốn để đầu tư vào sản xuất, thay đổi giống cây trồng, vật nuôi.
 
Phấn đấu 50% lao động qua đào tạo nghề
 
Theo thống kê từ UBND huyện Cát Tiên, hiện trên địa bàn huyện có đến 78,57% lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; 5,78% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp xây dựng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo việc làm trong các thành phần kinh tế đến cuối năm 2019 chiếm 47,45%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 36,29%. 
 
Để người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực sự hiểu được tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, các cơ quan, ban ngành liên quan trên địa bàn huyện Cát Tiên đã phối hợp tổ chức tuyên truyền về các chế độ, chính sách liên quan đối với học nghề. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: tập huấn, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở; phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tổ chức hội nghị tư vấn tập trung tại các xã, cụm xã, tư vấn tại hộ gia đình;... 
 
Việc đổi mới trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo bước đột phá về chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại huyện Cát Tiên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều hạn chế khi một số lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa xác định đúng đắn động cơ học tập. Một số lao động sau học nghề chưa áp dụng được các kiến thức đã học vào thực tế lao động sản xuất, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ngoài ra, nhu cầu đào tạo nghề của người lao động trong thời gian qua chưa gắn với công tác xuất khẩu lao động, chưa đào tạo được những lao động có tay nghề cao để đáp ứng với thị trường có thu nhập cao.
 
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Bình cũng chỉ ra một số khó khăn mà địa phương vẫn luôn cần được tháo gỡ, như thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, đội ngũ giáo viên; kinh phí thực hiện thấp và chậm cũng ảnh hưởng phần nào đến việc triển khai các lớp học.
 
Thời gian tới, kế hoạch đào tạo nghề hàng năm của huyện Cát Tiên tiếp tục bám sát nhu cầu của người lao động và định hướng phát triển của địa phương, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50%. Trong đó, chú trọng chủ động thông tin về công tác dạy nghề, việc làm đến người lao động. Gắn hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn huyện với sử dụng lao động của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để người lao động có thể tìm việc làm với mức thu nhập cao hơn.
 
VIỆT QUỲNH