Trồng rau sạch từ rác thải hữu cơ

06:06, 01/06/2021

Từ khi mua và đưa mô hình trồng rau sạch từ rác thải hữu cơ về nhà, nguồn rác thải hữu cơ hằng ngày của gia đình bà Hoan (ở Phường 8, Đà Lạt) không đủ nguồn cung cấp cho 5 tháp trồng rau, mà lượng rau thu được lại thừa cho gia đình 4 người...

Từ khi mua và đưa mô hình trồng rau sạch từ rác thải hữu cơ về nhà, nguồn rác thải hữu cơ hằng ngày của gia đình bà Hoan (ở Phường 8, Đà Lạt) không đủ nguồn cung cấp cho 5 tháp trồng rau, mà lượng rau thu được lại thừa cho gia đình 4 người...
 
Mô hình trồng rau sạch từ rác thải hữu cơ ở gia đình bà Hoan
Mô hình trồng rau sạch từ rác thải hữu cơ ở gia đình bà Hoan
 
Bà Hoan cho biết: Từ khi xác định rau hữu cơ có nhiều giá trị dinh dưỡng và khoáng chất, tốt cho sức khỏe; nhưng, thị trường không có nguồn và không biết có chắc là rau hữu cơ không, vì quy trình trồng rau hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian, lại phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về đất và dinh dưỡng cho cây trồng, giá thành cao…, nên bà đã tìm hiểu mô hình trồng rau hữu cơ tại nhà và mua tháp trồng rau hữu cơ để thử nghiệm cũng như đáp ứng nhu cầu của gia đình.
 
Tháp trồng rau hữu cơ được làm bằng nhựa, có đường kính khoảng nửa mét và cao khoảng một mét, gồm nhiều tầng, có các hốc để trồng cây và sử dụng rác thải hữu cơ nhà bếp để tạo ra dinh dưỡng cho cây trồng. Ở giữa tháp có một trụ để chứa rác thải hữu cơ nhà bếp; đáy tháp có thể xoay 360 độ để lấy ánh sáng và một hộp thu dung dịch hữu cơ đã phân hủy để bón cây. Do thể tích của tháp không lớn, nên có thể để góc sân và với hệ thống chuyển động tròn có thể để tháp trên ban công, góc tường có ánh nắng… như một không gian để cây cảnh khá đẹp.
 
Qua tìm hiểu, hoạt động của tháp trồng rau hữu cơ dựa trên nguyên lý cân bằng tự nhiên, với lõi vi sinh và trùn quế xử lý rác hữu cơ thành chất dinh dưỡng cho cây trồng. Rác thải hữu cơ nhà bếp (rau, củ, quả bỏ, vỏ trái cây, cơm thừa, bã chè, bã cafe...) bỏ vào trụ vi sinh (giữa tháp) sẽ được ăn bởi trùn quế và đùn ra đất, tạo ra một lượng phân bón hữu cơ chứa đạm, lân, kali, ức chế nấm mốc phát triển... cung cấp ngược lại cho cây, bổ sung dinh dưỡng và làm tơi xốp đất. 
 
Theo bà Hoan, chủ nhân chỉ cần trồng cây, tưới nước từ phía trên, xung quanh cây trồng, thu hoạch và thưởng thức; mà không cần phải bón thêm phân hay thay đất. Nhà bà Hoan còn lấy đất do trùn quế thải ra từ tháp trồng rau hữu cơ để trồng cây ngoài đất, tạo nên một khu vườn nhỏ xanh tươi, với đủ các loại rau xanh theo nhu cầu. Tuy nhiên, dùng tháp trồng rau hữu cơ, thì các gia đình phải đầu tư một khoản kinh phí ban đầu để mua tháp khá đắt đỏ. 
 
Có một cách trồng rau từ rác thải hữu cơ khác từ chị Dương ở Phường 4 - Đà Lạt đơn giản hơn. Đó là tạo một hố ủ rác thải hữu cơ trong vườn nhà, thu gom rác thải hữu cơ và ủ thành phân để trồng cây. Chị Dương cho rằng, nếu gia đình có vườn thì đào một hố, hay quây một chỗ nhỏ để ủ rác hữu cơ; nếu không, các khu phố có thể tạo một hố thu gom rác hữu cơ ở tiểu công viên hay trên một khu đất bỏ hoang để thu gom rác thải hữu cơ và sử dụng như một loại dinh dưỡng bổ sung cho đất, thì lượng rác thải hữu cơ sẽ không bao giờ đủ và có ý nghĩa rất lớn về môi trường. 
 
Với lượng rác thải hữu cơ cân bằng cả ướt (rác hữu cơ nhà bếp), khô (cây, lá trên đường)… rác thải sẽ mục một cách tự nhiên nhờ trùn hoặc ruồi lính đen. Tuy nhiên, nếu sử dụng phương thức thu gom rác hữu cơ cho cả khu phố thì đòi hỏi ý thức cộng đồng cao. Nghĩa là, rác thải phải được phân loại tại các gia đình, khi đi bỏ rác, chỉ có rác thải hữu cơ mới được đưa vào hố rác phân để phân hủy hữu cơ... Nếu làm được như vậy, thì không chỉ trong gia đình mà cả khu phố sẽ có những khu vườn rau - hoa tươi tốt, như ý… từ nguồn rác thải hữu cơ hằng ngày.
 
LÊ HOA